Ở TP.HCM, nhờ làm điều này mà nông dân nuôi tôm, nuôi cá và trồng rau ăn lá,... thu lợi nhuận tiền tỷ đều tay

Trần Đáng Thứ năm, ngày 08/02/2024 19:01 PM (GMT+7)
Tại TP.HCM, nhờ ứng dụng công nghệ cao, người trồng hoa lan, nuôi tôm nước lợ, nuôi cá cảnh thu lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng/ha/năm; trồng rau ăn lá (mồng tơi, cải ngọt, cải xanh, rau muống…), rau củ quả (dưa leo, khổ qua, bầu, bí xanh…) có lợi nhuận gần nửa tỷ đồng/ha/năm.
Bình luận 0

Theo Sở NNPTNT TP.HCM, năm 2023, tổng diện tích canh tác rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố hơn 462ha. Diện tích này tập trung chủ yếu ở huyện Củ Chỉ hơn 437ha, huyện Hóc Môn hơn 5ha, huyện Bình Chánh gần 9ha và các quận, huyện khác hơn 11ha.

Đẩy mạnh chuyển giao khoa học công nghệ

Chị Liêu Thị Kim Phượng - Giám đốc HTX Vườn lan Việt (TP.HCM) cho biết, muốn trồng, chăm sóc hoa lan đạt năng suất và chất lượng cao để có thu nhập cao, nông dân cần có kỹ thuật chuyên môn tốt. Việc chuyển giao KHCN, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa lan là một giải pháp quan trọng để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành. Công nghệ cao giúp người nông dân trồng lan đạt năng suất cao, chất lượng tốt, giảm thiểu chi phí sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm.

Ở TP.HCM, nhờ làm điều này mà nông dân nuôi tôm, nuôi cá và trồng rau ăn lá,... thu lợi nhuận tiền tỷ đều tay- Ảnh 1.

Nông dân trồng hoa lan công nghệ cao ở TP.HCM thu lời hơn 1 tỷ đồng/ha/năm. Ảnh: T.Đ

TP.HCM đã tổ chức đào tạo năng lực thực hành cho 2.923 học viên là lao động nông thôn trong các lĩnh vực cây trồng, vật nuôi và thủy sản ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, góp phần giúp nông dân ứng dụng phát triển sản xuất, có việc làm ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Tổ chức tập huấn bồi dưỡng, cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề cho 3.653 người dân về trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.

"Thời gian qua, TP.HCM đã đẩy mạnh công tác chuyển giao KHCN, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa lan. Các cơ quan, đơn vị chức năng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng lan ứng dụng công nghệ cao cho nông dân. Công tác hỗ trợ chuyển giao KHCN cho người nông dân trong việc trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao là một việc làm vô cùng quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của khu vực" - chị Phượng chia sẻ.

Trong khi đó, về lĩnh vực nuôi tôm, Chi cục Thủy sản thành phố cho biết, hiện tại nhiều cơ sở nuôi tôm trên địa bàn thành phố đã mạnh dạn ứng dụng KHKT vào sản xuất, như ứng dụng mô hình nuôi tôm 2 - 3 giai đoạn, nuôi tôm trong nhà kín, mô hình nuôi tôm tuần hoàn và bán tuần hoàn... Theo đó, có những ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, như mô hình nuôi thủy sản kết hợp trồng rau thủy canh (Aquaponic) cho kết quả tốt và đang được nhân rộng… Hiện, TP.HCM có tổng diện tích nuôi thủy sản trên 6.800ha. Trong đó, nuôi thủy sản nước ngọt là 950ha với sản lượng hơn 7.200 tấn và nuôi thủy sản mặn, lợ là 5.900ha với sản lượng hơn 35.000 tấn.

Theo Sở NNPTNT TP.HCM, trong năm 2023, Sở đã triển khai thực hiện 18 mô hình, trong đó có 4 mô hình trình diễn ứng dụng công nghệ cao, gồm: Nuôi tôm thẻ, trồng rau ăn lá, áp dụng khẩu phần ăn TMR chăn nuôi bò sữa, chăn nuôi lợn thịt trên nền đệm lót sinh học và 14 mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ về hoa kiểng, cá cảnh trên địa bàn thành phố.

Ngoài triển khai mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, TP.HCM còn đào tạo thường xuyên cho 341 học viên lao động nông thôn đạt trình độ sơ cấp ứng dụng công nghệ cao trong canh tác cây rau, hoa, cây kiểng, nấm ăn. Các học viên này ngoài việc chủ động trong thực hành sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế, sẽ truyền nghề cho nông dân khác giúp gia tăng sản xuất nông nghiệp cộng đồng.

Tiếp tục nâng cao tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao

Theo UBND huyện Cần Giờ, ngành nông nghiệp huyện giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 xác định nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp hữu cơ, hàng hóa tập trung, quy mô lớn, hiện đại theo chuỗi giá trị; ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, cơ giới hóa theo hướng hiện đại để nâng cao giá trị gia tăng, năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Hiện, huyện Cần Giờ có 43.000ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó khoảng 10.000ha nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối trên 1.500ha và khoảng 250ha diện tích trồng cây ăn trái (có khoảng 200ha xoài cát Hòa Lộc ở thị trấn Cần Thạnh và xã Long Hoà). Trong 10 năm trở lại đây, Cần Giờ còn phát triển sản phẩm yến, mang lại giá trị cao, với khoảng 519 nhà yến, sản lượng cho thu hoạch ước đạt 15 tấn/năm, trị giá khoảng 250 tỷ đồng/năm. Trên địa bàn huyện còn có 44 cơ sở chuyên sản xuất yến, trong đó có 5 cơ sở chuyên sản xuất các sản phẩm chuyên sâu về yến.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 mới đây, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nêu rõ, định hướng trong thời gian tới, thành phố tiếp tục nâng cao tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao và công nghệ sinh học vào sản xuất; phấn đấu phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học đạt trình độ tiên tiến, là một trong những thành phố hàng đầu châu Á về nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học.

Để đạt mục tiêu này, trong năm 2024, TP.HCM tăng cường tiếp nhận, xây dựng mô hình, chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, quy trình, công nghệ cao, chuyển đổi số, ứng dụng cơ giới hóa, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, sử dụng giống mới... trong sản xuất cây trồng, vật nuôi qua các hoạt động khuyến nông nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm và hạn chế dịch bệnh.

Thành phố cũng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với du lịch sinh thái, phát triển sản xuất và bảo vệ môi trường, ứng dụng công nghệ cao nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp đô thị.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cao cho người dân, phát triển nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái, phát triển sản xuất và bảo vệ môi trường; tư vấn, hỗ trợ trong nông nghiệp (tập huấn - đào tạo - huấn luyện, khảo sát học tập mô hình, tư vấn sản phẩm OCOP); tư vấn, chứng nhận nông sản; thông tin, quảng bá nông nghiệp; phát triển thị trường…

Theo Sở NNPTNT TP.HCM, hiện nay đối với chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, trên địa bàn thành phố có 31 cơ sở chăn nuôi heo với tổng đàn 85.491 con; 39 cơ sở chăn nuôi bò (chu yếu bò sữa) với tổng đàn hơn 4.200 con và 10 cơ sở chăn nuôi gia cầm với tổng đàn hơn 296.000 con.

Ngoài việc phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao trong các lĩnh vực nông nghiệp, quan trọng hơn TP.HCM còn là trung tâm nghiên cứu, sản xuất và cung ứng nguồn giống mới chất lượng cao bằng các kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, hiện đại cho thành phố và các địa phương trong nước cũng như quốc tế. Về công tác giống cây trồng, thành phố có 28 đơn vị sản xuất, kinh doanh giống cây trồng.

Về giống vật nuôi, ngành nông nghiệp đang phối hợp các trang trại thuộc HTX Chăn nuôi lợn an toàn Tiên Phong (huyện Củ Chỉ) tiến hành cung ứng 1.250 con lợn cái giống bố mẹ (PS) cho người chăn nuôi. Riêng với giống thủy sản mặn lợ, thành phố hiện có 13 cơ sở thuần dưỡng giống tôm tại huyện Cần Giờ và 3 cơ sở ở huyện Nhà Bè với lượng giống xuất bán đạt 91,15 triệu con, cung ứng 8,14% tổng lượng thả nuôi; 12 cơ sở sản xuất giống nhuyễn thể tập trung tại xã Lý Nhơn (huyện Cần Giờ). Với giống thủy sản nước ngọt, thành phố có 90 cơ sở, hộ cá thể sản xuất và thuần dưỡng giống thủy sản, lượng giống xuất bán 209 triệu con…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem