Hộ chăn nuôi lợn không có đủ nguồn lực để đầu tư tái đàn

29/07/2020 09:54 GMT+7
Chăn nuôi lợn đang dần được khôi phục sau dịch tả lợn châu Phi nhưng công tác tái đàn còn chậm do giá con giống vẫn ở mức cao, các hộ chăn nuôi không có đủ nguồn lực để đầu tư tái đàn sau thời gian dài bị thiệt hại vì dịch bệnh, việc tái đàn chủ yếu ở các cơ sở chăn nuôi lớn.

Tổng cục Thống kê vừa công bố Tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2020. Trong đó, gieo cấy giảm sút, chăn nuôi lợn hồi phục chậm.

Cụ thể, tính đến ngày 15/7, cả nước gieo cấy được 1.084,7 nghìn ha lúa mùa, bằng 95,8% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc gieo cấy 913,2 nghìn ha, bằng 95,6%; các địa phương phía Nam gieo cấy 171,5 nghìn ha, bằng 97,3%. Tiến độ gieo cấy lúa mùa năm nay chậm hơn cùng kỳ năm trước chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng và khô hạn. Hiện nay, các địa phương đang khẩn trương hoàn thành công tác gieo cấy lúa mùa, các trà lúa đã cấy phát triển tương đối tốt, diện tích trà lúa sớm đang trong giai đoạn hồi xanh, đẻ nhánh.

Hộ chăn nuôi lợn không có đủ nguồn lực để đầu tư tái đàn - Ảnh 1.

Hộ chăn nuôi lợn không có đủ nguồn lực để đầu tư tái đàn

Đến trung tuần tháng Bảy, cả nước gieo cấy được 1.932,7 nghìn ha lúa hè thu, bằng 96,3% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 174 nghìn ha, bằng 99,9%; các địa phương phía Nam đạt 1.758,7 nghìn ha, bằng 95,9%, riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.515,2 nghìn ha, bằng 96,6%. Mặc dù vụ lúa đông xuân thu hoạch sớm, thời gian chuẩn bị đất cho vụ hè thu nhiều nhưng tiến độ gieo trồng lúa hè thu năm nay chậm hơn cùng kỳ năm 2019 do ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn. Đến nay, trà lúa hè thu sớm đã cho thu hoạch với diện tích đạt 505,3 nghìn ha, bằng 90,3% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 496,6 nghìn ha, bằng 90,1%.

Lúa thu đông ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long được xuống giống sau khi thu hoạch lúa hè thu để đảm bảo lúa thu đông được thu hoạch trước khi mùa lũ tràn về, đồng thời để tránh dịch bệnh lây lan khi xuống giống vụ đông xuân năm sau. Tính đến ngày 15/7, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống được 215,6 nghìn ha lúa thu đông, bằng 102,2% cùng kỳ năm trước. Hiện nay, lúa thu đông đang ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh đến làm đòng, sinh trưởng và phát triển khá.

Đến giữa tháng Bảy, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 764,9 nghìn ha ngô, bằng 97,1% cùng kỳ năm trước; 85,9 nghìn ha khoai lang, bằng 93,8%; 144,2 nghìn ha lạc, bằng 97,7%; 28,6 nghìn ha đậu tương, bằng 90,5%; 849 nghìn ha rau, đậu, bằng 101,9%.

Chăn nuôi trâu, bò trong tháng nhìn chung ổn định. Chăn nuôi gia cầm phát triển khá do có thị trường tiêu thụ. Chăn nuôi lợn đang dần được khôi phục sau dịch tả lợn châu Phi nhưng công tác tái đàn còn chậm do giá con giống vẫn ở mức cao, các hộ chăn nuôi không có đủ nguồn lực để đầu tư tái đàn sau thời gian dài bị thiệt hại vì dịch bệnh, việc tái đàn chủ yếu ở các cơ sở chăn nuôi lớn. Ước tính trong tháng Bảy, tổng số trâu của cả nước giảm 2% so với cùng thời điểm năm 2019; tổng số bò tăng 3%; tổng số lợn giảm 3%; tổng số gia cầm tăng 5,5%.

Tính đến ngày 26/7/2020, cả nước không còn dịch tai xanh. Một số loại dịch bệnh chưa qua 21 ngày còn ở các tỉnh: Dịch cúm gia cầm ở Quảng Ngãi, Tiền Giang, Long An; dịch lở mồm long móng ở Cao Bằng, Nghệ An, Quảng Trị, Kon Tum, Phú Yên; dịch tả lợn châu Phi ở 183 xã thuộc 57 huyện của 17 địa phương.

Ngọc Lâm
Cùng chuyên mục