Sau kết luận nhiều sai phạm, VEAM đặt kế hoạch lãi 'khủng' 6.400 tỷ đồng

22/05/2019 17:10 GMT+7
Năm 2019, Công ty mẹ VEAM đặt kế hoạch lãi ròng 6.402 tỷ đồng, tăng 23% so với năm ngoái. Đồng thời, dự kiến niêm yết sàn HoSE trong năm nay. VEAM dự kiến trình mục tiêu lợi nhuận “khủng” ngay sau khi thanh tra Bộ Công thương kết luận, doanh nghiệp này đã mắc nhiều sai phạm trong quản lý tài sản, cán bộ.

Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM, UPCoM: VEA) vừa công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019. Theo đó, đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của VEAM sẽ được diễn ra vào ngày 31/5/2019 tới đây

Kế hoạch lãi 'khủng' 6.400 tỷ đồng, niêm yết trên HOSE

Theo tài liệu ĐHĐCĐ vừa công bố, VEAM đề ra chỉ tiêu kinh doanh cho công ty mẹ với doanh thu thuần giảm 18% xuống 2.398 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu tài chính tăng 32% lên 7.243 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng 23% ở mức 6.402 tỷ đồng.

Trên cơ sở đó, mục tiêu lợi nhuận sau thuế mà Công ty mẹ VEAM đặt ra trong năm 2019 lên đến 6.402 tỷ đồng, tăng 23% so với năm ngoái.

Trong năm 2018, VEAM ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất tăng 8% lên 7.070 tỷ đồng. Nhờ lãi liên doanh liên kết 6.852 tỷ mà doanh nghiệp báo lãi sau thuế 7.047 tỷ đồng, tăng 39% so với năm trước.

Về thị trường động cơ, máy nông nghiệp, hầu hết các sản phẩm có kết quả tiêu thụ giảm so với năm 2017 như động cơ các loại giảm 36% còn 40.673 cái, máy kéo giảm 3% còn 3.104 cái, máy xay xát giảm 36% còn 947 cái, hộp số các loại đi ngang ở 81.461 cái,…

Về công nghiệp hỗ trợ, sản lượng lớn nhất là phụ tùng xe máy các loại đạt 1.625 tỷ đồng, tăng 10%; phụ tùng máy động lực giảm 15% còn 205 tỷ đồng; phụ tùng ô tô giảm 74% còn 18 tỷ đồng,…

Về thị trường ô tô xe máy, Honda Việt Nam tiếp tục giữ thị phần cao 76% ở mảng xe máy. Tiêu thụ ô tô của Toyata Việt Nam tăng 10% đạt 64.444 chiếc, Honda tăng 123% lên 27.099 chiếc trong khi Ford Việt Nam giảm 14% xuống 24.636 chiếc.

Tiết lộ thêm về kế hoạch năm 2019, HĐQT VEAM cho biết năm nay sẽ hoàn chỉnh hồ sơ thực hiện bàn giao giữa công ty TNHH 100% vốn nhà nước sang công ty cổ phần đối với Công ty mẹ VEAM. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu công ty mẹ và các công ty con nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó, thực hiện đăng ký công ty đại chúng, đăng ký giao dịch UPCoM hoặc niêm yết trên sàn chứng khoán đối với các công ty con đủ điều kiện gồm MATEXIM, Cơ khí An Giang; Tăng vốn điều lệ một số công ty cổ phần như MATEXIM, FOMECO cho phù hợp với quy mô hoạt động và định hướng phát triển.

HĐQT VEAM cũng lên kế hoạch tiếp tục khắc phục tình trạng sở hữu chéo giữa FUTU1 - Cơ khí Vinh DISOCO - MATEXIM; Sắp xếp, điều chỉnh mô hình, cơ cấu vốn tại các chi nhánh, công ty con, công ty liên kết; Thoái vốn VEAM tại các đơn vị hoạt động không hiệu quả hoặc không nằm trong chiến lược phát triển của VEAM.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng trình kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) với khối lượng 1,33 tỷ cổ phiếu, dự kiến trong năm 2019.

Về cổ tức, tính đến thời điểm 31/12/2018, lợi nhuận chưa phân phối của VEAM là 5.224 tỷ đồng. Sau khi trích lập quỹ khen thưởng phúc lợi, doanh nghiệp quyết định phân phối toàn bộ lợi nhuận còn lại 5.161 tỷ đồng để chi trả cổ tức, ứng với tỷ lệ 38,84%, nghĩa là mỗi cổ phiếu nhận về 3.884 tỷ đồng cổ tức. Sau khi chia cổ tức và trích quỹ theo quy định, VEAM không còn lợi nhuận để lại.

Ngoài ra, đại hội đồng cổ đông VEAM 2019 cũng dự kiến sẽ bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT độc lập cho nhiệm kỳ 2017 - 2022.

Vướng nhiều tai tiếng, mắc nhiều sai phạm trong quản lý tài sản, cán bộ

VEAM đặt kế hoạch mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh VEAM được gọi tên trong danh sách doanh nghiệp có nhiều lùm xùm nhất trong năm 2018. Những thương vụ “tai tiếng” của VEAM có thể kể tên như tự ý mua lô hàng hơn 1.600 tỷ, ông Trần Ngọc Hà VEAM bị đình chỉ chức vụ Tổng giám đốc hay như nghi án quyền Tổng giám đốc “bỏ trốn ra nước ngoài và tin đồn tài trợ cho lãnh đạo Bộ Công Thương xuất ngoại?

Cũng liên quan tới những vấn đề lùm xùm tại VEAM, đầu tháng 4, Bộ Công Thương đã chuyển một số vụ việc sang Bộ Công an và cơ quan này đang điều tra, làm rõ, xử lý theo quy định.

Cùng thời điểm này, VEAM công bố thông tin lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc HĐQT có nghị quyết bãi nhiệm chức danh Tổng giám đốc VEAM với ông Trần Ngọc Hà. Người thay thế ông Hà điều hành VEAM là ông Ngô Văn Tuyển - thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc.

Ông Trần Ngọc Hà vừa bị bãi nhiệm chức danh Tổng giám đốc VEAM

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh VEAM đang bị rơi vào trường hợp rất hi hữu là cùng lúc có tới 2 tổng giám đốc. Trong đó, 1 người tạm thời bị đình chỉ chức vụ và 1 người hiện đang thay thế. Như vậy mới việc chính thức bãi nhiệm ông Trần Ngọc Hà, VEAM sẽ thoát khỏi vòng rối ren khi một công ty có tới hai Tổng giám đốc.

Trước đó, ngày 8.8.2018, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp công bố thông tin cho biết, ông Trần Ngọc Hà, thành viên HĐQT tạm dừng nhiệm vụ điều hành với chức danh Tổng giám đốc. HĐQT giao ông Ngô Văn Tuyển, thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc lên thay thế và là người đại diện theo pháp luật của VEAM trong thời gian ông Hà bị tạm dừng nhiệm vụ.

Lý do đưa ra khiến ông Hà bị tạm dừng nhiệm vụ liên quan đến thương vụ mua bán 3.000 linh kiện phụ tùng ô tô xe Hyundai để sản xuất và tiêu thụ của VEAM.

Về hoạt động sản xuất kinh doanh, ngày 16.5 vừa qua, thanh tra Bộ Công Thương vừa hoàn thành kết luận thanh tra về quản lý, sử dụng vốn, tài sản và tổ chức cán bộ tại VEAM. Theo kết luận này, trong giai đoạn từ năm 2010 đến tháng 6 năm 2018, mặc dù kết quả kinh doanh hợp nhất tại VEAM hàng năm đều có lãi, tuy nhiên ngoài thu nhập chủ yếu do lợi nhuận từ các công ty liên doanh (Toyota, Honda...) mang lại. Trong khi đó, hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều đơn vị thuộc VEAM không đạt hiệu quả, thậm chí thua lỗ.

Hàng chục cơ quan báo chí đã được mời ra ngoài tại buổi công bố Kết luận thanh tra VEAM chiều 16.5 vừa qua (Ảnh: PL)

Kết luận thanh tra cũng cho thấy, quá trình quản lý, điều hành tại VEAM và một số đơn vị thành viên còn tồn tại nhiều sai phạm, thiếu sót. Cụ thể, có nhiều sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ, sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản, công nợ… gây thiệt hại, lãng phí tài sản của nhà nước.

Bộ Công Thương yêu cầu VEAM, các đơn vị liên quan thuộc Bộ thực hiện nghiêm túc, khẩn trương các nội dung Kết luận Thanh tra. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã tiếp tục chuyển một số vụ việc sang Bộ Công an để làm rõ và xử lý trách nhiệm đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về quản lý kinh tế.

Lê Thúy
Cùng chuyên mục