Giá nông sản hôm nay 29/8: Cà phê lên đỉnh trong 4 năm; hồ tiêu giảm nhẹ

29/08/2021 07:37 GMT+7
Giá nông sản hôm nay 29/8 ghi nhận, giá cà phê dao động trong khoảng 39.100 - 40.100 đồng/kg. Tính chung tuần này, giá cà phê tăng trung bình 1.700 - 2.000 đồng/kg; ở mặt hàng hồ tiêu tuần này, giá tiêu trên thị trường trong nước đã có điều chỉnh giảm tại các địa phương, với mức giảm 1.000 - 2.000 đ/kg.

Giá cà phê hôm nay: Cà phê tăng trung bình 1.700 - 2.000 đồng/kg

Giá nông sản hôm nay 29/8 ghi nhận, giá cà phê dao động trong khoảng 39.100 - 40.100 đồng/kg. Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 39.100 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 40.100 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 40.000 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 40.000 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 39.900 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Giá nông sản hôm nay 29/8: Cà phê lên đỉnh trong 4 năm; hồ tiêu giảm nhẹ - Ảnh 1.

Giá nông sản hôm nay 29/8 ghi nhận, giá cà phê dao động trong khoảng 39.100 - 40.100 đồng/kg

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 40.000 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 39.900 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 39.900 đồng/kg. Sáng nay, giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm giữ ổn định so với cùng thời điểm hôm qua.

Tính chung tuần này, giá cà phê tăng trung bình 1.700 - 2.000 đồng/kg tùy từng địa phương.

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 9/2021 tăng 25 USD/tấn ở mức 2.012 USD/tấn, giao tháng 11/2021 tăng 24 USD/tấn ở mức 2.018 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 9/2021 tăng 3,85 cent/lb ở mức 189,5 cent/lb, giao tháng 12/2021 tăng 4,2 cent/lb ở mức 192,2 cent/lb.

Giá cà phê thế giới có 1 tuần tăng đẹp, ngày cuối tuần cũng là ngày được coi là chấm dứt đợt nghỉ hè của giới kinh doanh cà phê. Kết thúc tuần, giá Robusta tăng thêm 136 USD/tấn, lên đứng ở mức cao kể từ đầu tháng 9/2017. Giá Arabica tăng 10,7 cent/lb ở mức cao nhất 1 tháng qua.

Tuy tăng mạnh nhưng theo ghi nhận, khối lượng giao dịch trong tuần ở mức thấp và trung bình. Theo phân tích, điều này cho thấy phần lớn nhà đầu tư vẫn còn đứng bên ngoài thị trường. Dường như các thị trường cà phê kỳ hạn muốn thiết lập mặt bằng giá mới, chi ít cũng để bù đắp cho giá cước vận tải biển hiện đã cao ngất ngưởng.

Sự kiện ảnh hưởng lớn tới các thị trường tài chính và hàng hóa phái sinh trong tuần, chính là phát biểu của Chủ tịch Fed về khả năng cắt giảm kích thích kinh tế và nâng lãi suất cơ bản USD. Thị trường ngay lập tức thu hút nhà đầu tư vốn ngoại quay trở lại, chứng khoán Mỹ cũng tăng lên mức kỷ lục mới.

Giá́ cà phê Robusta tiếp nối đà tăng với mối lo nguồn cung Việt Nam bị trì trệ vì đại dịch Covid-19, trong khi vẫn còn tình trạng khan hiếm container nghiêm trọng và chi phí vận chuyển cà phê ra cảng xuất khẩu tốn kém hơn.

Hãng Somar Metorologia dự báo nền nhiệt trong tháng tới ở vành đai cà phê Brazil sẽ cao hơn mức trung bình nhiều năm, ảnh hưởng nghiêm trọng khi cây cà phê ra bông vụ mới. Điều này khiến đầu cơ quay lại các thị trường tăng mua, đưa giá cà phê cả hai sàn kỳ hạn lên mức cao mới.

Giá tiêu hôm nay: Ổn định

Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, tính đến 0h15 ngày 29/8, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ ở mức 41.333,35 Rupee/tạ (cao nhất), 41.300 Rupee/tạ (thấp nhất), tiếp tục giữ đà đi ngang so với phiên hôm trước.

Tỷ giá tính chéo của Đồng Việt Nam so với Rupee Ấn Độ được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu có hiệu lực kể từ ngày 26/8-1/9/2021 là 312,08 VND/IRN.

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước ổn định, giao dịch ở mức từ 75.000 - 78.500 đ/kg tại các địa phương.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai, Đồng Nai thấp nhất thị trường khi ở mức 75.000 đ/kg.

Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk (76.500 đ/kg); Bình Phước (77.500 đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 78.500 đ/kg.

Từ đầu tuần này, thị trường trong nước đã có điều chỉnh giảm tại các địa phương, với mức giảm 1.000 - 2.000 đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do xuất khẩu ách tắc, hoạt động sản xuất đình trệ vì áp dụng các biện pháp mạnh phòng chống Covid-19, dẫn đến hàng hóa không lưu thông, tồn tại kho và cảng nhiều, doanh nghiệp giảm mua.

Theo các chuyên gia, diễn biến giá trong thời gian tới hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng khống chế dịch bệnh của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Giá vẫn có xu hướng đi ngang và giảm nhẹ cho đến lễ Quốc khánh (2/9). Hiện mọi kỳ vọng về tiêu thụ gia tăng ở phía Bắc cho ngày 2/9 đã hết.

Trên thị trường thế giới, theo The Hindu Business Line, ngành gia vị Ấn Độ đang tìm kiếm sự can thiệp của chính phủ để giải quyết cuộc khủng hoảng phát sinh do tình trạng thiếu container xuất khẩu và chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao đưa tin.

Việc buôn bán gia vị, đặc biệt là xuất khẩu tiêu đen, đã bị ảnh hưởng nặng nề do không có sẵn container cũng như tấm lót trong thùng chứa hàng. Ngay cả những tàu đến cũng được đặt kín chỗ, không còn có chỗ trống, dẫn đến các chuyến hàng bị chậm trễ.

Ông Kishor Shamji, chủ sở hữu Công ty Kishor Spices có trụ sở tại Kochi, cho biết: “Trong bối cảnh này, chúng tôi yêu cầu sự can thiệp của chính phủ để đảm bảo rằng thương mại xuất khẩu không bị cản trở”.

Thị trường tiêu của quốc gia Nam Á này đã chịu ảnh hưởng rất nặng nề sau thời gian dài chống chọi với Covid-19.

Tính đến ngày 27/8, tổng số ca mắc tại nước này lên tới 32.603.188 trường hợp, sau khi ghi nhận thêm 44.658 ca mắc mới trong 24 giờ qua. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp, số ca mắc mới Covid-19 tại Ấn Độ hơn 40.000 trường hợp.


PV
Cùng chuyên mục