“Đánh bạc” với nông sản tết: Vay nóng, thuê đất để sản xuất

Trần Đáng Thứ ba, ngày 20/01/2015 10:55 AM (GMT+7)
Thời điểm này, nhiều nông dân đang tập trung sản xuất các mặt hàng nông sản phục vụ tiêu dùng Tết Ất Mùi tới. Song cũng không ít người phải chấp nhận “đánh bạc” với hàng tết, vì chưa biết đầu ra thế nào...
Bình luận 0

Nhiều vùng trồng nông sản tết truyền thống ở Nam Bộ đang đẩy mạnh diện tích và sản lượng cho vụ Tết Ất Mùi. Không ít nông dân chấp nhận vay nóng để đầu tư hàng cho chợ tết.

Diện tích tăng chóng mặt

Cuối tuần qua, chúng tôi về xã Mỹ Lộc (huyện Cần Giuộc, Long An) – một vùng nổi tiếng trồng dưa hấu hạt lép, đã thấy dưa hấu phủ xanh mọi cánh đồng. Theo lãnh đạo Phòng NNPTNT huyện Cần Giuộc, tết năm nay nông dân xã Mỹ Lộc trồng hơn 88ha dưa hấu, tăng gần gấp đôi diện tích của vụ tết năm ngoái. Còn nếu tính cả huyện Cần Giuộc, nông dân trồng đến 122ha dưa hấu phục vụ riêng Tết Nguyên đán năm nay.

img
Hoa nền như cúc, hướng dương, mào gà... – những loại được xem là dễ trồng, dễ bán, nhưng tết năm nay nhiều khả năng sẽ dội chợ vì các làng hoa đều tăng diện tích trồng (chụp tại phường Thới An, TP.HCM). 
Trưởng ấp Ngọc Trung - anh Nguyễn Hồng Sơn cho biết, tết năm nay anh trồng đến 6ha dưa hấu hạt lép. Đất nhà không đủ nên anh phải đi thuê đất để trồng dưa. Theo anh Sơn, mấy tháng trước một số “lái” dưa từ các nơi gọi điện đặt hàng, căn cứ vào những “đơn đặt hàng” này mà anh tự hoạch định kế hoạch trồng dưa hấu tết.

 

Với những người trồng hoa, thời điểm này cũng hoạt động nhộn nhịp không kém. Là một nông dân có thâm niên 20 năm trồng hoa tết, ông Nguyễn Văn Bê ở phường Thới An (quận 12, TP.HCM) cho biết, tết năm nay ông đã tăng số chậu hoa lên con số gần 10.000, nhiều hơn 1/3 số chậu hoa ông trồng vụ Tết Nguyên đán năm ngoái. “Hoa tết của tôi trồng chủ yếu là hoa nền như mào gà, hướng dương, cúc các loại… là những loại thị trường tiêu thụ mạnh nhất” - ông Bê nói. Theo ông Nguyễn Văn Tủi – Trưởng phòng Kinh tế (Hội Nông dân TP.HCM), dự kiến Tết Nguyên đán năm nay nông dân thành phố tăng diện tích trồng hoa nền lên tới 840ha.

Diện tích hoa tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời điểm này cũng tăng lên nhanh chóng. Thông tin từ Phòng Kinh tế TP.Sa Ðéc (Đồng Tháp), vụ hoa tết năm nay nông dân trồng khoảng 120ha (tăng thêm khoảng 2ha so với vụ tết năm ngoái), nâng tổng sản lượng lên hơn 1 triệu giỏ hoa. Còn ông Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng NNPTNT huyện Chợ Lách (Bến Tre) cho hay, mỗi năm riêng làng hoa Cái Mơn (Chợ Lách) cung ứng ra thị trường hơn 10 triệu sản phẩm. Riêng mùa tết năm nay, làng hoa Cái Mơn cũng chuẩn bị hơn 3 triệu sản phẩm hoa, cây cảnh các loại, trong đó chủ lực là tắc (quất), cúc, vạn thọ, hướng dương… Ông Nguyễn Văn Long – một nông dân chuyên trồng hoa tết ở làng hoa cho biết, tết năm nay ông chuẩn bị hơn 7.000 chậu hoa các loại cho thị trường tết TP.HCM.

Tại Tiền Giang, theo Trưởng phòng Kinh tế TP.Mỹ Tho Đinh Ngọc Tùng, vụ hoa tết năm nay nông dân tỉnh này trồng hơn 800.000 giỏ hoa các loại, tăng 20.000 giỏ so với năm trước…

Đầu tư bằng “tiền vay, bạc hỏi”

Quan điểm

Anh Huỳnh Tấn Phong
  Nông dân như tụi tôi lấy đâu ra số tiền 500 triệu đồng? Toàn là tiền vay, bạc hỏi cả. Biết rằng đi vay “nóng” để trồng dưa hấu thì lấy gì ăn nhưng có vay, có làm còn hơn ở không. 
Như vậy, chỉ điểm qua tình hình sản xuất ở các tỉnh ĐBSCL đã có thể thấy, diện tích cả các loại cây ăn trái và hoa các loại phục vụ tết đang tăng lên chóng mặt, báo hiệu một mùa bội thu các sản phẩm.

Ghi nhận của phóng viên NTNN, để tăng diện tích đầu tư nông sản tết, nhiều nông dân phải đi thuê đất làm. Và để có vốn đầu tư không ít nông dân đã không ngần ngại vay nóng với lãi suất “cắt cổ” 10 - 20%. Ông Nguyễn Văn Bê cho biết, rất ít nông dân có đủ vốn để đầu tư cho vụ nông sản tết. Như tại làng hoa phường Thới An (TP.HCM) có gần 20 người làm hoa tết, thì tất thảy đều phải thuê đất và phần lớn phải đi vay “nóng” mới có đủ vốn đầu tư. Chính bản thân ông Bê, vụ hoa tết này phải è cổ vay nóng mấy chục triệu đồng. “Mỗi chậu hoa mào gà khi đem ra được tới chợ tết phải đầu tư khoảng 10.000 đồng. Nói vậy để thấy vốn đầu tư để trồng hoa cho vụ tết là rất lớn, nhất là năm nay đầu vào tăng khoảng 20%” - ông Bê cho biết.

Trong khi đó, theo anh Huỳnh Tấn Phong (xã Lộc An, Long An) – một nông dân trồng dưa hấu tết, để đầu tư một ha dưa hấu cần phải có trên 100 triệu đồng vốn. Năm nay anh Phong phải chuẩn bị hơn 500 triệu đồng để đầu tư cho hơn 4ha dưa hấu phục vụ Tết Nguyên đán. “Nông dân như tụi tôi lấy đâu ra số tiền 500 triệu đồng? Toàn là tiền vay, bạc hỏi cả. Biết rằng đi vay “nóng” để trồng dưa hấu thì lấy gì ăn nhưng có vay, có làm còn hơn ở không. Hy vọng trời thương mình cần cù mà cho lời chút ít, còn nếu không thì cũng chấp nhận đổ nợ” - anh Phong chia sẻ. Được biết hơn 4ha đất anh đang trồng dưa hấu hiện nay đều phải đi thuê của người khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem