Đưa chuẩn mực tư tưởng chính trị, lối sống con người thời đại mới vào hương ước làng xã

Hoàng Thành Thứ tư, ngày 24/11/2021 13:30 PM (GMT+7)
Sau 35 năm đổi mới đất nước, một số chuẩn mực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của con người thời đại mới đã được đưa vào các văn bản pháp luật, vào quy ước, hương ước làng, xã, vào quy chế, quy định, nội dung, quy tắc của cơ quan, đơn vị, tổ chức.
Bình luận 0

Sáng 24/11, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo hội nghị Nguyễn Trọng Nghĩa chủ trì hội nghị.

Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành. Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương Hội Nông dân Việt Nam có đồng chí Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị cơ quan Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

Đưa chuẩn mực tư tưởng chính trị, lối sống con người thời đại mới vào hương ước làng xã - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến tham dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Ảnh: Phạm Hưng

Tại hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa báo cáo tóm tắt về việc "Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; Xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; Các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng" tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

Đưa chuẩn mực tư tưởng con người thời đại mới vào quy ước, hương ước làng, xã

Theo báo cáo, sau 35 năm đổi mới đất nước, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng.

Cụ thể, về nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác văn hóa tiếp tục được đổi mới, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn, báo cáo nêu rõ: Đảng không ngừng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, ban hành nhiều chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, kết luận về xây dựng và phát triển văn  hóa, con người Việt Nam.

Đưa chuẩn mực tư tưởng chính trị, lối sống con người thời đại mới vào hương ước làng xã - Ảnh 2.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến tham dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11. Ảnh: Phạm Hưng

Một số chuẩn mực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của con người thời đại mới đã được đưa vào các văn bản pháp luật, vào quy ước, hương ước làng, xã, vào quy chế, quy định, nội dung, quy tắc của cơ quan, đơn vị, tổ chức.

Các tầng lớp xã hội quan tâm hơn đến giáo dục con người toàn diện ngay từ tuổi ấu thơ, ở từng cấp học; kết hợp dạy chữ, dạy người, dạy kỹ năng, giáo dục nghệ thuật, năng lực cảm thụ thẩm mỹ với rèn luyện thể chất, góp phần nâng cao trí tuệ, cải thiện tầm vóc con người Việt Nam.

Đưa chuẩn mực tư tưởng chính trị, lối sống con người thời đại mới vào hương ước làng xã - Ảnh 3.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc khai mạc trong ngày 24/11. Ảnh: Phạm Hưng

Việc đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và tập huấn nâng cao  chất lượng nhân lực cho hoạt động văn hóa đã được quan tâm. Chính phủ ban hành một số văn bản tạo cơ sở pháp lý phân cấp, phân quyền để đầu tư nguồn lực cho văn hóa. Nguồn vốn của Nhà nước được sử dụng có hiệu quả, tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, nhất là ở nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, nhân dân các vùng, miền, dân tộc, tôn giáo đóng góp sức người, sức của, tổ chức các hoạt động văn hóa, xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trên địa bàn.

Đô thị hóa nhanh khiến tính cộng đồng làng, xã suy giảm

Báo cáo cũng nêu rõ những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực xây dựng, phát triển văn hóa, con  người qua 35 năm đổi mới.

Theo đó, mặc dù đạt được rất nhiều kết quả quan trọng, nhưng qua 35 năm đổi mới, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam còn không ít hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Đưa chuẩn mực tư tưởng chính trị, lối sống con người thời đại mới vào hương ước làng xã - Ảnh 4.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Phạm Hưng

Quan điểm xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp chưa được triển khai mạnh mẽ, chưa thật sự thấm sâu trong các tầng lớp xã hội. Những năm qua (khi chưa có đại dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam), kinh tế liên  tục tăng trưởng cao, đời sống vật chất nâng lên nhưng đời sống văn hóa tinh thần chưa phát triển tương xứng, một số mặt yếu kém, tiêu cực chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, thậm chí gia tăng.

Cùng với đó, nhiều loại hình di sản văn hóa truyền thống có dấu hiệu xuống cấp, mai một, biến dạng; nhiều vi phạm, sai phạm trong trùng tu, tôn tạo, phục dựng, tổ chức thực hành di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; chưa có giải pháp thiết thực, hiệu quả để phát triển, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và ngôn ngữ, chữ viết của một số dân tộc thiểu số.

Đưa chuẩn mực tư tưởng chính trị, lối sống con người thời đại mới vào hương ước làng xã - Ảnh 5.

Dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc tại điểm cầu Trung ương Hội Nông dân Việt Nam có đồng chí Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị cơ quan Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Ảnh: Viết Niệm

Đáng chú ý, báo cáo cho rằng, sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong giáo dục con người chưa thường xuyên, chặt chẽ. Môi trường văn hóa gia đình đang biến đổi mạnh mẽ trong cơ chế thị trường, đô thị hóa, hiện đại hóa, mặt tích cực đan xen với tiêu cực dẫn đến loạn chuẩn giá trị gia đình. Môi trường văn hóa trường học bị ảnh hưởng bởi các ứng xử bạo lực, phản cảm, gian lận thi cử…

Các danh hiệu văn hóa trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở một số nơi còn mang tính hình thức, chạy theo thành tích. Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh cùng với hội nhập quốc tế mạnh dẫn đến tính cộng đồng làng xã suy giảm, quan hệ xã hội đôi khi mang tính thực dụng, vụ lợi.

Cùng với đó, chưa phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp, sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ của các chủ thể văn hóa; chưa coi trọng đúng mức văn hóa đỉnh cao, văn hóa quần chúng, các giá trị văn hóa dòng họ, văn hóa gia đình…

Những hạn chế, yếu kém nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, trực tiếp, cần thấy rõ để khắc phục.

Đưa chuẩn mực tư tưởng chính trị, lối sống con người thời đại mới vào hương ước làng xã - Ảnh 6.

Lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị cơ quan Trung ương Hội Nông dân Việt Nam theo dõi, lắng nghe phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị. Ảnh: Viết Niệm

Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới

Báo cáo nêu rõ định hướng và giải pháp trọng tâm nhằm xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam thời gian tới. Cụ thể, sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực của các cấp ủy đảng và chính quyền về vai trò của văn hóa và con người trong phát triển bền vững đất nước, xác định phát triển văn hóa và xây dựng con người là một nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị.

Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.

Trong đó, từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại.

Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người. Xây dựng cơ chế để giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội.

Xây dựng văn hóa trong chính trị, trong kinh tế, đặc biệt là văn hóa trong Đảng trở thành tấm gương đạo đức cho xã hội; văn hóa doanh nghiệp trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà  nước và các đoàn thể; trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có năng lực, có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem