Tuyên Quang: Kết nối, tư vấn việc làm bền vững cho hơn 6.000 lao động nghèo

Thùy Anh Thứ hai, ngày 26/06/2023 06:00 AM (GMT+7)
Tuyên Quang đang gấp rút triển khai Chương trình giảm nghèo bền vững, trong đó có tiểu dự án 4.3 "Hỗ trợ việc làm bền vững", tuy nhiên còn gặp nhiều khó khăn.
Bình luận 0

Địa phương quan tâm, dồn nguồn lực triển khai

Sau 2 năm triển khai Tiểu dự án 4.3, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai được nhiều nội dung, tuy tốc độ còn chậm. Điều này được thể hiện trong Báo cáo đánh giữa kỳ tình hình thực hiện Tiểu dự án 4.3 hỗ trợ việc làm bền vững, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 Sở LĐTBXH tỉnh Tuyên Quang gửi Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH).

Theo đó, về công tác tổ chức điều hành, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG từ tỉnh đến cơ sở.  7/7 huyện, thành phố thành lập ban chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện làm Trưởng Ban; xây dựng quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo; phân công các thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách từng lĩnh vực, địa bàn. Cấp xã thành lập Ban Quản lý thực hiện các Chương trình MTQG do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã làm Trưởng Ban; xây dựng quy chế hoạt động, phân công giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, tổ chức đoàn thể phụ  trách, giúp đỡ các thôn.

tưvaans giới thiệu việc làm bền vững

Tư vấn giới thiệu việc làm bền vững cho lao động nghèo tại Tuyên Quang. Ảnh: NN

 Bà Lý Thị Hải Hiền - Trưởng phòng Lao động cho biết, thực hiện tiểu dự án 4.3 về "Hỗ trợ việc làm bền vững" Sở LĐTBXH tỉnh Tuyên Quang cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành và hướng dẫn thực hiện cũng như tháo gỡ khó khăn trong thực hiện nội dung “Hỗ trợ việc làm bền vững". Nhìn chung, công tác phối hợp thực hiện tiểu dự án 4.3 về thu thập, cập nhật thông tin quản lý người lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tổ chức phiên giao dịch việc làm... được làm khá tốt.

Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp tỉnh đã phối hợp với Đoàn kiểm tra, giám sát của Bộ LĐTBXH kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực  hiện chương trình mục tiêu quốc gia và tiểu dự án 4. Qua kiểm tra, giám sát đã kịp thời điều chỉnh những nội dung thực hiện để đảm bảo phù hợp với mục tiêu hoạt động của Chương trình.

Hiện nay, Sở LĐTBXH đang nghiên cứu, tiến hành thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư hạ tầng, thiết bị công nghệ thông tin hiện đại hóa thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến nên chưa thực hiện giải ngân nguồn vốn.

Thực hiện nội dung về xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người - người tìm việc; thu nhập thông thông tin, phân tích, dự báo thị trường lao động...  tỉnh cũng đang triển khai rà soát, thống kê lập danh sách lao động, tuy nhiên các phần mềm thống kê dữ liệu lại đang gặp trục trặc.

Bên cạnh đó, hoạt động hỗ trợ kết nối việc làm thành công cũng chưa triển khai được vì theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Thông tư số 46 của Bộ Tài chính có quy định sau khi lao động được kết nối việc làm thành công thì phải có giao kết hợp đồng (ký kết hợp đồng lao động), và xác nhận việc làm tối thiểu 3 tháng thì đơn vị hỗ trợ kết nối việc làm mới nhận được tiền hỗ trợ.  Tuy nhiên, thực tế sau khi được tạo việc làm, lao động và cả doanh nghiệp tiếp nhận thường không báo cáo nên không có căn cứ để xác định. 

Để triển khai tiểu dự án 4.3, năm 2022, tỉnh Tuyên Quang được giao hơn 4,1 tỷ đồng. Tỉnh giao Sở LĐTBXH gần 2,7 tỷ đồng, số còn lại giao về cấp huyện. Riêng năm 2023, tỉnh được phân bổ hơn 11 tỷ đồng. Kết quả, tính đến ngày 30/6, tỉnh Tuyên Quang đã giải ngân được hơn 1,4 tỷ đồng ngân sách được giao để thực hiện tiểu dự án 4.3.

Riêng hoạt động hỗ trợ giao dịch việc làm được tỉnh triển khai khá tốt. Vừa qua, tỉnh đã tổ chức được 7 phiên giao dịch việc làm từ nguồn vốn được giao năm 2022. Các đơn vị tiếp tục nghiên cứu, triển khai các nội dung hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững trong năm 2023.

Thông qua các hoạt động phiên giao dịch việc làm, Ngày hội việc làm trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2022, 2023 đã có 6.317 lượt người lao động thuộc hộ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm. Tuy nhiên, hoạt động giao dịch việc làm trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn do nguồn vốn nhiều, cấp tỉnh, cấp huyện cùng triển khai, tổ chức thực hiện nguồn vốn được phân bổ năm 2022 (chuyển nguồn) và năm 2023. 

Triển khai "Hỗ trợ việc làm bền vững" còn nhiều khó khăn

Ông Hoàng Quốc Cường - Phó giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, chương trình hiện nay mới chỉ triển khai được nhiệm vụ về hoạt động các phiên giao dịch việc làm; nội dung hoạt động về xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người - người tìm việc; quản lý người lao động gắn với cơ sở dữ liệu về dân cư hiện nay chưa được triển khai đồng bộ trên toàn quốc và chờ hướng dẫn triển khai, bổ sung, sửa đổi văn bản của Bộ, ngành mới có thể tiếp tục khai. Do vậy, chưa thể đánh giá cụ thể mức độ hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ chương trình đến thời điểm đánh giá so với kế hoạch giai đoạn 5 năm (2021-2025)

Năm 2022 là năm đầu tiên triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, yêu cầu tiến độ thực hiện các dự án gấp, khối lượng công việc nhiều, các văn bản hướng dẫn chưa ban hành kịp thời, vì vậy trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, tỉnh còn nhiều lúng túng và tiến độ thực hiện đến thời điểm báo cáo còn chậm.

tư vấn giới thiệu việc làm

Lao động tham gia hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng được tư vấn giới thiệu việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Tuyên Quang. Ảnh: NN

Cuối năm 2022, tỉnh mới được phân bổ vốn nên việc xây dựng kế hoạch tổ chức các phiên; thời gian; địa điểm; đơn vị thực hiện... gặp khó khăn, dễ bị trùng lặp, chồng chéo. Đó là chưa kể tới một số nội dung chưa triển khai do vướng thủ tục thanh quyết toán, thông tư quy định chi chưa được sửa đổi. 

Trước tình trạng đó, Sở LĐTBXH tỉnh Tuyên Quang kiến nghị các đơn vị thuộc Bộ sớm triển khai, hướng dẫn các cơ sở dữ liệu, phần mềm về sàn giao dịch trực tuyến, thu thập thông tin việc tìm người - người tìm việc; quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng như triển khai đồng bộ các cơ sở dữ liệu khác thuộc lĩnh vực LĐTBXH. Đồng thời kiến nghị Bộ Tài chính sớm có văn bản hướng dẫn triển khai sử dụng kinh phí sự nghiệp về nội dung "quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư" trong Thông tư 46 để việc triển khai được nhanh chóng, hiệu quả. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem