Giá nông sản hôm nay 11/1: Heo hơi vẫn tăng, tín hiệu vui với người chăn nuôi; tiêu đi ngang

11/01/2022 07:07 GMT+7
Giá nông sản hôm nay (11/1) ghi nhận, heo hơi vẫn tiếp tục khởi sắc khi điều chỉnh tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg trên toàn quốc; giá tiêu đi ngang, giao dịch từ 78.000 – 80.500 đồng/kg.

Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc tăng nhẹ

Tại khu vực miền Bắc, giá thu mua điều chỉnh tăng 1.000 đồng/kg. Cụ thể, TP Hà Nội điều chỉnh giao dịch lên mức 50.000 đồng/kg, ngang bằng với hai tỉnh Hà Nam và Tuyên Quang. Các tỉnh thành còn lại không ghi nhận thay đổi mới trong ngày hôm nay. Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc dao động trong khoảng 49.000 - 52.000 đồng/kg.

Giá nông sản hôm nay 11/1: Heo hơi vẫn tăng, tín hiệu vui với người chăn nuôi; tiêu đi ngang - Ảnh 1.

Giá nông sản hôm nay (11/1) ghi nhận, heo hơi vẫn tiếp tục khởi sắc khi điều chỉnh tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg trên toàn quốc

Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, thị trường heo hơi điều chỉnh tăng ở một vài nơi. Theo đó, các tỉnh Quảng Trị, Nghệ An, Thừa Thiên Huế và Đắk Lắk cùng nhích nhẹ một giá, hiện đang thu mua heo hơi tương ứng 48.000 - 49.000 đồng/kg. Sau khi tăng 2.000 đồng/kg, thương lái tại Quảng Ngãi đang giao dịch với giá 49.000 đồng/kg. Hiện tại, giá thu mua heo hơi ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên dao động trong khoảng 47.000 - 50.000 đồng/kg.

Tại miền Nam, một số địa phương chứng kiến giá thu mua cũng tăng nhẹ. Trong đó, hai tỉnh Kiên Giang và Bình Phước cùng tăng 1.000 đồng/kg, lần lượt giao dịch với giá là 48.000 đồng/kg và 49.000 đồng/kg. Thương lái tại tỉnh Đồng Nai tiếp tục thu mua heo hơi với ngưỡng cao nhất khu vực là 51.000 đồng/kg. Giá heo hơi khu vực miền Nam hôm nay đang dao động trong khoảng 47.000 - 51.000 đồng/kg.

Cập nhật giá nông sản hôm nay: Tiêu đi ngang

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương, giao dịch từ 78.000 – 80.500 đồng/kg.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 77.000 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (77.500 đồng/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (78.000 đồng/kg); Bình Phước (79.000 đồng/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 80.000 đồng/kg.

Hiện nay còn 3 tuần nữa là đến kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, thị trường còn hoạt động thêm hơn chục ngày nữa sẽ bước vào kỳ nghỉ. Sau Tết là vụ thu hoạch rộ của hồ tiêu trong nước, thị trường kỳ vọng dòng tiền từ cà phê dồn sang sẽ sôi động hơn.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định: Năm 2022, giá xuất khẩu hồ tiêu sẽ tiếp tục giữ ở mức cao, doanh nghiệp được hưởng lợi từ yếu tố này dù số lượng hồ tiêu xuất đi có thể giảm sút.

Tại các thị trường xuất khẩu truyền thống như Mỹ, châu Âu, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) dự báo nhiều tín hiệu lạc quan. Đặc biệt là tại Mỹ, dù thị trường này tăng nhập khẩu hạt tiêu từ một số nước sản xuất như Indonesia, Ấn Độ, Trung Quốc, nhưng số lượng hồ tiêu nhập khẩu từ Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Theo Bộ Công Thương, sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã thích nghi và tìm ra phương án xúc tiến thương mại phù hợp, hiệu quả, nên xuất khẩu các mặt hàng nông sản nói chung, hồ tiêu nói riêng sẽ có nhiều đột phá trong năm 2022.

Năm 2021, cơ cấu chủng loại hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam có sự thay đổi khá lớn. Doanh nghiệp giảm xuất khẩu hạt tiêu thô, thay vào đó là các chủng loại đã qua sơ chế hoặc chế biến chuyên sâu.

Ngoài ra, ngành hạt tiêu đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nhằm phục vụ cho ngành sản xuất mỹ phẩm, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân được khuyến cáo hạn chế tụ tập đông người, khiến nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu sử dụng làm gia vị cho các món ăn tại nhà hàng, khách sạn giảm.

Theo báo cáo mới nhất từ Cục Xuất Nhập khẩu, xuất khẩu hạt tiêu đen trong 11 tháng năm 2021 đạt 184 nghìn tấn, trị giá xấp xỉ 620 triệu USD, giảm 15,9% về lượng, nhưng tăng 31,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, lượng hạt tiêu đen xuất khẩu sang nhiều thị trường chính giảm, như Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và Pakistan. Ngược lại, lượng hạt tiêu đen xuất khẩu sang một số thị trường tăng, như UAE, Đức, Pháp và Iran.

Đáng chú ý, lượng hạt tiêu xuất khẩu sang thị trường Hà Lan tăng tới 52,7%, đạt 3,17 nghìn tấn.

 Cập nhật giá cà phê thế giới

Trên thị trường thế giới, giá cà phê điều chỉnh giảm. Theo đó, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 1/2022 được ghi nhận tại mức 2.375 USD/tấn sau khi giảm 2,46% (tương đương 60 USD).

Giá cà phê arabica giao tháng 3/2022 tại New York đạt mức 234,90 US cent/pound, giảm 1,49% (tương đương 3,55 US cent) tại thời điểm khảo sát vào lúc 7h (giờ Việt Nam).

Vào tháng 11/2021, giá cà phê đã đạt mức cao mới trong nhiều năm, khi giá chỉ báo tổng hợp của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) trung bình hàng tháng đạt 195,17 US cent/lb, tăng 68% so với mức 115,7 US cent/lb trong tháng 1/2021.

Mức giá này trong niên vụ cà phê 2021-2022 đánh dấu sự phục hồi đáng kể và ổn định từ mức thấp đã trải qua trong 4 niên vụ cà phê trước đó.

Sự gia tăng này được thúc đẩy bởi xu hướng đi lên của giá hàng hóa và sự gián đoạn chuỗi cung ứng sau khi các khu vực trồng cà phê của Brazil, nhà sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, bị ảnh hưởng bởi băng giá.

Brazil sản xuất tới 60 triệu kg cà phê mỗi năm, nhưng điều kiện thời tiết khắc nghiệt khiến nước này mất khoảng 20% tổng sản lượng cà phê, tạo ra sự thiếu hụt trên thị trường toàn cầu, đẩy giá cà phê arabica lên mức cao nhất trong gần 7 năm qua.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa xác định được liệu thu nhập từ trồng cà phê của nông dân Kenya có được cải thiện nhờ vào những khó khăn được ghi nhận tại Brazil hay không, theo trang Nation.


PV
Cùng chuyên mục