Hà Nội: Ngập ngày thứ 9, nước mắt nông dân hòa vào nước lũ

Thành An Thứ hai, ngày 30/07/2018 20:28 PM (GMT+7)
Dọc đường vào trung tâm xã Nam Phương Tiến hàng chục ngôi nhà bị ngập tới nóc, nhiều cây cối chỉ còn lấp ló mỗi ngọn. Ngay cổng trụ sở UBND xã nước ngập sâu gần 1m, một vài con trâu, con bò được buộc ngay hàng rào của ủy ban xã...
Bình luận 0

img

Ghi nhận của PV Dân Việt cho thấy, các xã ven đê hữu Bùi từ Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ và thị trấn Xuân Mai thuộc huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội đã bị ngập nặng gần 10 ngày nay, đến chiều nay (30.7), nước trên sông Bùi vẫn ở mức cao, nhiều tuyến đường liên xã chưa có dấu hiệu lưu thông bình thường.

img

Nhiều nơi nước vẫn ngập nặng, dọc đường vào trung tâm các xã trên hàng chục ngôi nhà bị ngập tới nóc, nhiều cây cối chỉ còn thò mỗi ngọn.

img

Xã Nam Phương Tiến là một trong số địa phương thiệt hại nặng nhất, đã gần 10 ngày trôi qua, gần 600 hộ dân của xã phải đi sơ tán ở nhờ người thân và hàng xóm. Tuyến đường chính từ đường Hồ Chí Minh vào UBND xã vẫn bị chia cắt, có nơi ngập sâu 3m. Để di chuyển vào trong người dân phải đi cano hoặc đi thuyền.

img

Nhà đối diện UBND xã, bà Nguyễn Thị Hậu (thôn Nam Hài) than thở, mấy hôm trước nước rút hết sân nhưng chiều tối ngày 28.7 lại bắt đầu dâng lên, những hôm trước nước dâng rác thải trôi theo ngập hết cửa nhà, nhiều xác động vật phân hủy, bốc mùi hôi thối, chính quyền địa phương huy động lực lượng dọn dẹp nhưng nhiều nơi vẫn còn nhiều.

img

“Nước ngập khiến cuộc sống của người dân chúng tôi bị đảo lộn, con dâu tôi mới sinh phải đưa cháu về nhà ngoại để đảm bảo sức khỏe tốt nhất, mọi sinh hoạt hàng ngày như nấu nướng, tắm rửa đều phải nhờ những nhà không bị ngập, sau đó lại lội nước bẩn về nhà, nhiều người bị bệnh ngoài da vì nước ngập bị ô nhiễm” – bà Hậu cho biết và tiếp tục than: “cơn lũ tràn về nước ngập dâng vào nhà khiến gia đình tôi thiệt hại nặng, chỉ kịp chuyển đồ lên cao “chạy” được đàn lợn còn vịt sau khi chạy bị chết 300-400 con. Hiện chỉ còn mỗi tôi ở nhà, các con cũng chạy theo lợn, vịt đến ở nơi cao”.

img

Bà Hậu cho rằng, thôn Nam Hài địa hình trũng, thấp, 10 tháng qua ngập lụt 2 lần, cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn. “Mấy hôm trước có đám hiếu trong làng, hỏa thiêu rồi phải để nhờ ở nhà tang lễ, chờ nước rút hết mới mang về an táng ở nghĩa trang làng được” - bà nói.

img

Sát nhà bà Hậu là nhà bà Nguyễn Thị Sáu cũng bị ngập tương tự, thậm chí nước còn ngập hơn, khi nước vẫn còn ngập mấp mé hiên nhà; còn lại sân nhà, vườn tược đều đắm trong nước, gà, vịt, mèo được dịch lên chỗ cao. Con gái và con dâu bà Sáu phải đi ủng, lội nước bì bõm để rửa bát. Giơ chân lên, bà Sáu nói: “nước ăn chân rồi, nhưng cứ lội nước thế này, tình hình không biết bao giờ mới khỏi được”.

img

Nằm trong hơn 800 hộ bị ngập và gần 600 hộ phải sơ tán, anh Nguyễn Văn Thụy (thôn Nam Hài) không giấu được nỗi buồn cho biết, nước ngập tràn vào khiến chuồng trại, ao cá của gia đình anh bị ngập hết, do không có phương tiện chạy nên chỉ chạy được 450/900 con gà  trong đêm.

img

Hiện tại ngôi nhà của anh bị ngập gần hết  cổng, muốn đi vào thì phải đi thuyền lớn nên cả người và gà đều phải ở nhờ tại Nhà thi đấu của xã.

img

“Tháng 10 năm 2017, nước ngập khiến gia đình tôi chết 600 con gà, 300 con ngan. Năm nay, vừa mua được 200 con vịt 3 ngày thì ngập. Tổng thiệt hại khoảng vài trăm triệu, giờ đang nợ tiền cám, hết lũ chắc phải vay tiếp ngân hàng để gây lại đàn. May mà xã cho mượn chỗ này để chạy gà và tá túc không thì chắc gia đình tôi mất sạch” – anh Thụy chia sẻ.

img

Không chỉ nhà anh Thụy, rất nhiều nhà người dân tại xã Nam Phương Tiến cùng chung cảnh ngộ với gia đình anh. Có gia đình phải mang cả lợn lên sân nhà để tránh ngập.

img

Thậm chí có gia đình không có nơi cho gia súc "tá túc" phải mang ra ngoài đường để tránh ngập, hàng ngày không có cỏ phải lấy rơm ướt để cho gia súc ăn.

img

Một đàn vịt con được người dân quây tôn ngay sát vệ đường

img

Theo lãnh đạo xã Nam Phương Tiến, hiện tại nước sông đã dâng lên cao, nếu thời tiết không thuận lợi cuộc sống của người dân sẽ vô cùng khó khăn trong thời gian tới. Được biết, hiện tại rất nhiều rác thải theo dòng nước trôi vào khu vực nhà dân bốc mùi xú uế, gây ô nhiễm nguồn nước, nhiều người dân đã mắc bệnh da liễu…

img

Được biết, nước đã ngập toàn bộ khu vực thôn Nhân Lý, Hạnh Bồ, Nam Hài và một phần thôn Hạnh Côn. 557 hộ bị ngập phải sơ tán (2.840 nhân khẩu),  hàng trăm hecta hoa màu, lúa bị ảnh hưởng. Sơ bộ, hơn 4.500 gia súc như gà, vịt bị chết do mưa, ngập. Thời điểm này người dân nơi đây nhận được rất nhiều sự quan tâm của các đơn vị, doanh nghiệp cũng như người dân. Trong ảnh là lực lượng Công an TP.Hà Nội cụm thi đua số 8 đến hỏi thăm, động viên tinh thần người dân.

Hà Nội: Nước sông Bùi vượt báo động 3, nhiều xã sẽ ngập lụt kéo dài

Ngày 30.7, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn vừa có công điện khẩn, yêu cầu Hà Nội, Hòa Bình có khẩn cấp ứng phó với tình trạng mưa lớn, nước sông dâng cao.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện mực nước sông Bùi đang lên nhanh. Lúc 11 giờ hôm nay (30.7), mực nước sông Bùi tại Lâm Sơn (Hòa Bình) lên 21,37m (trên báo động 1 là 0,37m).

Dự báo, từ đêm nay đến sáng mai (31/7), khu vực Hòa Bình sẽ có mưa to trở lại, lượng mưa phổ biến 50-100mm. Trong 12 giờ tới, mực nước trên sông Bùi tại Lâm Sơn sẽ lên 21,5m (trên BĐ1: 0,5m); trong 12-24 giờ tới sẽ lên 23,5m, vượt trên BĐ3 tới 0,5m.

Theo đó, nhiều khả năng, mực nước trên sông Bùi tại Yên Duyệt (Chương Mỹ, Hà Nội) sẽ lên trên mức BĐ3 khoảng 1 mét vào sáng 31.7.

Những khu vực trũng thuộc các huyện Chương Mỹ (Hà Nội) và Lương Sơn (Hòa Bình), đặc biệt là các xã Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Tân Tiến (huyện Chương Mỹ) tình trạng ngập lụt sẽ kéo dài trong nhiều ngày tới.

Trước tình trạng trên, trên Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương nói trên theo dõi sát thông tin mưa lũ, kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư ven sông, suối, vùng trũng thấp, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, úng, nhà không an toàn để chủ động sơ tán dân.

Các địa phương triển khai phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn các công trình phòng chống lũ theo cấp báo động; tổ chức tuần tra canh gác, kiểm tra, rà soát việc chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện theo quy định.

Bố trí lực kiểm soát giao thông tại các khu vực đường bị ngập, bến đò…để hướng dẫn người, phương tiên qua lại. Kiểm soát việc đảm bảo an toàn theo quy định của các phương tiện khi hoạt động.

Thông báo cho các chủ đầu tư có công trình đang xây dựng trên sông, ven sông về thông tin mưa lũ để chủ động đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, công trình.

Ngoài ra, các địa phương rà soát chuẩn bị phương châm “4 tại chỗ”, chú trọng việc dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm… sẵn sàng cho các tình huống mưa lũ, ngập lụt kéo dài nhiều ngày.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem