Trồng cây "nhà giàu" trên vùng đất khó, dân kêu "cây lạ" nhưng lại thu tiền tỷ

Thứ hai, ngày 18/05/2020 13:16 PM (GMT+7)
Sau khi tìm tòi, nghiên cứu, chị Phan Tuyết Nga, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã đem giống cây măng tây lên trồng ở vùng đất khó ở thôn Bến Nghĩa, xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình).
Bình luận 0

Với gần 5 năm phát triển, mô hình trồng măng tây của chị Nga đã đem lại hiệu quả, cho thu nhập khá, từng bước được nhân rộng tại các vùng lân cận.

Đưa măng tây về Lạc Thủy

Chị Nga chia sẻ: "Sau thời gian học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc măng tây tại tỉnh Ninh Thuận, tìm kiếm, khảo sát thực địa, tôi chọn đặt địa điểm vườn tại xã Phú Nghĩa. 

Nơi đây hội tụ đầy đủ về điều kiện tự nhiên, khí hậu phù hợp; nguồn nước tưới dồi dào từ sông Bôi. Thêm vào đó, ở đây có hệ thống đường giao thông thuận tiện di chuyển đến các địa phương lân cận như Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa….".

Trồng cây "nhà giàu" trên vùng đất khó, dân kêu "cây lạ" nhưng lại thu tiền tỷ - Ảnh 1.

Mô hình trồng măng tây của chị Phan Tuyết Nga ở thôn Bến Nghĩa, xã Phú Nghĩa (huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) phát triển hiệu quả, cho lợi nhuận kinh tế cao.

Tận dụng những tiềm năng, lợi thế đó, chị Nga bắt tay vào trồng 24.000 gốc măng tây trên diện tích khoảng 1,5 ha. Tuy nhiên, quá trình trồng măng tây, chị chưa có kinh nhiệm nên gặp nhiều khó khăn do phát sinh chi phí, tổng vốn đầu tư ban đầu lên đến hơn 1 tỷ đồng. 

Chị Nga vừa kiến thiết hạ tầng, xuống giống măng tây xong thì trận mưa lũ năm 2016 đã cuốn trôi phần lớn diện tích trồng măng tây, khiến chị thiệt hại nặng nề về kinh tế...

Không nản chí trước những khó khăn, thách thức, chị Nga tiếp tục vay mượn vốn của gia đình, người thân để đầu tư, cải tạo vườn măng tây. 

Chị nỗ lực tìm tòi, học hỏi kỹ thuật trồng măng tây qua sách, báo, internet để trau dồi kiến thức, áp dụng KHKT vào quá trình sản xuất, để nâng cao chất lượng cây măng tây và sản lượng thu hoạch.

Theo đó, trung bình mỗi ngày, vườn măng tây của gia đình chị Nga có thể thu về khoảng 70 kg, có ngày thu đến 180 kg. Sản lượng trên 1 ha đạt khoảng 16 tấn măng tây, chu kỳ thu hoạch cứ 3 tháng nghỉ 1 tháng. 

Hiện nay, măng tây loại 1 có giá khoảng 70.000 đồng/kg, loại 2 là 60.000 đồng/kg. Sản phẩm măng tây luôn trong tình trạng cháy hàng, không đủ cung ứng cho tư thương, nhà hàng tại khu vực Hà Nội và các vùng lân cận. 

Tổng thu hàng năm từ măng tây của gia đình chị Nga ước đạt khoảng 1,3 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 300 triệu đồng. 

Ngoài ra, vườn măng tây của gia đình chị Nga còn giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 15 lao động địa phương, với mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.

Mở rộng liên kết, bao tiêu sản phẩm cho các hộ trồng măng tây

Ấp ủ mong muốn mở rộng, phát triển hiệu quả mô hình trồng măng tây, đến nay, diện tích vườn măng tây của gia đình chị Nga đã được mở rộng lên 3 ha. Măng tây được trồng đúng tiêu chuẩn với tổng mức đầu tư khoảng 2 tỷ đồng.

 Chị Nga thường xuyên hướng dẫn công nhân lao động theo dõi quá trình sinh trưởng của cây măng tây để kịp thời có những giải pháp đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng.

Để tiếp tục mở rộng quy mô vườn và hỗ trợ các gia đình có nhu cầu phát triển mô hình trồng măng tây, hiện, chị Nga nhận làm cố vấn kỹ thuật cho các vườn trồng măng tây tại khu vực tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nội với mức phí 10 triệu đồng/vườn. 

Theo đó, chị Nga sẽ hỗ trợ toàn bộ kỹ thuật trồng măng tây, chia sẻ kinh nghiệm trồng măng tây, hướng dẫn các nhà vườn trong quá trình trồng, chăm sóc cây măng tây. Mặt khác, sẽ hỗ trợ bao tiêu toàn bộ sản phẩm măng tây của các nhà vườn. 

Theo thống kê, bình quân mỗi ngày, gia đình chị bao tiêu được khoảng 150 kg măng tây cho các nhà vườn. Ngoài ra, để chủ động nguồn giống măng tây, chị Nga lựa chọn mua giống từ bên Mỹ để nghiên cứu, lai tạo giống cây măng tây sinh trưởng tốt, đạt yêu cầu chất lượng. 

Trung bình mỗi năm, chị xuất bán ra thị trường khoảng 2 vạn cây măng tây giống, mức giá bình quân từ 5.000 - 7.000 đồng/cây.

Chị Nga chia sẻ thêm: "Măng tây là loại rau được người dân và các nhà hàng rất ưa chuộng, bởi giàu chất dinh dưỡng, dễ chế biến và dễ ăn. Do nguồn cung không đủ nên sản phẩm của gia đình tôi luôn trong tình trạng cháy hàng. Bởi vậy, tôi luôn nung nấu ý định liên kết với các nhà vườn để mở rộng quy mô, đảm bảo nguồn cung ứng cho người dân, các siêu thị, nhà hàng có nhu cầu”.

Đức Anh (Báo Hòa Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem