Tỉnh nào đứng đầu vùng Đồng bằng sông Hồng, thứ 9 cả nước về tốc độ tăng trưởng nông nghiệp?

Thứ hai, ngày 18/03/2024 15:05 PM (GMT+7)
Những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy mở rộng sản xuất quy mô lớn, giá trị gia tăng cao. Nhờ đó, giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, thu nhập của nông dân không ngừng tăng. Vĩnh Phúc đứng thứ nhất Đồng bằng sông Hồng về tốc độ tăng trưởng nông nghiệp.
Bình luận 0

Xác định vai trò quan trọng của sản xuất nông nghiệp trong phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là ở khu vực nông thôn, tỉnh Vĩnh Phúc đã quan tâm xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp.

Từ năm 2015 đến nay, HĐND tỉnh đã có nhiều nghị quyết như Nghị quyết số 201/2015 về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 19/2019 về chính sách hỗ trợ giống lúa chất lượng cho người trồng lúa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Nghị quyết số 86/2019 về quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 20/2020 về chính sách hỗ trợ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025… Các nghị quyết trên đều được cụ thể hóa bằng các quyết định triển khai thực hiện của UBND tỉnh.

Trong đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, gia tăng giá trị, ổn định bền vững; vai trò quan trọng của sản xuất nông nghiệp với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tỉnh nào đứng đầu vùng Đồng bằng sông Hồng, thứ 9 cả nước về tốc độ tăng trưởng nông nghiệp?- Ảnh 1.

Nhờ được hỗ trợ về giống, phân bón và kỹ thuật chăm sóc, cây su su của HTX rau an toàn Vĩnh Phúc tăng giá trị hơn 20% so với rau thông thường.

Thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sản xuất nông nghiệp; dồn thửa đổi ruộng để sản xuất hàng hóa quy mô lớn; xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn theo chuỗi; chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ; hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng, thủy sản; xây dựng hạ tầng các khu chăn nuôi lợn, chăn nuôi bò sữa, nuôi trồng thủy sản tập trung ngoài khu dân cư; áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, thủy sản; nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ; phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thí điểm bảo hiểm nông nghiệp…

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã hỗ trợ gần 8.200ha diện tích sản xuất rau, quả hàng hóa an toàn theo quy trình VietGAP, với các loại cây trồng như bí đỏ, khoai tây, dưa chuột, ớt, cà chua, rau ăn lá…

Hỗ trợ bình tuyển bò cái nền gần 26.000 con, bò đực giống hơn 1.200 con, lợn đực giống hơn 3.200 con, gần 380.000 liều tinh lợn ngoại, gần 160.000 liều tinh bò thịt, bò sữa chất lượng cao, thay thế lợn nái ngoại hậu bị cấp bố mẹ gần 5.000 con.

Hỗ trợ gần 4.700 tấn giống lúa chất lượng cao trên tổng diện tích gieo trồng gần 94.000 ha cho người sản xuất. Hỗ trợ chi phí mua cá giống mới với hơn 12 triệu con cá rô phi đơn tính, khoảng 2 triệu con cá chép lai 2, 3 máu và hơn 76.000 con cá mè trắng cho tổng diện tích nuôi thủy sản gần 730 ha.

Đặc biệt, đã hỗ trợ gần 3.300 máy sản xuất nông nghiệp, thủy sản; gần 140 công trình xử lý chất thải chăn nuôi; hơn 10.000 hầm biogas; gần 6.000 đệm lót sinh học trong chăn nuôi…

Giai đoạn 2021-2023, hỗ trợ gần 2.600 tấn lúa giống, hơn 5,5 triệu con cá giống các loại. Ngoài ra, còn hỗ trợ hàng trăm nghìn liều vắc xin phòng dịch, hóa chất khử trùng tiêu độc trong chăn nuôi... với tổng kinh phái hơn 127,3 tỷ đồng.

Nhờ vậy, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng, liên tục tăng trưởng qua các năm, giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích liên tục tăng. Trong đó, trồng trọt đã chuyển dịch mạnh cơ cấu giống, cây trồng, mùa vụ theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với điều kiện các vùng sinh thái và địa phương trong tỉnh.

Năm 2023, giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt hơn 150 triệu đồng/ha, tăng khoảng 6% so với năm 2015. Chăn nuôi phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Chăn nuôi lợn, bò sữa và gia cầm đã trở thành thế mạnh của tỉnh, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.

Các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi được áp dụng rộng rãi, nhiều giống gia súc, gia cầm có năng suất, chất lượng tốt được đưa vào sản xuất.

Tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất ra đạt 129.800 tấn (thịt lợn, trâu, bò, gia cầm), tăng 3,08% so với cùng kỳ; 59.000 tấn sữa bò tươi, tăng 8,28% so với cùng kỳ; hơn 700,5 triệu quả trứng gia cầm, tăng 4,36% so với cùng kỳ.

Sản xuất thủy sản tiếp tục phát triển, từng bước đa dạng hóa về chủng loại nuôi trồng; diện tích nuôi thâm canh được mở rộng. Đã xuất hiện nhiều điển hình nuôi cá có hiệu quả cho lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/ha, gấp 2-3 lần so với mô hình nuôi cá truyền thống theo phương thức quảng canh cải tiến. Diện tích nuôi trồng thủy sản ổn định gần 6.400 ha, giá trị đạt 155 triệu đồng/ha.

Nhờ các chính sách hỗ trợ, năm 2023, tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm, thủy sản của tỉnh đạt gần 11,6 nghìn tỷ đồng, tăng gần 5,3% so với năm 2022, trong đó sản xuất nông nghiệp đạt hơn 10,62 nghìn tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ 2022.

Với kết quả trên, Vĩnh Phúc đứng thứ nhất Vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 9 cả nước về tốc độ tăng trưởng nông nghiệp.

Xuân Hùng (Báo Vĩnh Phúc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem