Là nước chủ nhà G20, Nhật Bản hứng chỉ trích vì "thiếu nghiêm túc" với thỏa thuận môi trường

28/06/2019 13:47 GMT+7
Là nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh G20 đang diễn ra, Nhật Bản hy vọng các nhà lãnh đạo thế giới lập ra khuôn khổ chung về hạn chế rác thải nhựa đại dương cũng như biến đổi khí hậu. Nhưng chính Nhật Bản lại bị chỉ trích ngược lại trong vấn đề này.

Các nhà môi trường học cho rằng Nhật Bản đã tụt hậu trong nỗ lực giảm tiêu thụ nhựa,  và nước này đang viện dẫn áp lực từ Mỹ để bao biện cho sự kém quyết liệt với thỏa thuận biến đổi khí hậu.

Trước đó, Nhật Bản, nước chủ nhà trong Hội nghị thượng đỉnh G20 đang diễn ra, đã đảm bảo một thỏa thuận thống nhất về rác thải nhựa đại dương sẽ được thông qua vào cuối tuần này. Thỏa thuận trong đó đề cập đến cam kết của các thành viên G20 liên quan đến giảm rác thải nhựa đại dương, đề xuất các biện pháp thực hiện cũng như tiến độ hàng năm

Thủ tướng Shinzo Abe hồi tháng trước cho hay đây sẽ là một trong những nội dung quan trọng nhất của G20, và ông hy vọng Nhật Bản sẽ giữ vai trò tiên phong trong nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.

Tuy nhiên, rất nhiều nhà môi trường học đã chỉ trích Nhật Bản không nghiêm túc trong việc giảm tiêu thụ nhựa, dù quốc gia này sản xuất lượng rác thải nhựa trên đầu người thuộc hàng cao nhất thế giới. Nhật Bản thường giới thiệu hệ thống quản lý rác thải của họ với 86% chất thải nhựa được tái chế, nhưng các nhà nghiên cứu đã chỉ ra phần lớn trong số lượng nhựa được tái chế bằng cách đốt nóng, qua đó thải ra môi trường lượng lớn CO2 và thúc đẩy biến đổi khí hậu.

Một trung tâm xử lý, tái chế rác thải nhựa của Nhật Bản

Vào tháng trước, trước thềm Hội nghị G20, Nhật Bản đã công bố một chiến lược giảm thải nhựa mới bao gồm cả việc tính phí nếu người tiêu dùng muốn sử dụng túi nhựa, đánh vào tâm lý tiêu dùng. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo quốc tế mong chờ một động thái dứt khoát hơn, như cấm hẳn túi nhựa cũng như các loại chai, hộp, đồ nhựa sử dụng một lần khác.

“Các quốc gia khác trông chờ Nhật Bản hành xử như một hình mẫu đi đầu trong bảo vệ môi trường” - Giáo sư Atsuhiko Isobe thuộc Trung tâm nghiên cứu đại dương và khí quyển Đại học Kyushu cho hay.

Không dừng lại ở đó, Nhật Bản còn đối mặt với sự phản đối của cộng đồng quốc tế trong việc sử dụng than củi và tác hại của nó đến biến đổi khí hậu toàn cầu. Nhật Bản là 1 trong gần 200 quốc gia đã ký thỏa thuận khí hậu Paris, cam kết nỗ lực để kiềm chế sự nóng lên toàn cầu ở ngưỡng dưới 2 độ C. Tuy nhiên hồi đầu tháng, Nhật Bản vừa tiếp tục các dự án nhà máy nhiệt điện than mà không có dấu hiệu nghiêm túc thực hiện thỏa thuận.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục