Tìm thấy mô hình kiến trúc tráng men xanh - vàng vô cùng quý hiếm thời Lê sơ

Hà Tùng Long Thứ năm, ngày 22/04/2021 16:35 PM (GMT+7)
Đoàn khai quật khảo cổ học khu vực chính điện Kính Thiên ở Hoàng thành Thăng Long đã phát hiện được mô hình kiến trúc tráng men xanh – vàng vô cùng quý hiếm thời Lê sơ.
Bình luận 0

Sáng nay (22/4), Đoàn khai quật Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội thuộc Viện Khảo cổ học đã báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khu vực chính điện Kính Thiên năm 2021.

Theo báo cáo, năm 2011, đoàn khai quật đã tiến hành khai quật thăm dò với tổng diện tích gần 1.000m2 tại khu vực phía Đông Bắc của di tích nền điện Kính Thiên, phía Nam giáp hố khai quật năm 2019, phía Đông giáp phía đường Nguyễn Tri Phương, phía Tây gần giáp với di tích Hậu Lâu.

Tìm thấy mô hình kiến trúc tráng men xanh - vàng vô cùng quý hiếm thời Lê sơ - Ảnh 1.

Một phần của hố khai quật ở Hoàng thành Thăng Long năm 2021. Ảnh: Hà Tùng Long.

Cuộc khai quật đã phát nhiều tư liệu mới, tiếp tục góp phần hiểu sâu thêm di tích của Hoàng thành Thăng Long qua hàng nghìn năm lịch sử, qua đó tiếp tục hiểu sâu sắc thêm giá trị của Di sản Hoàng thành Thăng Long.

Cụ thể, cuộc khai quật đã phát lộ những di tích mộ táng thời tiền Thăng Long ở tầng sâu nhất địa tầng Thăng Long. Điều này cho thấy có dấu tích cư trú của con người khá sớm, ít nhất từ khoảng thế kỷ IV - VI, trước thời kỳ Đại La.

Dấu tích móng cột sỏi thời Lý cho thấy, sau khi vắng bóng ở hố đào năm 2019, năm nay xuất lộ nhiều và có dấu hiệu của kiến trúc có móng cột kê nổi và kê chôn chân cột như ở khu vực 18 Hoàng Diệu cho thấy sự phân bố của kiến trúc Thăng Long thời Lý ở khu vực Chính điện Kính Thiên.

Đối với thời Trần, năm 2019 đã phát hiện lớp văn hóa Trần rất dày, có nhiều vết cháy và phá hủy kết hợp với văn hóa thời Lý. Lớp văn hóa này cũng có rất nhiều vỏ nhuyễn thể và lẫn cả một số cốc có lẫn xỉ đồng.

Chưa rõ đây là dấu vết cháy của hỏa hoạn hay là dấu tích của đúc đồng và bếp lửa. Đáng chú ý còn có sự xuất hiện của dấu tích kiến trúc tròn, kiến trúc tròn kiểu này đã xuất lộ ở gần Đoan Môn, chùa Báo Ân.

Có ý kiến gợi ý đây là một tiểu cảnh trong Hoàng Cung Thăng Long thời Trần, cũng có ý kiến cho đây là dấu tích tâm linh để thực hiện một nghi lễ cũng tế nào đó thời Trần. Hiện chưa thể xác định rõ chức năng của dấu tích kiến trúc bí ẩnnày trong Hoàng cung Thăng Long thời Trần.

Tìm thấy mô hình kiến trúc tráng men xanh - vàng vô cùng quý hiếm thời Lê sơ - Ảnh 2.

Chậu/thống đất nung kích thước lớn được tìm thấy ở địa tầng thời Trần. Ảnh: Hà Tùng Long.

Đối với thời Lê sơ, di tích kiến trúc nhiều gian gợi sự phân bố của không gian chính điện Kính Thiên ở đây và dấu tích này cho thấy sự thu hẹp lại so với không gian phía trước Chính điện Kính Thiên.

Thêm vào đó, ngày càng có thêm các di vật quý cho các nhà khoa học tìm hiểu chi tiết cấu trúc của kiến trúc thời Lê sơ. Hai năm trước đã tìm thấy cột, xà, đầu xà sơn son thếp vàng của kiến trúc Lê sơ.

Dấu tích kiến trúc thời Lê Trung hưng gồm có dấu tích vườn hoa cây cảnh, ngòi nước, kiến trúc dài kiểu hành lang, móng tường, cống nước, đường đi, sân gạch và đặc biệt là một giếng nước bằng đá sâu 6,56m được xây lắp khẩu giếng đá chạm khắc công phu.

Bên cạnh các dấu tích kiến trúc, trong số hàng trăm di vật khảo cổ, có hai di vật rất đáng chú ý, đó là chiếc chậu đất nung thời Trần và mảnh mô hình kiến trúc tráng men xanh thời Lê sơ thể hiện khá tỉ mỉ kết cấu đấu củng ở hiên nhà, cách lợp bộ mái âm dương và phần đầu dư chạm rồng...

Chậu/thống đất nung cao 55cm, đường kính miệng: 120cm, ngoài vành miệng có trang trí hoa sen, hoa mai và liên châu. Đây có thể là chiếc chậu đất nung có kích thước lớn nhất còn khá nguyên vẹn thuộc thời Trần.

Mảnh mô hình kiến trúc tráng men xanh, men vàng thời Lê sơ chỉ còn một phần. 

Các dấu tích còn lại cho thấy đây có thể là mô hình một kiến trúc có nhiều tầng mái. Phần còn lại chưa cho phép hình dung tổng thể của kiến trúc này nhung lại cung cấp nhiều chi tiết quan trọng của một kiến trúc thời Lê sơ như cấu trúc một phần mái ngói, các cấu kiện đấu củng, độ cong của góc đao và lá mái, cấu kiện gỗ đỡ diềm mái, đầu dư chạm rồng.

Tìm thấy mô hình kiến trúc tráng men xanh - vàng vô cùng quý hiếm thời Lê sơ - Ảnh 3.

Mô hình kiến trúc tráng men xanh, men vàng thời Lê Sơ. Ảnh: Hà Tùng Long.

Tìm thấy mô hình kiến trúc tráng men xanh - vàng vô cùng quý hiếm thời Lê sơ - Ảnh 4.

Các hiện vật tráng men được tìm thấy ở địa tầng thời Lê sơ. Ảnh: Hà Tùng Long.

"Chúng ta đều biết, các kiến trúc Lê sơ trên mặt đất đã không còn do đó hình thái kiến trúc Lê Sơ là một dấu hỏi rất lớn cho giới nghiên cứu lịch sử kiến trúc cổ truyền Việt Nam. Do vậy, dù chỉ ở mức độ mô hình, nhưng đó là một mô hình khá chi tiết, cho nên có thể nói mô hình này lần đầu tiên cung cấp một số chi tiết quan trọng của kiến trúc cung đình thời Lê sơ", PGS.TS Tống Trung Tín – Viện trưởng Viện Khảo cổ học cho biết.

Nhận định chung, nhiều nhà khoa học đều cho rằng, cuộc khai quật lần này đã tiếp tục xuất lộ tầng văn hóa dày 4,5m và có đầy đủ các lớp văn hóa từ thời Đại La đến thời Nguyễn. Điều đó nói lên tính thống nhất của tầng văn hóa Thăng Long - Hà Nội trong toàn bộ khu vực đã được giới nghiên cứu xác định một cách tương đối về vị trí và quy mô của Hoàng Thành Thăng Long và thành Hà Nội tại khu vực trung tâm của quận Ba Đình ngày nay.

"Cuộc khai quật tiếp tục cho thấy lòng đất trung tâm Thăng Long - Hà Nội luôn giàu có các di tích - di vật mới mẻ phong phú và đôi khi gây bất ngờ hấp dẫn và thú vị. Các cuộc khai quật hằng năm sẽ từng bước, từng bước cho phép chúng ta tiếp cận ngày một rõ hơn, đầy đủ hơn về một Thăng Long hoa lệ ngàn năm, Di sản Thế giới của Việt Nam và nhân loại", PGS.TS Tống Trung Tín nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem