Chiêu lạ của ông nông dân Ninh Bình: Dùng nồi cơm điện... thuần phục cây mai vàng miền Nam trên đất Bắc

Trần Quang Thứ năm, ngày 11/02/2021 19:08 PM (GMT+7)
Nghe có vẻ lạ nhưng lão nông Phạm Trọng Thủy ở xóm 2, xã Đông Sơn, TP. Tam Điệp (Ninh Bình) đã khiến nhiều người và khách hàng miền Bắc bất ngờ khi ông "thuần phục" thành công cây hoa chưng Tết khó tính của miền Nam, đó là cây mai vàng.
Bình luận 0
Ít ai ngờ lão nông này lại dùng nồi cơm điện, bóng sáng... thuần phục "mùa xuân miền Nam" trên đất Bắc - Ảnh 1.

Ông Thủy dùng túi ni lon sưởi ấm và hãm mai vàng miền Nam tại nhà vườn của gia đình ở Ninh Bình.

Mang mùa "mùa xuân" miền Nam ra Bắc

Vào thời điểm này, dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng nhà vườn mai vàng miền Nam (hay còn gọi là mai thơm) của lão nông Phạm Trọng Thủy vẫn "cháy hàng". 

Các chậu mai vàng miền Nam do chính tay lão nông này "thuần phục" có giá trên dưới 10 triệu đồng/chậu đều được các khách ở trong và ngoài tỉnh đặt mua hết từ ngoài 20 tháng Chạp.

"Thời gian đầu ông Thủy đưa mai vàng về trồng, chúng tôi cũng nghi ngờ nhưng đến giờ ông ấy đã tạo bất ngờ cho mọi người khi trồng thành công loài hoa Tết miền Nam đặc biệt này.

Đây thực sự là cây trồng rất tiềm năng, bên cạnh việc phát triển thương hiệu "Đào phai Đông Sơn", địa phương sẽ nghiên cứu cây trồng mới này thêm để có phương án nhân rộng ra cho bà con làm giàu", ông Phạm Đình Cư - Chủ tịch UBND xã Đông Sơn chia sẻ.

Mới trồng thành công 40 gốc mai vàng, nhưng ông Thủy đã có nhiều khách hàng đến đặt mua hơn 50% sản phẩm, số hàng còn lại vẫn đang được khách đặt vấn đề muốn mua nhưng lão nông này sợ "cháy hàng" nên chưa dám bán nhiều.

"Hơn 10 năm kiên trì "thuần phục" mai vàng, đến giờ gia đình tôi đã thu được thành công. Từ vụ Tết 2020 đến vụ năm nay, chúng tôi đã có các chậu mai vàng đầu tiên phục vụ các "thượng đế" ở miền Bắc", ông Thủy nói.

Ít ai ngờ lão nông này lại dùng nồi cơm điện, bóng sáng... thuần phục "mùa xuân miền Nam" trên đất Bắc - Ảnh 2.

Ông Thủy cho biết, nhiều người tưởng mai vàng miền Nam khó trồng ở đất Bắc, nhưng với tôi điều đó rất dễ và mọi việc đều thuận lợi.

Dù là mặt hàng mới, đắt khách nhưng ông Thủy vẫn giữ giá bán trên 10 triệu đồng/chậu, giá thuê 3-5 triệu đồng/chậu mai hơn 10 tuổi.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Thủy tỏ ra rất tự hào và tự tin khi bản thân mình đã trồng được thứ cây hoa Tết khó tính. "Từ khi trồng đến giờ được bán, tôi chưa từng gặp thất bại mà chỉ thấy chút khó khăn, hao hụt vài cây. 40 chậu mai năm nay đưa ra thị trường phục vụ khách đảm bảo hoa sẽ nở đẹp rực rỡ đúng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021", ông Thủy khẳng định.

Theo ông Thủy, so với vẻ đẹp của mai vàng giống gốc trồng ở các tỉnh phía Nam, mai vàng trồng ở miền Bắc có không khí lạnh, thời tiết rét buốt nhưng hoa vẫn nở đẹp rực rỡ nên rất dễ "lấy lòng" khách hàng.

"Trồng mai ở miền Bắc khó nhất là gặp thời tiết lạnh nhưng tôi đã xử lý được. Dịp cận Tết các xe mai vàng miền Nam Bắc tiến co ro trong lạnh giá thì các sản phẩm của tôi vẫn sống khỏe, tự tin khoe sắc đón Xuân mới", lão nông thôn 2, xã Đông Sơn bộc bạch.

Thành công nhờ ham học hỏi, sáng tạo

Tiết lộ bí quyết "thuần phục" mai vàng phương Nam, lão ông Phạm Trọng Thủy cho hay: Nhiệt độ thích hợp để mai vàng phát triển tốt là từ 20 đến 28 độ C, nếu nhiệt độ cao hơn 30 độ C thì mai sẽ bung nở sớm và nhanh. Nắm bắt được đặc tính của cây, vợ chồng tôi đã đưa ra chế độ chăm sóc phù hợp để mai nở đúng Tết.

Ít ai ngờ lão nông này lại dùng nồi cơm điện, bóng sáng... thuần phục "mùa xuân miền Nam" trên đất Bắc - Ảnh 4.

Hơn 10 năm thuần phục mai vàng miền Nam, đến giờ ông Thủy đã thu được thành công bước đầu với 40 chậu bán Tết.

Theo đó, vào những ngày thời tiết lạnh dưới 20 độ C, vợ chồng ông Thủy lại dùng nilon chùm kín, thắp điện, dùng nồi cơm điện, bóng sóng để sưởi ấm cho cây. Bên cạnh đó, ông Thủy cũng bổ sung thêm các loại phân, nước để mai cho nụ, hoa to, màu sắc đẹp hơn.

"Tất cả các kinh nghiệm này do tôi tự học trên sách, tài liệu và học thực tế nhiều tháng ở các vườn mai miền Nam. Cùng với đó, tôi cũng có sáng tạo thêm biện pháp canh tác, uốn, ghép để cây có dáng, thế đẹp dễ bán hơn", ông chủ vườn mai vàng ở Đông Sơn tiết lộ.

So sánh với mai vàng đất Bắc (hay còn gọi là mai vàng Yên Tử), ông Thủy khẳng định: Mai vàng miền Nam có thân cứng, nhiều u to, xù xì, thân màu nâu khác với mai vàng Yên Tử có thân màu xám, nhẵn hơn. Mai vàng Yên Tử sống lâu năm, sinh trưởng mạnh, lại ít sâu bệnh. Tuổi thọ có thể lên tới hàng trăm năm.

Vì cùng thuộc họ Mai (Ochnaceae) nên hình thái lá của mai vàng miền Bắc và mai vàng miền Nam tương đối giống nhau. Lá hình bầu dục, mép có răng cưa, gân mờ. Lá thường mọc ở đầu cành và ra cùng thời điểm với hoa. Khác biệt ở chỗ mai vàng Yên Tử lá non có màu xanh nhạt còn mai vàng miền Nam lá non có màu hồng hoặc nâu đỏ.

Mai vàng Yên Tử thường có hoa 5 cánh màu vàng chanh tươi, viền mỗi cánh lượn sóng và xếp thưa nhau. 

Đài hoa có màu xanh cốm đỡ lấy phần cánh hoa, nhị hoa cũng có màu vàng chanh đồng màu với những cánh hoa. Sai hoa nhưng không quá dày, nở hoa tự nhiên sau Tết Nguyên đán, thông thường từ giữa tháng Giêng đến tháng 3 Âm Lịch, vào dịp lễ hội Yên Tử hàng năm.

Ít ai ngờ lão nông này lại dùng nồi cơm điện, bóng sáng... thuần phục "mùa xuân miền Nam" trên đất Bắc - Ảnh 5.

Ông Thủy tận dụng nồi cơm điện giá rẻ để sưởi ấm cho mai vàng mỗi khi thời tiết giảm sâu dưới 20 độ C.

Bên cạnh đó, mai vàng miền Nam do có nhiều giống và được lai tạo lẫn với nhau (mai giảo) nên số cánh vì thế mà từ 5, 9, 12, 18 đến một số giống đột biến tới 80 hay 120 cánh, kích thước cũng to nhỏ khác nhau.

Cũng theo lão nông này, mai vàng Yên Tử sống trong điều kiện khắc nghiệt ở miền Bắc, khí hậu lạnh nên sắc hoa có màu vàng chanh nhẹ nhàng, hương thơm man mác thật hợp với chốn linh sơn như Yên Tử. 

Ở miền Nam có khí hậu nóng ẩm hơn, số giờ nắng trong năm nhiều, sắc hoa có phần rực hơn, vàng tới vàng cam. Hương cũng nồng hơn.

"Nhìn chung, do khác nhau về địa lý dẫn tới có những sự khác biệt giữa 2 loài mai. Mai vàng Yên Tử thì nhẹ nhàng, tinh tế, giống mai có độ thuần chủng cao do ít lai tạo, đại biểu cho dòng thanh thiền, tu dưỡng tâm hồn. Trong khi đó, mai vàng miền Nam thì rực rỡ, mang lại không khí náo nhiệt cho ngày xuân, nhiều giống và lai tạo nhiều, đại biểu cho may mắn, cát tường hạnh phúc và thịnh vượng", ông Thủy nhận xét.

Bí quyết chọn mai vàng chơi Tết

Tâm sự với khách hàng mua hoa mai của mình, ông Thủy bảo: Thông thường, người chơi mai hay chọn những cây mai có nhiều nụ nhưng không phân biệt được đâu là những chùm nụ có khả năng nở. Dù có những cây mai cho ra rất nhiều nụ, nhưng làm đủ mọi cách, nụ vẫn không phát triển được và bị đóng băng.

Ít ai ngờ lão nông này lại dùng nồi cơm điện, bóng sáng... thuần phục "mùa xuân miền Nam" trên đất Bắc - Ảnh 6.

Chủ vườn mai vàng ở Đông Sơn kéo điện cắm nồi cơm điện chứa nước nhằm tạo ra hơi ấm khi nước sôi.

Nụ chờ là những chùm nụ có xu hướng bung ra, không khép chặt như những nụ khác, dù có kích thước và màu sắc tương tự. Cây có nụ chờ thì chắc chắn nở, các nụ non hơn thì khó hơn.

Ông Thủy lưu ý các "thượng đế" có thể sử dụng thuốc kích nở hoa, nhưng cách này sẽ làm hoa mau kiệt quệ và gần như phải vứt bỏ cây sau Tết. Ngoài ra, người chơi nên chọn những cây có lộc non (lá non) thay vì những cây có nhiều lá già. Vì điều này cho thấy cây mai vẫn đang phát triển đều. Bên cạnh đó, lộc non cũng là một biểu tượng cho sự may mắn, sinh sôi nảy nở.

Nhiều người cho rằng để mai ở trong nhà sẽ giữ cho cây ấm. Nhưng theo ông Thủy, mai để trong nhà sẽ bị lạnh hơn so với để ngoài trời vì hiệu ứng dẫn nhiệt. Do vậy, nếu muốn mai nở đúng ngày và có màu sắc chuẩn, người mua nên để ngoài trời cho đến khi thấy hoa nở đều.

Đa số người mua về đều không có thời gian để chăm sóc cây theo đúng chuẩn. Vì vậy, chủ vườn mai vàng ở Đông Sơn khuyên khách chơi phải tưới nước cho cây thường xuyên. Mỗi ngày tưới khoảng 2 lít nước vào buổi sáng đối với chậu mai cỡ trung, và tăng lên đối với mai cỡ lớn.

Tưới nước sẽ giúp cho bộ rễ của cây được giữ ấm. Nhiều người cho rằng cần phải tưới nước ấm để giữ ấm và kích thích mai nở, nhưng điều này không cần thiết.

Ngoài ra, hoa mai có thể tươi tốt trên cành tối thiểu 7 ngày, nên người chơi hoàn toàn yên tâm rằng sẽ có một cây mai tươi sắc nhất trong nhà vào dịp Tết.

Ít ai ngờ lão nông này lại dùng nồi cơm điện, bóng sáng... thuần phục "mùa xuân miền Nam" trên đất Bắc - Ảnh 8.

Ít ai ngờ lão nông này lại dùng nồi cơm điện, bóng sáng... thuần phục "mùa xuân miền Nam" trên đất Bắc - Ảnh 9.

Do được chăm sóc cầu kỳ nên các cây mai vàng của ông Thủy ra nụ đều, nở rực rỡ đúng Tết.

Ít ai ngờ lão nông này lại dùng nồi cơm điện, bóng sáng... thuần phục "mùa xuân miền Nam" trên đất Bắc - Ảnh 10.

Ngoài việc trồng mai vàng miền Nam, gia đình ông Thủy còn nổi tiếng với nghề trồng đào phai.

Ít ai ngờ lão nông này lại dùng nồi cơm điện, bóng sáng... thuần phục "mùa xuân miền Nam" trên đất Bắc - Ảnh 11.

Trung bình mỗi năm, gia đình ông Thủy xuất bán vài trăm cây đào phai truyền thống, thu về hàng trăm triệu đồng.

Ít ai ngờ lão nông này lại dùng nồi cơm điện, bóng sáng... thuần phục "mùa xuân miền Nam" trên đất Bắc - Ảnh 12.

Nhờ đạt được nhiều thành công trong phát triển nghề truyền thống, ông Thủy được địa phương tặng giấy khen.

Bên cạnh việc làm giàu cho mình, ông Thủy đang truyền kinh nghiệm và kỹ thuật cho nhiều hộ khác ở địa phương cùng trồng mai vàng miền Nam. "Càng nhiều hộ trồng được mai vàng thì càng dễ bán hơn", ông Thủy chia sẻ.

Theo kế hoạch, trong năm 2021 tới, gia đình ông Thủy sẽ nhân rộng vườn mai vàng lên 4.000 cây và 3.000 cây đào phai, đào thế phục vụ thị trường khắp các tỉnh miền Bắc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem