Kinh tế Mỹ có dấu hiệu lao đao, Trung Quốc tính kế trả đũa bằng dầu mỏ?

15/08/2019 17:20 GMT+7
Các nhà phân tích năng lượng mới đây cảnh báo chiến tranh thương mại Mỹ Trung nhiều khả năng sẽ lan sang lĩnh vực nhạy cảm này, khi Trung Quốc dự kiến cắt giảm đáng kể lượng dầu thô nhập khẩu từ Mỹ trong những tuần tiếp theo.

Kinh tế Mỹ cũng ngấm đòn thương chiến!

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã gây ra nhiều tranh cãi khi tuyên bố chiến tranh thương mại với Trung Quốc tác động rất ít đến nền kinh tế Mỹ. 

“Chúng ta đang thắng lớn trong cuộc chiến chống lại Trung Quốc. Các công ty đang chạy khỏi thị trường Trung Quốc. Giá cả tiêu dùng Mỹ không tăng, thậm chí còn giảm xuống. Trung Quốc không phải là vấn đề đối với Mỹ…” - ông Trump viết trên Twitter.

Mark Zandi, nhà kinh tế học từ Moody Analytics là một trong số nhiều nhà phân tích chỉ trích quan điểm của Tổng thống. “Quan điểm xung đột thương mại không gây ra thiệt hại với kinh tế Mỹ là sai lầm”. “Nếu ông Trump tiếp tục chạy theo các đe dọa thuế quan, Doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ sẽ phải trả giá hàng trăm tỷ USD trong năm tới” - ông Zandi cảnh báo. 

Rõ ràng, phải thừa nhận cuộc chiến thuế quan đã gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý thị trường toàn cầu: từ đầu tư kinh doanh cho đến chứng khoán trong suốt hơn một năm nay, mà việc làm là lĩnh vực phản ánh rõ nhất những ảnh hưởng tiêu cực đó. Bắt đầu từ sự suy yếu trong sản xuất, vận chuyển, phân phối; các doanh nghiệp sẽ dần thu hẹp tuyển dụng, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, và suy thoái kinh tế kéo đến.

So sánh dữ liệu việc làm năm 2018 và 2019 có thể thấy: tăng trưởng việc làm bình quân của Mỹ năm 2018 là 225.000 việc làm/tháng, trong khi đó tăng trưởng việc làm bình quân trong 6 tháng đầu năm 2019 là 140.000 việc làm/ tháng. “Nếu con số đó trượt xuống dưới mức 100.000, thất nghiệp sẽ bắt đầu gia tăng nhanh chóng, đồng nghĩa với việc suy thoái kinh tế đến rất gần.”

“Dường như, kinh tế Mỹ đang đi theo hướng đó”.

Nhà kinh tế học cho rằng xung đột thuế quan đã làm giảm khoảng 0,5% tăng trưởng GDP của Mỹ vào năm ngoái. “Trong nhiều thời điểm, Trump thể hiện lập trường cứng rắn trên bàn đàm phán với Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là, liệu Chủ tịch Tập Cận Bình có chịu cho Trump một lối thoát trong đàm phán?”

“Nếu tôi là ông Tập, tôi sẽ nghĩ rằng: “Chà, có thể lắm vị Tổng thống này sẽ chẳng còn là Tổng thống trong một năm rưỡi nữa (khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 kết thúc), và tôi có thể đàm phán với một gương mặt khác chăng”.” - ông Zandi chia sẻ.

Trung Quốc đưa mặt trận năng lượng vào chiến tranh thương mại?

Một con tàu chở dầu tại cảng Zhousan, Trung Quốc

Các nhà phân tích năng lượng mới đây cũng đưa ra cảnh báo chiến tranh thương mại Mỹ Trung nhiều khả năng sẽ lan sang lĩnh vực nhạy cảm này, khi Trung Quốc có dáu hiệu cắt giảm đáng kể lượng dầu thô nhập khẩu từ Mỹ trong những tuần tiếp theo.

Hồi tháng 5.2019, ngay trước khi đàm phán Mỹ Trung sụp đổ, nhu cầu dầu thô của Trung Quốc vẫn duy trì ở mức cao nhất trong 9 tháng, tức trung bình 247.000 thùng mỗi ngày, theo số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA). Tuy nhiên, theo Stephen Brennock, chuyên gia phân tích dầu mỏ từ PVM Oil Associates, xu hướng này đang có dấu hiệu quay đầu giảm tốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang.

Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, một trong những nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất của Mỹ từ nửa đầu năm 2018 trở về trước, trước khi ông Trump quyết định áp thuế hơn 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào tháng 9.2018. Nhưng căng thẳng thương mại đã khiến lượng nhập khẩu dầu thô từ Mỹ của Trung Quốc giảm mạnh gần như ngay lập tức. Giờ đây, ông Trump tiếp tục áp thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại, ai biết được Bắc Kinh sẽ chuẩn bị đòn trả đũa nào?

Dữ liệu từ ClipperDara chỉ ra vào tháng 7 qua, trữ lượng dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong 10 tháng, đồng nghĩa với nó là kim ngạch nhập khẩu giảm sút từ thị trường Trung Quốc. Thứ 4 tuần trước, giá hợp đồng dầu thô Brent và WTI tương lai đều giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm do căng thẳng thương mại Mỹ Trung leo thang. 

Ông Michal Meidan, giám đốc Chương trình Năng lượng Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford ngay lập tức cảnh báo Trung Quốc có thể trả đũa bằng cách áp dụng thuế quan với hầu hết các mặt hàng nhập khẩu của Mỹ, kể cả dầu thô nếu mức thuế mới có hiệu lực vào tháng 9. “Bắc Kinh đã đình chỉ nhập khẩu nông sản của Mỹ để đáp trả thuế quan, và không loại trừ khả năng chính quyền ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục hạn chế nhập khẩu dầu thô như phong cách ăn miếng trả miếng thường thấy của Trung Quốc”.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục