Sau vụ ngộ độc thực phẩm khiến 550 người nhập viện, Đồng Nai họp bàn giải pháp quản lý chất lượng nông sản

Nguyên Vỹ Thứ sáu, ngày 10/05/2024 05:48 AM (GMT+7)
Đồng Nai có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhưng số lượng được giết mổ tập trung còn quá ít. Nhiều sản phẩm rau củ quả của người dân không đảm bảo thời gian cách ly, tối phun phân thuốc xong sáng đem đi bán.
Bình luận 0

Nỗi lo mất vệ sinh an toàn thực phẩm

Chiều ngày 9/5, Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai tổ chức hội nghị tổng kết công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2023, và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.

Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai tổ chức hội nghị tổng kết công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm. Ảnh: Nguyên Vỹ

Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai tổ chức hội nghị tổng kết công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Nguyễn Trần Phước Lộc - Trưởng phòng NNPTNT huyện Vĩnh Cửu cho biết, công tác kiểm soát mua bán thịt ở chợ, hoặc việc bày bán thực phẩm ở lòng lề đường tại địa phương vẫn chưa hiệu quả.

Nhiều người lấn chiếm lòng lề đường để bán thực phẩm nhưng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, chứng nhận an toàn thực phẩm. Khi cơ quan chức năng đến kiểm tra, có nhắc nhở, họ dẹp vào trong. Nhưng khi đoàn rời đi, họ đưa hàng ra bán tiếp.

Đại diện Phòng NNPTNT huyện Cẩm Mỹ kể, rau củ quả trước khi bán phải cách ly ít nhất 7 ngày nhưng khi kiểm tra đột xuất, cơ quan chức năng phát hiện nhiều hộ dân phun xịt phân thuốc đêm hôm trước, sáng hôm sau đem bán.

Nhiều hộ dân chưa đảm bảo thời gian cách ly sản phẩm rau, củ, quả trước khi tiêu thụ. Ảnh minh họa: Nguyên Vỹ

Nhiều hộ dân chưa đảm bảo thời gian cách ly sản phẩm rau, củ, quả trước khi tiêu thụ. Ảnh minh họa: Nguyên Vỹ

Huyện Cẩm Mỹ chưa có nhà máy giết mổ gà, vịt. Nhiều hộ dân bán gà, vit sống không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hay chứng nhận tiêm phòng.

Ông Ngô Thanh Tùng - Trưởng phòng NNPTNT huyện Thống Nhất thừa nhận, việc người dân trồng rau, tối phun xịt, sáng đem đi bán là có, mặc dù địa phương đã có tuyên truyền vận động.

Ông Nguyễn Trường Giang – Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết, việc quản lý các cơ sở có cấp phép tương đối ổn. Nhưng Đồng Nai vẫn còn tồn tại nhiều cơ sở giết mổ, chế biến không phép.

Đồng Nai là tỉnh có lợi thế chăn nuôi, là một trong những tỉnh sớm có quy hoạch giết mổ. Tổng đàn gia cầm, gia súc của Đồng Nai rất lớn, với hơn 2,1 triệu con gia súc; hơn 25,7 triệu con gia cầm.

Song đến nay, số lượng heo, gà đưa vào giết mổ công nghiệp nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn còn rất ít; với khoảng 2.200 con heo/ngày đêm; 40.000 con gà/ngày đêm, 200 con bò/ngày đêm.

Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai nhìn nhận, chất lượng, an toàn thực phẩm có cải thiện nhưng chưa bền vững, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân. Đồng Nai chưa có nhiều nhãn hiệu, thương hiệu nông sản uy tín trên thị trường trong và ngoài nước.

Nhiều người dân bán gia cầm sống trên đường phố không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hay chứng nhận tiêm phòng. Ảnh: Nguyên Vỹ

Nhiều người dân bán gia cầm sống trên đường phố không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hay chứng nhận tiêm phòng. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh cho biết, năm 2023 tuy chưa xảy ra sự cố lớn nhưng nỗi lo mất vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn tác động lớn đến đời sống người dân. Nhất là mới đây, vụ ngộ độc thực phẩm tại TP.Long Khánh khiến hơn 550 người nhập viện.

Để công tác bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm năm 2024 đạt hiệu quả cao, Sở NNPTNT đề nghị các đơn vị, địa phương chủ động thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm cơ sở, sản phẩm vi phạm quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Các đơn vị cũng cần tăng cường công tác kết nối tiêu thụ nông sản an toàn và các sản phẩm chế biến chất lượng nhằm bảo đảm sự ổn định cung cầu, giúp tăng trưởng sản xuất ổn định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem