Khuyến nông Hà Nội thành công nhiều mô hình lớn

Minh Huệ Thứ năm, ngày 09/01/2020 20:48 PM (GMT+7)
Tổng kết hoạt động năm 2019, triển khai kế hoạch năm 2020 của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (TTKNHN), những nội dung được nhiều đại biểu nhắc đến là hiệu quả cho vay vốn của quỹ khuyến nông và những mô hình mang đậm bản sắc ngành khuyến nông Thủ đô.
Bình luận 0

Giúp nông dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận

Trong năm 2019, TTKNHN đã triển khai thực hiện 18 dạng mô hình, trong đó 11 mô hình trồng trọt, cơ giới hóa; 4 mô hình chăn nuôi, 3 mô hình thủy sản ở các quận, huyện, thị xã có sản xuất nông nghiệp.

img

Mô hình nuôi gà thả vườn sử dụng thảo dược của gia đình anh Nguyễn Văn Hải, xã Hoà Thạch, huyện Quốc Oai.  Ảnh: T.L

"Cái thiếu trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là kết nối với doanh nghiệp, thị trường, liên kết chuỗi. Toàn thành phố hiện có 1.092 HTX, trên 3.000 trang trại, cần tập huấn, đào tạo sâu hơn nữa về liên kết chuỗi trong sản xuất nông sản. Thời gian tới, TTKNHN cần lưu ý tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về chủ đề này”.

Ông Nguyễn Xuân Đại

Trong đó, mô hình nuôi thuỷ sản áp dụng công nghệ “sông trong ao” đã trở thành “thương hiệu” của TTKNHN nhờ đem lại hiệu quả to lớn về mặt kinh tế cho người tham gia mô hình, góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào nuôi thuỷ sản, tạo ra sản phẩm an toàn. Năm 2019 TTKNHN tiếp tục triển khai mô hình này trên diện tích 6ha tại 3 huyện Ứng Hoà, Chương Mỹ, Quốc Oai. Kết quả thực hiện cho thấy, mô hình nuôi cá chép V1 đạt tỷ lệ sống cao hơn 80%, trọng lượng bình quân 1,3kg/con, năng suất trên 18 tấn/ha, hệ số thức ăn giảm từ 1,8 xuống 1,5 trong suốt quá trình nuôi, cho lợi nhuận bình quân 120 triệu đồng/ha, cao hơn nuôi bình thường 20%.

Đối với mô hình “Sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà thả vườn” triển khai tại các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Vì, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây, bước đầu đã cho thấy lợi ích trong quản lý dịch bệnh, hạn chế sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, gà sinh trưởng, phát triển tốt.

Anh Nguyễn Văn Hải - 1 trong 5 hộ dân xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai tham gia mô hình cho biết: Theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, khi gà được 15 - 20 ngày tuổi thì bắt đầu sử dụng thảo dược hòa nước cho gà uống theo tỷ lệ 1 lít thảo dược Livotas cho 2.000 lít nước. Mỗi ngày cho gà uống 1 lần, sử dụng liên tục trong quá trình nuôi. Sau 3,5 tháng, gà mái đạt trọng lượng 1,1 - 1,2kg/con, gà trống 1,5 - 1,7kg/con.

“Cho gà ăn thảo dược, gia đình tôi giảm chi phí sử dụng thuốc thú y, giảm tỷ lệ gà chết vì quá trình nuôi được bổ sung thường xuyên các kháng sinh tự nhiên. Hơn nữa, với lợi thế sân vườn, gà được chạy nhảy nên thịt săn chắc, được thương lái mua với giá 80.000 - 85.000 đồng/kg” - anh Hải nói.

Theo ông Kiều Minh Khuê - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Quốc Oai, mô hình nuôi gà thảo dược có quy mô 50.000 con với 61 hộ tham gia. Các hộ được hỗ trợ 50% giống và 50% vật tư (thức ăn và thảo dược chiết xuất từ xuyên tâm liên, cây chó đẻ, cây hồ hoàng liên, cây rau riếp xoắn, cây bồ công anh, cam thảo, sâm đất, nghệ...). Trong đó, thảo dược có tác dụng kháng khuẩn, giải độc gan thận, kích thích sinh trưởng, tăng cường hệ miễn dịch, giảm dịch bệnh trên gà. Kết quả, đàn gà khỏe mạnh, phát triển tốt, ít bị bệnh, ít sử dụng thuốc kháng sinh trong quá trình nuôi, tỷ lệ nuôi sống cao, đặc biệt là tạo ra sản phẩm thịt sạch, được người tiêu dùng Thủ đô ưa chuộng.

Tăng hiệu quả Quỹ Khuyến nông

Theo bà Vũ Thị Hương - Giám đốc TTKNHN, năm 2019 Quỹ Khuyến nông thành phố đã tiếp nhận và tổ chức ký hợp đồng cho vay với 248 phương án xin vay vốn cho bà con nông dân với tổng số tiền hơn 79 tỷ đồng. Hoạt động cho vay vốn đạt hiệu quả cao, việc thu hồi vốn vay bao gồm cả vốn phát triển sản xuất, vốn vay phát triển cơ giới hóa đều đạt hiệu quả cao, tỷ lệ nợ xấu gần như không có mà chỉ phát sinh 1,24 tỷ đồng nợ quá hạn, do các hộ vay chăn nuôi lợn bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy, không dám tái đàn.

“Ngoài khó khăn do dịch bệnh phức tạp, năm 2019 cũng là năm đầu tiên đơn vị triển khai hỗ trợ giống, vật tư cho mô hình theo Nghị định 83/2018, trong đó hỗ trợ tối đa 50% giống, 50% vật tư thiết yếu, trong khi trước đây là hỗ trợ 100% giống, 30% vật tư thiết yếu phục vụ mô hình nên một số hộ, tập thể đã đăng ký tham gia nhưng không có khả năng đối ứng 50% kinh phí còn lại, dẫn đến một số mô hình gặp khó khăn” - bà Hương cho biết.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Đại - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội đánh giá: Năm 2019 TTKNHN đã hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó đã rà roát, kiểm tra thực tế được 1.000 địa chỉ sản xuất nông sản sạch, an toàn; phối hợp với các đơn vị tổ chức thành công hội chợ sản phẩm nông nghiệp an toàn, đặc biệt lần đầu tiên đã tổ chức thành công Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội. Tại đây đã giới thiệu được nhiều sản phẩm đặc sản của Thủ đô, sản phẩm OCOP, ký được 15 hợp đồng kinh tế, trong đó có hợp đồng xuất khẩu 24 tấn gạo với giá 16USD/kg, điều này rất có ý nghĩa, qua đó tạo động lực cho nông dân Thủ đô tiếp tục sản xuất các giống lúa chất lượng cao, lúa đặc sản.

“Trong công tác xây dựng trình diễn mô hình, tôi đánh giá cao khi TTKNHN đã bám sát cùng bà con không chỉ ở khâu sản xuất ban đầu, mà còn đồng hành đến cả giai đoạn đóng gói, dán tem nhãn và bao tiêu sản phẩm. Mô hình sử dụng thảo dược trong chăn nuôi lợn trước đây đã rất hiệu quả, nhưng trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi, TTKN đã kịp thời chuyển kinh phí sang mô hình chăn nuôi bò sinh sản quy mô 80 con, giúp bà con chuyển đổi cơ cấu vật nuôi hiệu quả, bù đắp sản lượng thịt lợn bị thiếu hụt do dịch tả lợn châu Phi” - ông Đại đánh giá.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem