"Thiếu gia" trộm cắp hàng hiệu hơn 3 tỷ đồng ở TP.HCM có thể bị xử lý thế nào?

Quang Trung Thứ bảy, ngày 02/03/2024 06:41 AM (GMT+7)
Phan Văn Chiến thừa nhận trộm cắp các món hàng hiệu trị giá hơn 3 tỷ đồng ở trung tâm thương mại để mang về sử dụng thỏa mãn đam mê và bán lại. Với hành vi này, đối tượng có thể bị xử lý thế nào?
Bình luận 0

Khởi tố "thiếu gia" trộm cắp hàng hiệu

Cơ quan CSĐT Công an quận 1 (TP.HCM) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với đối tượng Phan Văn Chiến (32 tuổi, ngụ quận 7) về tội trộm cắp tài sản.

"Thiếu gia" trộm cắp hàng hiệu hơn 3 tỷ đồng ở TP.HCM có thể bị xử lý thế nào?- Ảnh 1.

Phan Văn Chiến tại cơ quan điều tra. Ảnh: CACC

Theo điều tra, tối 21/1, Chiến với vẻ ngoài sành điệu đến cửa hàng Tiffany & Co trên đường Đồng Khởi, quận 1, hỏi mua nhiều trang sức đắt tiền. Anh ta được nhân viên mời vào khu VIP, mang các hộp trang sức hàng hiệu ra giới thiệu.

Chiến vờ hỏi các thông tin liên quan, chờ lúc nữ nhân viên quay mặt đi liền đút 3 vòng tay đính đá quý (trị giá 2,6 tỷ đồng) vào túi giấy của mình. Tiếp đó, anh ta viện cớ ra ngoài nghe điện thoại, bỏ trốn.

Vài ngày sau, Chiến quay lại trung tâm thương mại này, chọn cửa hàng Hermes làm mục tiêu. Anh ta nói nhân viên cho xem những loại ví, bóp cầm tay đắt tiền.

Chiến liên tục yêu cầu họ đi lấy thêm các sản phẩm khác, rồi thừa cơ hội đút 3 chiếc ví (tổng trị giá 450 triệu đồng) vào túi xách của mình. Bằng chiêu cũ, hắn viện cớ có cuộc điện thoại cần nghe, trốn mất.

Tại cơ quan điều tra, bị can thừa nhận hành vi, cho biết "từng là thiếu gia, chuyên xài hàng hiệu". Gần đây gia đình làm ăn khó khăn, anh ta nảy sinh ý định trộm các loại hàng xa xỉ để sử dụng và đem bán lấy tiền tiêu xài.

Đối mặt khung phạt cao nhất của tội trộm cắp tài sản

Trao đổi với PV Dân Việt, luật gia Khổng Thùy Dung (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, theo quy định của pháp luật, hành vi trộm cắp tài sản là hành vi lén lút để chiếm đoạt tài sản của người khác.

Vì vậy, trường hợp kết quả xác minh, điều tra cho thấy đối tượng đã lén lút, lấy tài sản tại hai cửa hàng nhằm chiếm đoạt, có thể xác định đây là hành vi trộm cắp tài sản.

Người thực hiện hành vi trộm cắp tài sản trị giá từ 2 triệu đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo bà Dung, để xử lý hình sự người thực hiện hành vi trộm cắp tài sản không chỉ căn cứ vào hành vi và giá trị tài sản mà hành vi phải thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm (mặt chủ quan, mặt khách quan, khách thể và chủ thể của tội phạm) mới có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản.

Trong các dấu hiệu cấu thành tội phạm, chủ thể của tội phạm phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự, tức là người đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có năng lực hành vi dân sự, có khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình.

Ở vụ việc nêu trên, cơ quan điều tra đã làm rõ và xác định hành vi của đối tượng là lén lút nhằm chiếm đoạt nên đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

"Trường hợp kết quả xác minh cho thấy, đối tượng hoàn toàn nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, mục đích thực hiện hành vi là để chiếm đoạt tài sản của người khác thì sẽ bị xử lý hình sự về tội trộm cắp tài sản.

Với số tài sản trị giá hơn 3 tỷ đồng, nếu bị chứng minh có đội, đối tượng đối tượng có thể đối mặt khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Đây là khung phạt cao nhất của tội trộm cắp tài sản" – bà Dung thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem