Yên Minh chưa yên vì “đá tặc”

Doãn Anh - Hoàng Chiên Thứ hai, ngày 01/06/2020 06:31 AM (GMT+7)
Từ Hà Nội, chúng tôi vượt đèo dốc để tới huyện Yên Minh (Hà Giang), vốn được coi là "thủ phủ" vùng lõi quý giá của di sản địa chất địa mạo toàn cầu - Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn - và văn hóa tộc người nổi tiếng.
Bình luận 0

Thật bất ngờ, sau bao cuộc ra quân và tiến hành xử phạt, nhóm PV vẫn tận mắt chứng kiến cảnh "đá tặc" ngang nhiên hoạt động.

CLIP: Cận cảnh khai thác đá tại Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

Rền vang tiếng máy khai thác đá

Tiếng máy rền vang, vọng vào UBND xã Hữu Vinh, vào tận trung tâm huyện theo đúng nghĩa đen. Các cỗ máy khổng lồ bò ngất ngểu trên đỉnh núi, đứng cách vài cây số cũng nhìn thấy. Tất cả cán bộ mà chúng tôi gặp đều thừa nhận thực trạng khai thác đá vôi trái phép trên địa bàn.

Yên Minh không yên vì “đá tặc”  - Ảnh 1.

Nhóm PV ghi nhận các hoạt động khai thác đá trái phép rầm rộ tại Yên Minh. Ảnh: P.V

Dọc đường đi, nhóm PV liên tục các đối tượng bám theo, chụp ảnh quay phim đoàn người và xe bằng điện thoại. Đến trọng điểm khai thác với nhiều điểm vi phạm nhất, lối rẽ vào Sủng Thài, một chiếc xe tải gắn tên một cơ sở vật liệu xây dựng có tiếng ở đây bất ngờ… bị hỏng máy nằm chắn ngang lối đi chỉ vừa đúng 1 thân xe. Các đối tượng xuống xe lúi húi "sửa xe" đến tận tối. Hôm đó chúng tôi buộc phải quay ra huyện vì lối vào bị bít kín bởi chiếc xe "hỏng máy". Hôm sau, khi nhóm đang quay phim dãy núi bị đào khoét nham nhở vì "đá tặc" thì một chiếc xe SUV màu trắng đỗ che kín ống kính…

Từ UBND huyện Yên Minh, không cần "ngụy trang", chúng tôi lái xe mang biển số Hà Nội để đi "thực địa". Mới chỉ đi được khoảng vài cây số, đã ghi nhận ngót chục điểm khai thác, tập kết, chế biến đá trái phép. Từ đường nhựa, có rất nhiếu tấm biển xanh to với nội dung "Cấm khai thác khoáng sản" (đá) do UBND huyện Yên Minh dựng. Oái oăm thay, ngay sau tấm bảng cấm này là rền rĩ tiếng máy gào rú, nhiều tảng đá to như gian nhà rơi lăn bụi mù rông núi. Máy nghiền rổn rảng. Xe ôtô vào "ăn đá" chạy ra chạy vào tấp nập.

Chỉ riêng khoảnh khắc đứng quay phim từ xa, chúng tôi thấy có ít nhất 7 người đang hì hục phá núi trái phép. Cùng với đó là máy đập đá, máy khoan, máy nghiền đá, xe ôtô chạy rộn rã… Núi nơi này rất đẹp, vách đá vàng óng, cây cỏ xanh cằn đặc trưng của các dãy núi đá vôi cổ, là nơi mà các nhà khoa học coi là "thủ phủ" của các giá trị quý tầm nhân loại của Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đã được thế giới vinh danh từ năm 2010. Nhưng những cảnh đẹp kia đã và đang bị các cỗ máy trái phép ầm ầm phá hoại.

Đi sâu vào hiện trường, chúng tôi còn phát hiện cả khu vực rộng, máy móc với mũi dùi lớn liên tục húc vào chân núi để "gẩy" các khối đá to bằng chiếc xe tải lăn lông lốc xuống chân núi. Rồi họ đập đá, cho máy múc lên xe tải chở đi.

Một số cán bộ trực tiếp xử lý vấn đề này tiết lộ: Điểm khai thác nóng nhất khu vực của ông Đ, thường gọi là Đ "cáo", khai thác đá trái phép đã 6-7 năm nay. Khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, ông Đ chỉ có giấy phép sản xuất gạch, tuy nhiên ông đã "cơi nới" thêm cả công trường khai thác đá. Chính quyền kiểm tra, tổ chức cắt điện không cho khai thác nữa thì ông lại tiến hành mua máy phát điện mấy chục triệu đồng về làm tiếp.

Ông Nguyễn Hữu Tuyển-Trưởng Phòng Tài nguyên- Môi trường huyện Yên Minh thừa nhận câu chuyện trên. Xã và huyện bày tỏ lòng "quyết tâm" sắp tới sẽ làm nghiêm hơn, còn ngày này qua ngày nọ "công xưởng" này cứ hoạt động ầm ầm.

Điều bất ngờ nữa là qua điều tra, theo dõi, nhóm PV phát hiện điểm tập kết đá hộc sau khi khai thác được phủ bạt ngay giữa trung tâm thị trấn, nằm ngay ven Quốc lộ 4C - Cung đường Hạnh Phúc theo trục từ TP.Hà Giang lên các huyện núi đá Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc.

Họ chỉ phủ một tấm bạt che như kiểu nhà… có đám cưới, rồi xe tải xếp hàng vào bốc đá đi. Có lúc xe đỗ giữa đường nhựa, đá được cẩu lên thùng xe, rồi thợ đá ngồi trên đó đập đá cứ như… giữa chốn không người.

Hàng đắt như tôm tươi

Yên Minh không yên vì “đá tặc”  - Ảnh 3.

Một cơ sở khai thác chế biến đá khiến dư luận bức xúc tại Yên Minh. Ảnh: P.V

Cao nguyên đá Đồng Văn (hay sơn nguyên Đồng Văn) là một cao nguyên đá trải rộng trên 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang, Việt Nam. Ngày 3/10/2010, hồ sơ "Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn" đã được Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu (GGN) của UNESCO chính thức công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Cao nguyên đá Đồng Văn có diện tích là 2356,8km² và độ cao trung bình là khoảng 1.400 - 1.600 m. Cao nguyên có nhiều khu vực núi đá vôi nằm sát chí tuyến Bắc, có độ dốc khá lớn.

Tiếp tục đi sâu vào xã Sủng Thài (giáp thị trấn huyện), chúng tôi liên tiếp gặp các điểm tập kết đá vôi "lậu" tràn ra cả hành lang an toàn giao thông. Từ người lớn để trẻ em đều tham gia đập đá, vận chuyển đá công khai giữa ban ngày. Có năm bảy điểm nghiền đá, đập đá, tập kết đá, gạch... Tiếng máy chạy rền vang. Bụi mù mịt. Có khu dựng công trường lợp tôn giữ ruộng ngô, có chỗ kéo dài cả trăm mét mặt đường vào xã.

Thị trấn Nà Tèn, xã Sủng Thài, xã Hữu Vinh… là những địa bàn nóng về khai thác đá trái phép, coi thường luật pháp, phá hoại cảnh quan Công viên địa chất toàn cầu, làm thất thoát tài nguyên quốc gia.

Tại xã Sủng Thài chuyện còn đáng quan ngại hơn. Cụ thể, ngày 14/4/2020, cơ quan chức năng gồm Công an huyện, lãnh đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường, lãnh đạo UBND xã Sủng Thài, Bí thư Chi bộ thôn Hồng Ngài A… đã lập biên bản về hành vi khai thác khoáng sản trái phép của ông Trịnh Văn Quân, xử phạt lên tới 45 triệu đồng.

Đáng chú ý, ông Sính Mí Pó - Bí thư Chi bộ thôn Hồng Ngài A đã khẳng định: Điểm mỏ của ông Quân dù không được cấp phép nhưng vẫn tiến hành nổ mìn khai thác và gây rung chấn mạnh, ảnh hưởng đến nhiều mồ mả, đến cuộc sống của người dân, làm ô nhiễm môi trường…

Nội dung này được ghi vào văn bản, cả chục cơ quan cùng ký, đóng dấu đỏ nhưng riêng ông Quân không ký biên bản.

Chỉ tính riêng trong tháng 4/2010, UBND huyện Yên Minh đã tiến hành kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính 4 điểm khai thác đá trái phép, trong đó, phạt 3 điểm ở thị trấn Nà Tèn là 60 triệu đồng, 1 điểm ở xã Sủng Thài 45 triệu đồng. Riêng ở thị trấn huyện Yên Minh, ngày 24/4/2020, Chủ tịch UBND huyện đã ký 3 quyết định xử phạt vì hành vi khai thác khoáng sản trái phép đối với các ông Bùi Văn Khắc (45 triệu đồng); Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Văn Khương (mỗi người bị phạt 7,5 triệu đồng).

Theo thống kê, sau các cuộc "ra quân", hiện nay, cả huyện Yên Minh còn ít nhất 15 điểm khai thác đá trái phép. Theo hồ sơ của huyện, trên cả địa bàn, chỉ có hai hợp tác xã được cấp phép, cấp thuốc nổ và đóng thuế tài nguyên để khai thác đá làm vật liệu xây dựng. Nhưng cả hai đơn vị này đều tự khai thác, tự chế biến đá thành các loại vật liệu tùy theo kích cỡ và đem bán. Tức là họ không bán đá nguyên liệu cho các cơ sở chế biến bên ngoài. Dùng phép loại suy, có thể thấy, các điểm khai thác đá khác đều trái phép, các điểm nghiền đá và chế biến đá khác cũng đều sử dụng đá từ khai thác trái phép.

Ông Nguyễn Hữu Tuyển- Trưởng Phòng Tài nguyên- Môi trường huyện thở dài: Họ làm ra bao nhiêu, xe chở hết đến đó, "hàng đắt như tôm tươi". Và, nhiều người còn đồn thổi, nghi ngờ tôi bảo kê cho chỗ nọ chỗ kia.

Yên Minh chưa yên vì “đá tặc”  - Ảnh 5.

Bất chấp lệnh cấm, các máy khai thác đá vẫn ầm ầm phá khu vực Công viên địa chất toàn cầu thuộc địa bàn huyện Yên Minh. (Ảnh: Nhóm PV)

Yên Minh chưa yên vì “đá tặc”  - Ảnh 6.

Để có được những tấm ảnh này, nhóm PV đã phải theo dõi trong nhiều ngày, nhờ cả người địa phương hỗ trợ (ảnh chụp tháng 4 và tháng 5/2020). (Ảnh: Nhóm PV)

\

Yên Minh chưa yên vì “đá tặc”  - Ảnh 7.

Tất cả các hoạt động khai thác đá trên đều diễn ra tại thị trấn Yên Minh, Yên Minh, Hà Giang.

(Còn nữa)

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem