Nóng tuần qua: Ai sẽ phải giải trình việc giá thịt heo tăng vọt?

Thúy Vy Chủ nhật, ngày 08/03/2020 15:55 PM (GMT+7)
Các Bộ Công Thương, Tài chính và Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phải báo cáo trách nhiệm trước Thủ tướng khi để giá thịt heo tăng cao.
Bình luận 0

Thủ tướng yêu cầu giải trình việc giá thịt heo tăng vọt

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng liên quan đến tình hình giá thịt heo có xu hướng tăng cao.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ Tài chính- Công Thương, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá hồi tháng 2 về bảo đảm cân đối cung cầu và kiểm soát giá thịt lợn. Báo cáo được yêu cầu gửi Thủ tướng trước ngày 10/3, trong đó nêu rõ trách nhiệm của các Bộ khi để giá mặt hàng này tăng cao. 

img

Từ đầu tháng 3, giá thịt heo tại 3 miền Bắc - Trung - Nam bất ngờ tăng trở lại.

Thủ tướng cũng yêu cầu Tổng cục Thống kê chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá tác động của giá thịt lợn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI); phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan để có giải pháp bảo đảm mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng năm 2020 theo mục tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.

Từ đầu tháng 3, giá thịt heo tại 3 miền Bắc - Trung - Nam bất ngờ tăng trở lại sau thời gian được kìm, giảm xuống dưới 70.000 đồng một kg thịt hơi. Ngày 5/3, giá thịt heo hơi tại các tỉnh miền Bắc dao động 85.000-88.000 đồng một kg.

Ngân hàng tung gói tín dụng 285.000 tỷ đồng đối phó dịch Covid-19

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện tại các ngân hàng đã đăng ký tổng cộng 285.000 tỷ đồng để tung gói tín dụng lãi suất ưu đãi hỗ trợ khách hàng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Các ngân hàng sẽ dùng biện pháp giảm bớt chi phí của mình để hỗ trợ doanh nghiệp, giảm lãi suất từ 0,5-1%. Nguồn vốn sẽ do ngân hàng tự cân đối và không sử dụng vốn Ngân sách, hiện nay các ngân hàng đều đăng ký tham gia và kỳ này là tham gia thật.

img

Các ngân hàng sẽ dùng biện pháp giảm bớt chi phí của mình để hỗ trợ doanh nghiệp.

Con số 285.000 tỷ đồng nêu trên là con số ghi nhận đến hiện tại do các ngân hàng tự nguyện đưa ra các chương trình cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, có ngân hàng tham gia với hạn mức 50.000 tỷ; 70.000 tỷ; thậm chí có nhà băng hơn 100.000 tỷ đồng…

Xem xét chuyển đổi một số dự án PPP cao tốc Bắc Nam sang đầu tư công

Chỉ thị số 11/CT – TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid19 nêu rõ, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh, trong lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông, Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ: Kế hoạch và đầu tư, tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền về việc chuyển đổi từ đầu tư theo hình thức PPP sang đầu tư công đối với các dự án hạ tầng trọng điểm như dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, các dự án thành phần đầu tư của Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020; xem xét việc áp dụng chỉ định nhà đầu tư, chỉ định thầu, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, báo cáo Chính phủ trước ngày 15/3/2020 để báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương hoàn thành thủ tục và thúc đẩy giải ngân, thực hiện các dự án đầu tư công quy mô lớn, quan trọng, có tác động lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội như các dự án mở rộng cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, xây dựng mới cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông...; không được để chậm trễ như thời gian vừa qua.

Từ 1/5, ngoài nộp phạt, người vi phạm đặt tiền bảo lãnh để tự... trông xe

Nghị định 31/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115/2013/NĐ-CP ngày 3/10/2013 của Chính phủ vừa ban hành, quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính, có hiệu lực từ 1/5/2020.

Nghị định 31 sửa đổi quy định giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản.

Phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có một trong các điều kiện dưới đây thì người có thẩm quyền tạm giữ có thể giao cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản phương tiện dưới sự quản lý của cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ.

Cụ thể, cá nhân vi phạm có nơi đăng ký thường trú hoặc có đăng ký tạm trú còn thời hạn hoặc có giấy xác nhận về nơi công tác của cơ quan, tổ chức nơi cá nhân vi phạm đang công tác; tổ chức vi phạm phải có địa chỉ hoạt động cụ thể, rõ ràng. Tổ chức, cá nhân vi phạm phải có nơi giữ, bảo quản phương tiện.

Tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được xem xét để giao giữ, bảo quản phương tiện.

Đề xuất 11 dự án cao tốc mới để khép kín toàn tuyến Bắc - Nam từ Hà Nội đến TP.HCM

Tiếp theo 11 dự án cao tốc thành phần đang triển khai trên tuyến Bắc Nam, Bộ Giao thông - Vận tải đang đề xuất triển khai tiếp 11 dự án cao tốc khác trên tuyến này với chiều dài khoảng 820 km, tổng mức đầu tư hơn 105.000 tỷ đồng.

Danh mục 11 dự án mới này nằm trong dự thảo danh mục các dự án nhóm A dự kiến chuẩn bị đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Nếu 11 dự án cao tốc mới này được Chính phủ trình Quốc hội khóa tới thông qua chủ trương và đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, kết hợp với 11 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 đang triển khai, cao tốc Bắc - Nam sẽ được kết nối khép kín toàn tuyến từ Hà Nội đến TP. Hồ Chí Minh.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem