Giải mã bí ẩn cung điện thời Lê sơ: Tiết lộ về những “báu vật” mạ vàng trong hồ nước

Hà Tùng Long Thứ bảy, ngày 13/11/2021 13:30 PM (GMT+7)
Trong các đợt khai quật khảo cổ ở Hoàng thành Thăng Long, các đoàn khai quật đã phát lộ được nhiều cấu kiện gỗ và các loại ngói của bộ mái giúp cho việc giải mã hình thái kiến trúc cung điện thời Lê sơ trở nên rõ nét hơn.
Bình luận 0

Phát hiện được 70 cấu kiện gỗ liên quan đến cung điện thời Lê sơ

Theo PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, trong các cuộc khai quật khảo cổ học từ năm 2017 đến 2021, Viện Khảo cổ và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội đã phát hiện được 70 cấu kiện kiến trúc gỗ, loại hình khá đa dạng như cột, kèo, xà, ván sàn, cấu kiện rui, xà đấu.

Tuyệt đại đa số các di vật được sơn son, một số cấu kiện có chạm khắc trang trí hoa văn mây lửa, hoa sen được sơn son thếp vàng. Những hiện vật gỗ cung cấp những bằng chứng xác thực về một bộ khung gỗ thời Lê sơ trong Hoàng cung Thăng Long.

Trong đó, loại hình cột phát hiện được hai cấu kiện năm 2018, được chia làm hai loại là cột hiên và cột trốn. Cột hiên là tiêu bản duy nhất cao 222cm, đường kính 32 - 38cm. Cột gỗ có tiết diện tròn, thân thẳng, ngắn. Phần đầu cột thon, cắt mộng lồi (đã gãy chỉ còn lại vết gãy một mộng cao 5,5cm).

Giải mã bí ẩn cung điện thời Lê sơ: Tiết lộ về những “báu vật” mạ vàng trong hồ nước - Ảnh 1.

Cột hiên là tiêu bản duy nhất mang ký hiệu 18.ĐKT.H1.Go01 cao 222cm, đường kính 32 - 38cm. Ảnh: TTT.

Cột trốn có tiết diện tròn đường kính 14,2cm - 15cm. Thân cột thẳng, hai đầu cắt bằng, thân được gia công thô, một số đoạn gần hai đầu còn dấu vết đẽo.

Đoàn khai quật còn phát hiện rường (kiểu rường bụng lợn) có kích thước kích thước 227cm x 30cm x 22cm), còn nguyên dáng. Thanh rường có tiết diện hình chữ nhật, thẳng. Phần đầu hai bên cắt bằng.

PGS Tống Trung Tín cho rằng, con rường kiểu này dân gian Việt Nam còn gọi là rường bụng lợn, là con rường trên cùng, gối lên con rường bên dưới qua hai đoạn cột ngắn gọi là cột trốn, làm nhiệm vụ đỡ xà nóc (thượng lương). Bên dưới rường bụng lợn (giữa hai trụ trốn) thường có cốn hay ván hình lá đề được điêu khắc rất đẹp.

Giải mã bí ẩn cung điện thời Lê sơ: Tiết lộ về những “báu vật” mạ vàng trong hồ nước - Ảnh 2.

Rường bụng lợn kích thước 227cm x 30cm x 22cm, còn nguyên dáng được tìm thấy ở Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: TTT.

Xà có rãnh vuông đã phát hiện được 4 cấu kiện xà vuông, có kích thước dài 129cm, rộng 13,5cm, dày 11cm, xà gãy một đầu. Thanh xà có tiết diện hình chữ nhật, thẳng, dài. Phần đầu đã gãy một bên, bên còn lại cắt vát (vát từ mặt trên) có đục mộng lồi hình chữ nhật ở dưới, hiện mộng đã gãy, phần còn lại (9cm x 8.5cm x 3cm). Xà được làm từ gỗ lim, mặt gỗ được sơn son 3 mặt, mặt dưới để mộc.

Hoành là cấu kiện gỗ dài 323cm đường kính 15cm -16cm. Cột gỗ loại nhỏ, tròn, thẳng; phần đầu một bên nguyên vẹn gọt thon, cắt bằng, một bên đã gãy còn lại vết của mộng chữ nhật đục thông hai mặt cột. Phần thân đẽo thon tròn, bào nhẵn.

Giải mã bí ẩn cung điện thời Lê sơ: Tiết lộ về những “báu vật” mạ vàng trong hồ nước - Ảnh 3.

Cấu kiện xà được phát hiện còn đủ dáng, hình đuôi thuyền. Ảnh: TTT.

Ngoài ra, trong các đợt khai quật còn phát hiện một cấu kiện xà góc còn đủ dáng, dài 238cm, rộng 28cm, dày 17,5cm. Đầu xà rộng, vát nhọn, có khắc, đầu hớt cong, phần đuôi xà thu nhỏ dần. Xà tiết diện gần hình ngũ giác, dài, dáng tổng thể cong hình thuyền và nhỏ dần về phần đuôi. Xà góc (hay xà đao) thường được đặt ở phần góc mái của kiến trúc.

Và phát hiện thanh rui còn nguyên, dài 143cm, rộng 12,5cm, dày 11cm. Rui được cắt gập hình khuỷu tay, thu nhỏ dần về hai phía. Bên cạnh đó, loại xà có vân mây "như ý" phát hiện được 5 cấu kiện, trong đó có 3 tiêu bản còn nguyên về hình dáng. Ở hai đầu xà được vuốt khá thon tròn, trên các cạnh chạm hoa văn "như ý" và mây cuộn, phần giữa xà được cắt từ 3-5 khấc mộng nhằm khớp nối với các cấu kiện khác và được sơn son thếp vàng.

Giải mã bí ẩn cung điện thời Lê sơ: Tiết lộ về những “báu vật” mạ vàng trong hồ nước - Ảnh 4.

Xà có vân mây “như ý” phát hiện được 5 cấu kiện, trong đó có ba tiêu bản còn nguyên về hình dáng. Ảnh: TTT.

Diềm trang trí hoa sen phát hiện được cấu kiện vỡ còn lại một phần, dài còn lại 105cm, cao còn lại 25cm, dày 4cm. Một mặt cấu kiện được trang trí hoa văn sơn son thếp vàng, một mặt sau để mộc.

Mặt trước trang trí hoa văn hình cánh sen còn lại dấu tích 5 cánh gồm 2 cánh chính đan xen với 3 cánh phụ, bề mặt được sơn son nhưng đã bong tróc khá nhiều, chỉ còn lại một phần nhỏ, trong lòng cánh sen lớn có chạm nổi các u tròn nối liền nhau từ trên xuống dưới kiểu "ngọc báu".

Cánh phụ còn lại 3 cánh, mũi cánh sen khá nhọn, rộng 12cm gồm 2 lớp, lớp cánh ngoài rộng 3,5cm, lớp cánh trong rộng 1cm, lòng cánh sen rộng 3,5cm được chạm sâu hơn so với hai lớp cánh 1,5cm. Mặt sau còn để lại một lỗ mộng dài còn lại 18cm, rộng 7cm, sâu 2-2,5cm, trong lỗ mộng vẫn còn hai đinh sắt có thể dùng để kết nối với cấu kiện gỗ phía trong, phần mũi đinh được đóng quặp ở mặt trước để cố định.

Giải mã bí ẩn cung điện thời Lê sơ: Tiết lộ về những “báu vật” mạ vàng trong hồ nước - Ảnh 5.

Diềm trang trí hoa sen thời Lê sơ tìm thấy ở Hoàng thành Thăng Long khá tương đồng với diềm trang trí lan can ở gác chuông chùa Keo - Thái Bình. Ảnh: TTT.

Về vị trí, chức năng, cấu kiện có hình dáng khá tương đồng với diềm trang trí lan can tầng 2 gác chuông chùa Keo (Thái Bình) và gác chuông chùa Thánh Nguyễn (Ninh Bình) do đó có thể nhận định cấu kiện gỗ phát hiện 2017-2021 cũng có thể được đặt ở diềm chân tầng 2 của kiến trúc.

Đoàn khai quật cũng đã phát hiện 3 tấm ván dài trong các hố khai quật ở Hoàng thành Thăng Long. Các ván này có thể được sử dụng để làm ván sàn hoặc có thể bưng tường.

Bộ mái kiến trúc cung điện thời Lê sơ trong Hoàng cung Thăng Long xưa rất đặc sắc

Theo PGS.TS Tống Trung Tín, những cấu kiện gỗ này theo nhận định bước đầu dường như là thuộc bộ khung gỗ của một kiến trúc kiểu hai tầng trở lên. Chúng đều nằm rải rác trên đáy một hồ nước (hay kênh nước) trong Hoàng Thành gần Chính điện Kính Thiên có niên đại khoảng cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19.

Tuy nhiên, các cấu kiện gỗ với các đặc trưng hoa văn sen, mây lửa, hình "như ý", phong cách thếp vàng thật đều phản ánh rõ các đặc điểm của nghệ thuật Lê sơ (thế kỷ 15) qua so sánh với đồ gốm mạ vàng ở Hoàng thành Thăng Long và tàu đắm Cù Lao Chàm (Quảng Nam), cho phép khẳng định đó đều là các cấu kiện gỗ thế kỷ 15 trong Hoàng cung.

Dường như đây là một kiến trúc rất đặc biệt tồn tại lâu đời từ khoảng thế kỷ 15 và trải qua nhiều thế kỷ, đến khoảng cuối thế kỷ 18 kiến trúc này mới bị phá hủy và ném xuống đáy hồ nước.

Do vậy, những cấu kiện kiến trúc gỗ này cho phép thấy được đôi nét về diện mạo bộ khung gỗ thời Lê sơ với một số kiểu dáng cụ thể, một số kiểu mộng cụ thể, một vài họa tiết trang trí và đặc biệt là phong cách sơn son thếp vàng, kỹ thuật sơn, kỹ thuật thếp vàng mang tính chất cung đình của Hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ.

Giải mã bí ẩn cung điện thời Lê sơ: Tiết lộ về những “báu vật” mạ vàng trong hồ nước - Ảnh 7.

Nhận diện hình thái kiến trúc bộ mái của cung điện thời Lê sơ ở Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: VNCKT.

Về kỹ thuật sơn thếp, nghiên cứu bước đầu cho thấy để sơn màu đỏ, nghệ nhân đã tiến hành ba lớp khác nhau: lớp đầu tiên là lớp sơn lót màu trắng (kiểu bả ma tít bằng việc pha trộn vôi vữa với sét cao lanh); lớp thứ hai là lớp sơn lót màu đỏ sẫm được pha chế bằng nhựa sơn kết hợp với ô xít sắt; lớp thứ ba, sơn màu đỏ tươi. Màu vàng được thếp còn công phu hơn, hai lớp đầu tiên tương tự như ở chỗ sơn đỏ; lớp thứ ba, sơn lót màu vàng bằng chất liệu đá khoáng; lớp thứ tư thếp vàng bằng các lá vàng 9999.

"Xin lưu ý thêm, năm 2021 tại vị trí phía Đông Bắc nền điện Kính Thiên, đã phát hiện thêm một tầng mái của một mô hình kiến trúc tráng men xanh, men vàng. Nghiên cứu bước đầu cho thấy, một số cấu kiện kiến trúc gỗ nói trên và các thành phần ngói lợp với mô hình kiến trúc này có những điểm khá gần nhau. Nếu tiếp tục nghiên cứu lâu dài, dần dần có thể khôi phục một cách tương đối bộ khung kiến trúc và kiểu cách bộ mái kiến trúc thời Lê sơ ở khu vực Chính điện Kính Thiên (Thăng Long)", PGS Tống Trung Tín nhấn mạnh.

Trong khi đó, dựa vào kết quả nghiên cứu, phân loại chỉnh lý các loại hình vật liệu kiến trúc thời Lê sơ, kết hợp với kết quả nghiên cứu so sánh với di tích Lam Kinh (Thanh Hóa) và kiến trúc cung điện cổ ở châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Kinh thành đã đưa ra nghiên cứu về các loại ngói, hình thái bộ mái.

Giải mã bí ẩn cung điện thời Lê sơ: Tiết lộ về những “báu vật” mạ vàng trong hồ nước - Ảnh 8.

Giải mã bí ẩn cung điện thời Lê sơ: Tiết lộ về những “báu vật” mạ vàng trong hồ nước - Ảnh 9.

Loại ngói rồng men xanh lục và men vàng thời Lê sơ được tìm thấy ở Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: VNCKT.

Trong đó, bộ mái kiến trúc cung điện trong Hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ rất phong phú, đa dạng và có nhiều sắc màu nhất, bởi sự đan xen tương phản từ các loại ngói men vàng, men xanh và ngói đất nung màu đỏ hay màu xám đen. Đặc sắc và khác biệt nhất là loại "Ngói rồng" men vàng và xanh lục được tạo khối theo từng bộ phận của con rồng (đầu, thân, đuôi), khi ghép lại theo chiều dọc của mái nó sẽ tạo thành hình một con rồng hoàn chỉnh. Đây là loại ngói độc đáo nhất trong tất cả các loại ngói lợp mái cung điện cổ ở châu Á thời bấy giờ, đưa lại một sắc thái rất riêng biệt cho kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lê sơ.

Trước đó, PGS.TS. Tống Trung Tín đã từng đưa ra bản vẽ mặt bằng kiến trúc điện Kính Thiên. Theo bản vẽ này thì điện Kính Thiên có quy mô rất to lớn, có mặt bằng hình chữ Công (工), điện trước, điện sau bằng nhau và đều có 7 gian 2 chái, lòng điện có 10 hàng cột gỗ, mỗi hàng 6 cột. Kết cấu mặt bằng này giống với mặt bằng kiến trúc chính điện Lam Kinh (Thanh Hóa).


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem