Không dễ đưa chăn nuôi nông hộ ra khỏi nội đô

Hải Đăng Thứ hai, ngày 10/08/2020 06:16 AM (GMT+7)
Mới đây, Hà Nội đã thông qua nghị quyết ban hành quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố.
Bình luận 0

Thực tế cho thấy, để làm được điều này Hà Nội cần có lộ trình cũng như những chính sách, quy định nhằm hỗ trợ người chăn nuôi thực hiện di dời.

Hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi khỏi nội đô

Theo nghị quyết ban hành quy định khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm của Hà Nội (trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường), gồm: Các phường của các quận thuộc thành phố; 4 phường thuộc thị xã Sơn Tây (Sơn Lộc, Quang Trung, Ngô Quyền, Lê Lợi).

Không dễ đưa chăn nuôi nông hộ khỏi nội đô - Ảnh 1.

Ông Trần Duy Hưng chăm sóc đàn lợn tại trang trại của gia đình ở huyện Đan Phượng (Hà Nội). Ảnh: Hải Đăng

Theo ông Nguyễn Huy Đăng, về lâu dài, Hà Nội sẽ ban hành chính sách ưu đãi các doanh nghiệp về thủ tục thuê đất, giải phóng mặt bằng mở rộng quy mô chăn nuôi; xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ; hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong xử lý môi trường bằng vi sinh, đệm lót sinh học.

Các thị trấn của 5 huyện là thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng), thị trấn Trạm Trôi (huyện Hoài Đức), thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh), thị trấn Trâu Quỳ và thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm), thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì); các khu chung cư, tập thể cũ, khu đô thị nằm trên địa bàn các huyện, thị xã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Về thời gian thực hiện, các cơ sở chăn nuôi phải di dời (hoặc dừng hoạt động chăn nuôi) ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi từ khi Nghị quyết có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023.

Nghị quyết quy định sẽ hỗ trợ đối với lao động chăn nuôi khi chuyển đổi. Cụ thể, hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng theo quy định gồm: Hỗ trợ chi phí học nghề, mức tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học; mức hỗ trợ tiền ăn là 30.000 đồng/người/ngày thực học; mức hỗ trợ tiền đi lại theo giá vé giao thông công cộng với mức tối đa không quá 200.000 đồng/người/khóa học đối với người tham gia học nghề ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên…

Các cơ sở chăn nuôi di dời khỏi khu vực không được phép chăn nuôi được hưởng ưu đãi theo chính sách của thành phố hiện hành.

Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội - ông Nguyễn Huy Đăng cho biết, hiện quy mô chăn nuôi lợn của Hà Nội còn nhỏ lẻ, nên khó khăn trong kiểm soát dịch bệnh. Hơn nữa, Luật Chăn nuôi đã được ban hành nhưng mới có hiệu lực nên việc kiểm soát hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bước đầu gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Đăng, trong thời gian vừa qua, ngành nông nghiệp thành phố đã và đang tiến hành rà soát từng đối tượng vật nuôi để đề xuất điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu phát triển từng vùng, cũng như quy mô và sản phẩm chủ lực đáp ứng nhu cầu thị trường; giảm chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư…

Nhiều vướng mắc

Ông Phạm Thành Hưng (ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội) cho hay, hai vợ chồng ông đều đã già yếu, không thể đi làm công nhân, xin một chân làm nghề bảo vệ cũng khó nên chỉ còn cách ở nhà làm ruộng, chăn nuôi lợn. "Dù biết nuôi lợn ở khu dân cư không đảm bảo vệ sinh nhưng vì mưu sinh, chúng tôi không còn cách nào khác" - ông Hưng bộc bạch.

Được biết, tính đến tháng 5/2020, toàn TP.Hà Nội có khoảng 207.587 cơ sở, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm với 156.456 con trâu, bò; 1.229.051 con lợn; 42.616.056 con gia cầm; 14.297 con dê.

Trong đó những phường thuộc các quận nội thành, 4 phường thuộc thị xã Sơn Tây, các thị trấn thuộc 5 huyện ven đô (Đan Phượng, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì) đề xuất không được phép chăn nuôi nhưng trên địa bàn vẫn còn 203.804 con gia súc, gia cầm của 3.354 nông hộ, trang trại với khoảng 2.606 lao động; trong đó 1.033 nông hộ/2.06 lao động, 54 trang trại/540 lao động cần dừng hoạt động hoặc di dời.

Trao đổi với phóng viên, nhiều chuyên gia nông nghiệp, cán bộ làm chính sách cho rằng, do thói quen và tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, nhất là ở những địa bàn rộng, dân thưa, từ làng lên phố… đã có từ rất lâu đời nên khi thực hiện chính sách di dời các cơ quan liên quan phải có chính sách hỗ trợ phù hợp.

Ông Vũ Thành Vĩnh - thành viên Hội đồng Tư vấn dân chủ - pháp luật Hà Nội cho rằng, quy định này khá nhạy cảm, liên quan đến quyền lợi, việc làm, đời sống của một bộ phận người dân. Vì hầu hết người chăn nuôi tuổi đã cao, trình độ văn hóa thấp, nhiều năm làm nghề chăn nuôi nên việc chuyển đổi ngành nghề rất khó khăn.

"Nhiều gia đình, nguồn sống hàng ngày cũng như việc nuôi dạy, học hành của con cháu đang trông vào thu nhập từ chăn nuôi, nay nếu dừng thì họ sẽ không biết làm gì… Do đó, chính quyền cần quan tâm đến mong muốn chính đáng của người nông dân, và cần có chính sách cởi mở hơn, thực tế hơn để bà con ổn định cuộc sống"- ông Vĩnh kiến nghị.

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, các cơ quan liên quan cần làm rõ khái niệm chăn nuôi, chăn nuôi nhỏ lẻ và chăn nuôi tập trung.

"Trong quy định đề cập đến chăn nuôi gia súc, gia cầm bao gồm: Trâu bò, lợn gà, vịt, ngan, chim cút, nhưng thực tế theo tiêu đề nghị quyết thì chăn nuôi không chỉ giới hạn hẹp như vậy. Trong khi, khu vực nuôi động vật làm cảnh được xác định là đối tượng không áp dụng trong nghị quyết, nhưng hiện nay khái niệm động vật nuôi làm cảnh không chỉ là gia súc, gia cầm như liệt kê mà còn đa dạng hơn và được nuôi để kinh doanh, giải trí, thư giãn trong một số khu nghỉ dưỡng..." - ông Đào Ngọc Nghiêm nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem