Ông chủ HTX trồng sơ ri chua, trộm không thèm hái để làm mứt, si rô

Hoàng Lan Thứ bảy, ngày 29/07/2017 06:37 AM (GMT+7)
Sản phẩm mới mứt, kẹo, nước si rô… từ cây trồng đặc sản sơ ri ngon nổi tiếng ở Gò Công (Tiền Giang) đã vào siêu thị, chào hàng bán tại các cửa hàng. Có được ngày hôm nay đều nhờ anh Nguyễn Trọng Thế - Giám đốc HTX sơ ri Bình Ân đã làm những việc "không giống ai".
Bình luận 0

Tự biết thân so các hợp tác xã (HTX), các công ty có nhiều ưu thế hơn về nguồn lực tài chính, lao động… nên anh Nguyễn Trọng Thế, Giám đốc HTX sơ ri Bình Ân hiểu rằng nếu mọi thứ tự lo liệu được để giảm chi phí, giữ được giá bán ổn định thì sẽ có thêm khách hàng và giữ được giá mua có lợi cho người trồng.

img

Nguyễn Trọng Thế tiếp tục nghiên cứu sản phẩm mới từ nguyên liệu bản địa đưa ra thị trường.

Tự thiết kế nhãn, tổ chức thu gom nguyên liệu từ các thành viên HTX, tổ chức chế biến cho tới việc đưa sản phẩm của HTX sơri Bình Ân (huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) ra thị trường… có lần người bán giật mình khi nhìn thấy chữ nghĩa, hình ảnh trên nhãn biến đi dâu hết, lẹ lẹ báo cho Thế biết. Khổ chủ điếng hồn, nhưng rồi anh cũng hiểu những máy móc văn phòng không thể bảo đảm chất lượng in ấn nhãn hàng theo kiểu “cây nhà lá vườn”.

Thế có thể cứ yên tâm trồng giống sơri truyền thống, bán ra chợ; với quy trình an toàn, anh có thể thuyết phục người mua, nhưng khi nhiều nơi ở Gò Công Đông, Bến Tre cùng trồng thêm giống sơri ngọt thì đó không phải là sự chọn lựa tốt nhất. Để sinh tồn gắn bó với cây sơri, cuối cùng Thế chọn cách mạo hiểm hơn: mở rộng diện tích giống sơri Brazil như một cú đột phá.

img

Anh Nguyễn Trọng Thế, Giám đốc HTX sơ ri Bình Ân, Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang và vườn sơ ri chua đang cho trái (Ảnh: TS)

Giống sơri mới có trái to, đỏ mọng, bắt mắt vô cùng, nhưng trộm đạo không thèm hái vì trái nào trái nấy chua hết cỡ. Cuộc “phiêu lưu” với sơri chua của Thế, khiến anh chỉ có cách bán nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Nhưng nếu chỉ bán nguyên liệu thì ai biết đặc sản sơri Gò Công là thế nào.

Từ một chiếc tủ trưng bày hàng bên cây xăng Mộng Trinh, đón du khách đi chơi ngoài bãi biển Tân Thành trở về, hai vợ chồng Thế lặng lẽ làm xưởng làm mứt theo quy trình “một chiều” để chuỗi sản phẩm có mứt, xirô và làm nước quả lên men. Thật khác so với khi vợ chồng Thế tham gia phiên chợ Xanh – Tử tế ở TP.HCM lần đầu, chỉ đơn độc một loại sản phẩm, chỉ khác ở chai lọ, cân lượng. 

Mấy năm nay, người trồng nói sơri được giá nhờ đầu ra thuận lợi. “Thuận lợi là nhờ bà con thương”, Thế cười hiền nói. “Bà con ở đây tính cả những anh em cùng làm đặc sản đưa ra chợ. Hầu hết là dân Đồng tháp, Vĩnh Long, cùng nương tựa, trông cậy lẫn nhau. Khách hàng chỉ mua hàng của bạn, không mua của mình cũng chẳng sao. Nhóm nhỏ bán chuối xào gừng Tư Bông, tương hột Phước Khang, mứt sơri Bình Ân… gần gũi, thân quen nhau sau nhiều phiên chợ. Họ nói đó là nhóm Tam hạp: hạp ý, hạp hiện trường chợ phiên và hạp cách sống chia sẻ.

img

HTX Bình Ân giới thiệu mứt sơ ri đặc sản Gò Công, Tiền Giang (Ảnh: TS)

“Hồi đầu, thả đứa con trai chạy lòng vòng trong phiên chợ, hai vợ chồng vừa bán hàng vừa trông con. Con trai liếng khỉ, chạy lung tung, nhưng không làm hai vợ chồng lo bằng cảnh ‘cháy hàng’”, Thế nói. Bây giờ anh đã có nhóm Tam hạp, trong đó có người từng làm việc ở công ty, người lớn lên trong gia đình ba thế hệ còn Thế lớn lên trên đất giồng cát ven biển Gò Công Đông. Mấy năm trước chẳng ai nói cho anh biết ra thị trường phải thế nào! Nhóm nhỏ từ miền Tây đưa hàng về Sài Gòn thường chia sẻ cách “gặt” những góp ý tinh tế của người mua ở chợ phiên, lời các chuyên gia “mổ xẻ” tình huống ở lớp học và tự biến những hiểu biết mới tinh đó thành năng lượng.

Phiên chợ thứ 50 cũng là chặng đường dài theo đuổi của Thế. Nhờ đó anh biết cách kiểm soát công việc. Chỉ có một điều anh chưa làm được là năm nào cũng bị hụt hàng, Thế nghĩ tới việc làm kho lạnh trữ nguyên liệu, nhưng kho chứa chẳng được bao nhiêu khi vốn liếng của HTX và bản thân anh tích góp mọi thứ cũng chỉ đủ đổ vô vườn sơri, vô cái xưởng bằng lỗ mũi của thiên hạ.

Vùng nguyên liệu sơri được định hướng sản lượng khoảng 10.000 tấn, các công ty TNHH Thịnh Phát, công ty TNHH Nichirei Suco Việt Nam (100% vốn của Nhật Bản) vẫn  dọc ngang trong vùng nguyên liệu chế biến xuất khẩu, nhưng chỉ có Thế là người trì chí theo đuổi suốt mười tháng làm ra đặc sản, xây dựng thương hiệu sơri Bình Ân với tất cả nhuệ khí của lớp chân quê không tiếc sức “xông pha” trên thị trường.                             

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem