Trồng tre gì trên đất sỏi đá ở Phú Yên mà anh nông dân này đào lên toàn măng to bự?

Lê Hữu Phúc (Trạm KN Tuy An/TTKN Phú Yên) Thứ sáu, ngày 30/06/2023 12:50 PM (GMT+7)
Chúng tôi đến tham quan vườn trồng tre lấy măng anh Lê Văn Hưng ở thôn Kim Sơn, xã An Thọ, huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) đang lúc anh chuẩn bị giao cho khách hàng đợt măng mới thu hoạch lúc sáng...
Bình luận 0

Anh Hưng khoe hôm nay thu hoạch được khoảng chừng 40 ký măng, những búp măng vườn nhà anh Hưng búp nào búp nấy đều to ú nụ, trông rất đã mắt.Trao đổi với chúng tôi, anh Hưng cho biết năm nay anh 33 tuổi, lúc trước anh làm nghề thợ đá granite, cuộc sống vất vả, nặng nhọc, thu nhập bấp bênh, lại phải thường xuyên xa nhà. 

Lúc rảnh rổi, trong đầu anh cứ lởn vởn, băn khoăn suy nghĩ phải tìm cách khác để ổn định cuộc sống, nuôi vợ con. 

Trong thời gian ở nhà do đợt dịch Covid 19, anh quyết tâm bám trụ mảnh đất quê nhà, không đi làm xa nữa. 

Thế là anh lên mạng internet tìm kiếm, học tập các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, cho thu nhập cao... anh nhận thấy việc đầu tư trồng cây tre lấy măng dễ chăm sóc, nhanh thu hoạch, ít sâu bệnh.

 

Trồng tre gì trên đất sỏi đá ở Phú Yên mà anh nông dân này đào lên toàn măng to bự? - Ảnh 1.

Anh Lê Văn Hưng, nông dân trồng tre lấy măng thôn Kim Sơn, xã An Thọ, huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) khoe sản phẩm măng vừa thu hoạch. Hai giống tre mà anh Hưng trồng là tre Bát Độ, tre Mạnh Tông anh mua giống từ tỉnh Phú Thọ.

 

Anh Hưng kể: “Nghiên cứu trên mạng thấy mô hình trồng tre lấy măng hay quá nên tôi đâm mê, sẵn có đám đất sau nhà chừng khoảng 1 ha lâu nay trồng keo nhưng thu nhập ít quá, trồng 5 năm bán thu chừng khoảng 50 triệu đồng, tính ra mỗi năm thu chỉ khoảng 10 triệu đồng chưa trừ công, chi phí các khoản nên tôi quyết định cải tạo sang trồng tre lấy măng để có thu nhập cao hơn”. 

Nghĩ là làm, anh bán lứa keo, phát dọn, thuê xe múc về múc hố trồng, bón phân và lên mạng đặt mua 600 cây tre Bát Độ và tre Mạnh Tông từ tỉnh Phú Thọ về trồng.

Anh trồng tre với mật độ 3,5 m x 5 m với số lượng 450 cây/ha, số tre còn lại anh để dành để trồng dặm và chia cho hàng xóm. 

Trồng tre xong anh tiếp tục lên mạng tìm hiểu cách thiết kế và lắp đặt hệ thống ống nước tưới tự chảy và tiết kiệm, anh xây hồ chứa nước để nước sau khi bơm vào hồ thông qua hệ thống ống sẽ tự chảy đến từng gốc măng, nhờ vậy mà anh đỡ tốn công tưới, thỉnh thoảng chỉ đi kiểm tra béc phun nào nghẹt thì vệ sinh. 

Nhờ có hệ thống tưới tự động nảy nên vườn tre lấy măng của anh Hưng phát triển xanh tốt, tỉ lệ sống cao, mới trồng được 1,5 năm đã cho thu hoạch lứa măng tre đầu tiên. 

Năm ngoái anh thu hoạch lứa măng tre đầu đã bán được gần 20 triệu đồng, năm nay, vườn tre cho thu hoạch măng ổn định nên anh bắt đầu ghi chép số lượng thu hoạch.

Số tiền bán măng tre được từng lứa, anh dự tính với giá măng tre ổn định khoảng 15.000 đ/kg như hiện nay vườn tre sẽ cho thu hoạch năm thứ 2 khoảng chừng 50 triệu đồng.

Kể từ năm thứ 4 trở đi cây tre phát triển mạnh, cho năng suất đạt khoảng trên 20 tấn là chuyện bình thường. 

Hiện nay vườn tre của anh Hưng trong giai đoạn ổn định nên tốn rất ít công đầu tư, chăm sóc, mỗi năm anh chỉ đầu tư khoảng 80 bao phân bò hoai, thuê công phát cỏ… 

Nhờ có hệ thống nước tưới tự động nên anh có thể thu hoạch măng từ tháng 3 âm lịch đến tháng 10 âm lịch, trong khi tre trong tự nhiên chỉ cho thu hoạch măng vào đầu mùa mưa.

Trồng tre gì trên đất sỏi đá ở Phú Yên mà anh nông dân này đào lên toàn măng to bự? - Ảnh 2.

Anh Lê Văn Hưng, nông dân trồng tre lấy măng thôn Kim Sơn, xã An Thọ, huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) bên vườn tre lấy măng của gia đình mình.

Anh Hưng cho biết, giống tre Bát Độ và tre Mạnh Tông là các giống chịu hạn, dễ trồng, cho năng suất cao, trong đó giống tre Bát Độ siêng cho măng hơn, búp măng nặng chừng 1,5 đến 2kg.

Giống tre Mạnh Tông có búp măng màu tím, chậm cho măng nhưng búp măng nặng hơn, mỗi búp nặng chừng 2 đến 3 kg, chất lượng ngon hơn. 

Riêng thân tre giống Mạnh Tông cứng hơn, cây cao, thẳng hơn nếu bán thân tre để làm mỹ nghệ, đồ nội thất, khung chòi…thì rất phù hợp. Anh Hưng còn học tập kỹ thuật chiết cành tre để cung cấp tre giống cho những ai có nhu cầu với giá 20.000 đồng/cây giống.

Không chỉ bán tre giống, măng tre không thôi, vợ chồng anh Hưng còn học tập cách làm măng chua để bán online cho các hàng quán tại địa phương. Anh Hưng cho biết nếu vào thời điểm giá măng xuống quá thấp anh sẽ phơi sấy thành măng khô để bán thì giá sẽ được cao hơn.

Trồng tre gì trên đất sỏi đá ở Phú Yên mà anh nông dân này đào lên toàn măng to bự? - Ảnh 3.

Lãnh đạo xã An Thọ, huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) tham quan vườn tre lấy măng của hộ anh Lê Văn Hưng.

 Dám nghĩ, dám làm, chịu khó học tập kinh nghiệm và khai thác kiến thức qua mạng internet để áp dụng vào sản xuất nông nghiệp với mô hình trồng tre lấy măng của thanh niên Lê Văn Hưng quả là đáng để học tập. 

Mọi người có thể đến học tập kinh nghiệm và tham quan vườn tre lấy măng của gia đình anh Hưng tại địa chỉ: Thôn Kim Sơn, xã An Thọ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, điện thoại: 0981323768.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem