UBND TP.HCM sai sót ra sao tại dự án Metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên?

P.V Thứ tư, ngày 26/12/2018 06:53 AM (GMT+7)
Việc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (UBND TP.HCM) phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư dự án Metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên bị Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đánh giá là chưa đúng thẩm quyền. Trong đó, nhiều nguyên nhân làm tăng tổng mức đầu tư chưa phù hợp.
Bình luận 0

img

Một góc dự án Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, TP.HCM (Ảnh minh họa)

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) mới đây đã có báo cáo kết quả về dự án Metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên. Trong đó, không ít sai sót của UBND TP.HCM và ông Hoàng Như Cương, Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, người mới đây được phát hiện đi nước ngoài khi chưa được sự chấp thuận, đã được Kiểm toán Nhà nước nhắc tên.

Phê duyệt trái thẩm quyền

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, ưu điểm của dự án Metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên là việc lập, thẩm định, phê duyệt cơ bản tuân thủ quy định của pháp luật. Với quy hoạch, dự án đường Bến Thành - Suối Tiên được lập và phê duyệt phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt.

Ngoài ra, cơ quan kiểm toán còn đánh giá: "Công tác khảo sát cơ bản tuân thủ các tiêu chuẩn về khảo sát áp dụng cho dự án. Kết quả khảo sát cơ bản đảm bảo cho công tác lập thiết kế cơ sở của dự án”.

Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước cũng thẳng thắn chỉ ra tồn tại, hạn chế tại dự án Metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên như việc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (UBND TP.HCM) phê duyệt duyệt điều chỉnh dự án đầu tư theo quyết định ngày 21.9.2011 chưa đúng giá trị, chưa tuân thủ quy trình thủ tục và chưa đúng thẩm quyền.

Theo báo cáo, dự án điều chỉnh có tổng mức đầu tư là 47.325 tỷ đồng và đã trở thành dự án quan trọng quốc gia. Theo quy định, dự án phải trình Quốc hội xem xét, quyết định. Ngoài ra, thẩm quyền quyết định đầu tư dự án quan trọng quốc gia là Thủ tướng Chính phủ.

Kiểm toán Nhà nước đánh giá, quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án khi chưa có báo cáo đánh giá hiệu quả đầu tư và chưa rõ ràng về nguồn vốn. Nguyên nhân bởi thư của JICA ngày 27.5.2010 chỉ xác nhận "sẽ tính đến việc bổ sung vốn," chưa xác nhận về việc cho vay.

img

Ông Hoàng Như Cương, Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM. (Ảnh: I.T)

Đáng chú ý, theo báo cáo, việc Ban Quản lý đường sắt đô thị, cụ thể là ông Hoàng Như Cương, Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, phê duyệt điều chỉnh dự án quan trong quốc gia là trái thẩm quyền.

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM thực hiện thẩm định dự án để duyệt cũng là không đúng thẩm quyền. Nguyên nhân là dự án đã phát sinh vấn đề thuộc tiêu chí công trình quan trọng quốc gia, theo quy định, việc thẩm định phải được thực hiện bởi Hội đồng thẩm định Nhà nước.

Ngoài ra, nội dung thẩm định của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cũng không đảm bảo quy định. Ví dụ, nội dung thẩm định tổng mức đầu tư không đánh giá, kiểm tra tính đầy đủ, hợp lý của các khoản mục chi, chưa xem xét các yếu tố đảm bảo tính hiệu quả kinh tế xã hội của dự án.

Việc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo đơn vị thẩm định sử dụng kết quả thẩm tra tổng mức đầu tư của tư vấn do JICA thuê cũng được Kiểm toán Nhà nước đánh giá là không phù hợp quy định. Theo quy định, đơn vị thẩm tra phải do người quyết định đầu tư thuê.

Riêng với vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có đề nghị: Chủ đầu tư cân nhắc việc lựa chọn đơn vị tư vấn độc lập, có đủ năng lực (không phải tư vấn do JICA thuê) để thẩm định lại về quy mô và tổng mức đầu tư của dự án sẽ đảm bảo tính khách quan hơn.

Đội vốn do giá vật liệu, tăng lương

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước dẫn nguyên nhân tăng tổng mức đầu tư trong tờ trình của Ban Quản lý đường sắt đô thị là do sự biến động giá khách quan của nguyên vật liệu và tăng lương tối thiểu từ năm 2006 đến 2009 làm tăng tổng mức đầu tư lên 40%.

Tuy nhiên, phía Kiểm toán Nhà nước đánh giá, căn cứ chỉ số giá xây dựng công trình giao thông của Bộ Xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh và trượt giá tiền yên thì trượt giá khoảng thời gian trên là 31% (sai lệch với tính toán của ban quản lý dự án là 9%).

img

Nguyên nhân tăng tổng mức đầu tư trong tờ trình của Ban Quản lý đường sắt đô thị là do sự biến động giá khách quan của nguyên vật liệu và tăng lương tối thiểu từ năm 2006 đến 2009 làm tăng tổng mức đầu tư lên 40% (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân thứ hai theo báo cáo của Ban Quản lý đường sắt đô thị là do tăng khối lượng xây dựng vì tăng lưu lượng hành khách và tăng khối lượng thực tế trong quá trình làm rõ thiết kế cơ sở. Những yếu tố này làm tăng tổng mức đầu tư lên 43%.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho rằng, nguyên nhân tăng lưu lượng hành khách dự báo là thiếu độ tin cậy và chính xác. Cụ thể, tính toán dự báo hành khách trong dự án điều chính dựa trên giả thiết 100 km của 6 tuyến đường sắt của Thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành trước năm 2020 là thiếu cơ sở. Thực tế cho thấy phải sau năm 2020, Thành phố Hồ Chí Minh mới có thể có tuyến đường sắt đầu tiên.

"Nguyên nhân tăng khối lượng trong quá trình làm rõ thiết kế cơ sở, bổ sung tiện ích cũng như đảm bảo an toàn, đoàn kiểm toán không đủ bằng chứng để đánh giá do không có khối lượng thiết kế ban đầu và thiết kế điều chỉnh cũng nưh tính năng tiện ích, an toàn của thiết kế bán đầu và thiết kế điều chỉnh," báo cáo của Kiểm toán Nhà nước nêu lên.

Việc tính toán hiệu quả kinh tế theo đánh giá cũng chưa phù hợp khi tư vấn điều chỉnh lợi ích kinh tế từ 12,2 tỷ yên lên 28,9 tỷ yên khi không có những luận cứ chính xác.

Theo Kiểm toán Nhà nước, kể cả trường hợp chấp nhận tăng hành khách từ 300.000 hành khách/ngày lên 620.000 hành khách ngày (thời điểm năm 2020) và trượt giá 3 năm theo tiền yên thì lợi ích kinh tế năm 2020 cũng chỉ là 26,98 tỷ yên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem