Vội vàng ra mắt để "vượt mặt" Mỹ, mạng 5G Trung Quốc gây thất vọng?

05/11/2019 07:31 GMT+7
Trung Quốc vừa chính thức ra mắt mạng viễn thông 5G thế hệ mới nhanh 2 tháng so với dự kiến ban đầu, khiến thế giới được phen choáng ngợp. Nhưng tại thị trường nội địa, mạng 5G có được chào đón như kỳ vọng?
Vội vàng ra mắt để "vượt mặt" Mỹ, mạng 5G Trung Quốc gây thất vọng? - Ảnh 1.

Ra mắt vội vàng, mạng 5G Trung Quốc gây thất vọng

Sau 3 ngày đầu thử nghiệm, mạng 5G tại Trung Quốc có vẻ như không gây nên làn sóng lan tỏa như tưởng tượng. Một tài khoản Weibo có lượt theo dõi đông đảo nhận định: “Một chiếc smartphone 5G tại một thành phố phủ sóng 5G và trải nghiệm dịch vụ mạng 5G, tôi bỏ lỡ cả 3 điều đó”.

Tiết lộ này đã phản ánh sự phủ sóng không đồng đều của mạng 5G tại Trung Quốc cũng như sự khan hiếm các thiết bị di động hòa mạng 5G ở thị trường đại lục thời điểm hiện tại. Thực chất, cho đến nay, chỉ có khoảng 50 thành phố lớn Trung Quốc đã phủ sóng 5G, các thành phố nhỏ và khu vực nông thôn đa số đều chưa được trải nghiệm công nghệ mạng thế hệ mới này. Đó là chưa kể các dòng smartphone có tính năng kết nối mạng 5G tại Trung Quốc hiện đa số đều thuộc phân khúc cao cấp như Samsung Note 10+, Huawei Mate 20X 5G…; gây nên hạn chế đáng kể về số lượng người dùng. 

Ngay cả ở các thành phố đã phủ sóng 5G, nỗi thất vọng vẫn thường trực. Một người dùng ở Trịnh Châu (thủ phủ tỉnh Hà Nam miền Trung Trung Quốc) nhận xét: “Sóng 5G phủ khắp Trịnh Châu, nhưng tốc độ mạng không nhanh như tôi tưởng tượng”. 

Được kiểm soát bởi 3 nhà mạng viễn thông trong nước là China Telecom, China Unicom và China Mobile, cho đến hôm 1/11, hàng trăm ngàn cột thu phát sóng đã được lắp đặt trên khắp Trung Quốc sẵn sàng cho sự kiện ra mắt mạng viễn thông thế hệ mới 5G. 10.000 cột thu phát sóng trong số đó được lắp đặt tại Bắc Kinh, số còn lại phân bổ đều ở 50 thành phố lớn trên cả nước. Do đó, trong khi Bắc Kinh được phủ sóng 5G rộng khắp, các khu vực như Thanh Đảo (Sơn Đông) hay một số thành phố phía Tây đại lục, người dân vẫn chưa thể tiếp xúc với mạng 5G.

Với tốc độ duyệt trang được quảng cáo lên tới 1GB/s, 5G hứa hẹn sẽ là tương lai mới cho ngành công nghiệp Internet nói riêng và nhiều ngành công nghệ ứng dụng mạng khác như trí tuệ nhân tạo, robot... Edison Lee, một nhà phân tích từ công ty dịch vụ tài chính Jefferies đã so sánh khoảng cách khác biệt từ mạng viễn thông 4G tới 5G tựa như việc di chuyển trên xe bus công cộng với xe Ferrari. Tuy nhiên có vẻ như so với những gì người dùng Trung Quốc đang trải nghiệm hiện tại, mạng 5G nước này chưa đạt đến tốc độ tối ưu nói trên.

Một điều bất cập khác nằm ở giá gói cước 5G quá cao so với mặt bằng thu nhập bình quân của người Trung Quốc. Các gói 5G hiện nay tại nước này được cung cấp với giá khoảng 128 NDT (18 USD/tháng). Theo Edison Lee, mức giá cao sẽ là một thách thức đáng kể cho việc phủ sóng 5G rộng khắp đất nước tỷ dân. 

Đó là chưa kể mức giá smartphone 5G hiện nay khá đắt do chi phí nghiên cứu và phát triển, cộng thêm chi phí mụa bản quyền sở hữu trí tuệ. Một chiếc smartphone Huawei Mate 20X 5G hiện có giá khoảng 16.999 NDT, gấp đôi mức lương tháng bình quân của một công nhân Trung Quốc sống tại thành thị. Tình trạng này có thể sẽ tiếp diễn ít nhất đến năm 2022, khi mức độ phổ biến của 5G khi đó tương tự như 4G hiện tại.

Dễ hiểu việc Trung Quốc đẩy nhanh tiến trình ra mắt mạng 5G có ý nghĩa như một bước tiến vượt mặt Mỹ trong cuộc đua giành quyền thống trị công nghệ 5G, vốn có ý nghĩa đặc biệt trong cả lĩnh vực kinh tế, an ninh và quân sự. Tuy nhiên, vội vàng liệu có tạo nên nền tảng vững chắc cho mạng 5G tại Trung Quốc, đó vẫn là một câu hỏi lớn cần thời gian giải đáp.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục