Áp dụng Chỉ thị 16 ở Hà Nội: Ra ngân hàng, cây ATM rút tiền có bị xử phạt không?

Nguyễn Đức Chủ nhật, ngày 25/07/2021 15:26 PM (GMT+7)
Người dân thắc mắc họ hết tiền mua lương thực, vì vậy họ cần phải ra ngân hàng hoặc cây ATM rút tiền mua nhu yếu phẩm. Như vậy, trường hợp này họ có bị xử phạt không?
Bình luận 0

TP.Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội trong vòng 15 ngày, trên phạm vi toàn Thành phố theo nguyên tắc Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Người dân thắc mắc họ hết tiền mua lương thực và cần phải ra ngân hàng hoặc cây ATM để rút tiền mua nhu yếu phẩm, vậy trường hợp này họ có bị xử phạt không?

Trường hợp hai vợ chồng cùng đi ra siêu thị mua lương thực có vi phạm Chỉ thị 16 không? 

Người dân có thể ra ngân hàng hoặc cây ATM rút tiền

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, theo quy định của Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 17 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.Hà Nội về việc thực hiện giãn cách xã hội tại Hà Nội sẽ đóng cửa, tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ trừ các trường hợp dưới đây.

Các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả, trái cây, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm trên địa bàn chỉ bán các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm hàng ngày cho nhân dân trên địa bàn; cửa hàng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ khám chữa bệnh và phòng chống dịch.

Cơ sở dịch vụ khám chữa bệnh, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội.

Áp dụng Chỉ thị 16 ở Hà Nội: Ra ngân hàng, cây ATM rút tiền có bị xử phạt không? - Ảnh 1.

Người dân có thể ra ngoài mua lương thực, thực phẩm. Ảnh Thanh Phong

Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động. 

Mặc dù Chỉ thị 16 không quy định cụ thể là công dân được đi đến ngân hàng để rút tiền nhưng vẫn quy định là ngân hàng vẫn được phép hoạt động và người dân được phép ra ngoài để mua lương thực, thực phẩm, các hàng thiết yếu nên việc công dân đến ngân hàng để rút tiền hoặc ra cây ATM để rút tiền để mua thực phẩm là lý do chính đáng và sẽ không bị xử phạt.

Chỉ cần 1 người đi mua hàng hóa

Theo luật sư Cường, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 17 của Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nêu rõ là yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động.

Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng. Như vậy, theo quy định của chỉ thị nêu trên người dân vẫn được phép ra ngoài để mua lương thực, thực phẩm, những hàng hóa nhu yếu phẩm thiết yếu.

Tuy nhiên, trên tinh thần của chỉ thị là hạn chế số người ra đường, hạn chế việc tiếp xúc tập trung đông người nên nếu một người đi siêu thị mua thực phẩm thì được phép. Nhưng việc mua thực phẩm ở siêu thị mà cần đến hai người cùng đi là không cần thiết.

Áp dụng Chỉ thị 16 ở Hà Nội: Ra ngân hàng, cây ATM rút tiền có bị xử phạt không? - Ảnh 3.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội).

Bởi vậy trường hợp hai người cùng gia đình chở nhau đi siêu thị để mua thực phẩm, có thể một người sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP với mức phạt có thể đến 3.000.000 đồng.

Người đi làm phải chủ động phương tiện

Luật sư Cường cho biết thêm, theo quy định của UBND TP.Hà Nội về thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thì các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội…

Bởi vậy, đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động người lao động sẽ phải tự di chuyển đến nơi làm việc đảm bảo một điểm đến, một điểm về và tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.

Việc di chuyển đến nơi làm việc có thể bằng phương tiện cá nhân hoặc xe đưa đón của cơ quan. Trường hợp không có giấy phép lái xe máy, xe ô tô người lao động có thể đi bằng xe đạp hoặc đi bộ.

Nếu có thêm một người lái xe ô tô hoặc xe máy để đưa đón người đi làm thì trường hợp này là không cần thiết. Việc ra đường được cho là thiết yếu nếu như không còn cách nào khác. 

Bởi vậy, nếu người lao động không thể lái ô tô, không thể lái xe máy, không đi xe đạp và cũng không thể đi bộ lúc đó có người chở đi làm mới là lý do chính đáng.

"Nếu cứ mỗi người được phép ra đường lại kèm theo một người lái xe nữa sẽ không đảm bảo an toàn về giãn cách xã hội, không đảm bảo nguyên tắc hạn chế tối đa số người được phép ra đường và có thể ảnh hưởng đến kết quả phòng chống dịch bệnh. 

Bởi vậy, những người đi làm phải chủ động phương tiện và điều kiện. Trường hợp không đảm bảo điều kiện an toàn trong phòng chống dịch bệnh thì những hoạt động sản xuất thiết yếu cũng phải dừng hoạt động", luật sư Cường nói.

Điều quan trọng nhất là người dân cần nghiêm túc thực hiện các quy định giãn cách, tránh lợi dụng lý do thiết yếu để ra ngoài làm việc khác. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem