Lợi nhuận èo uột, Vietravel tính vay 700 tỷ đồng “nuôi” giấc mơ hàng không

Huyền Anh Thứ hai, ngày 29/07/2019 13:43 PM (GMT+7)
Vietravel dự kiến sẽ phát hành 700 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu không chuyển đổi bổ sung nguồn vốn của Dự án Vietravel Airlines. Đây là động thái cho thấy sự quyết tâm gia nhập ngành hàng không của giới chủ tại Vietravel. Tuy nhiên, bài toán khó của Vietravel chính là vấn đề tài chính bởi hiện nay Viettravel mỗi năm chỉ lãi ròng trên dưới 50 tỷ đồng, nợ phải trả gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu.
Bình luận 0

CTCP Du lịch và Tiếp thị GTVT Việt Nam (Vietravel - Mã CK: VTR) vừa thông qua quyết định lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về kế hoạch huy động 700 tỷ trái phiếu nhằm bổ sung vốn cho dự án Vietravel Airlines - đúng bằng vốn điều lệ đăng ký của công ty hàng không này.

Huy động 700 tỷ trái phiếu nhằm bổ sung vốn cho dự án Vietravel Airlines

Theo đó, ban lãnh đạo Vietravel dự trình cổ đông thông qua việc hủy phương án phát hành trái phiếu không chuyển đổi có giá trị 80 tỷ đồng đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 (diễn ra ngày 20/4/2019).

Thay vào đó, Vietravel dự kiến sẽ phát hành riêng lẻ gấp nhiều lần quy mô kể trên, lên tới 700 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi. Lô trái phiếu này có mức lãi suất không quá 11%/năm với kỳ hạn 2 năm.

img

Trong quyết định được công bố, Vietravel không tiết lộ chi tiết về hình thức đảm bảo cho lô trái phiếu nhưng cho biết mục đích phát hành nhằm “bổ sung nguồn vốn của Dự án Vietravel Airlines”.

Ngay từ đầu năm 2019, dư luận đã không khỏi xôn xao trước việc ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Vietravel chia sẻ dự định sẽ đầu tư vào hãng hàng không có tên gọi Vietravel Airlines tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trụ sở hãng này sẽ được đặt tại Huế để không chỉ khai thác thị trường du lịch Huế mà còn ngành hàng không còn đầy tiềm năng.

Theo lý giải của ông Kỳ, so với quy mô dân số gần 100 triệu dân và lượng khách du lịch quốc tế tăng đều hàng năm và đạt mức 15,5 triệu lượt khách, chỉ có 5 hãng hàng không là còn ít. Vì vậy, theo ông Kỳ, vẫn còn tiềm năng cho thị trường này.

img

Sau khi công bố ý định gia nhập thị trường hàng không vào đầu năm 2019, Vietravel đã có những động thái khá quyết liệt để hiện thực hóa kế hoạch của mình.

Ngày 19/2/2019, Công ty TNHH Hàng không lữ hành Việt Nam - Vietravel Airlines đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với vốn điều lệ đăng ký ban đầu là 300 tỷ đồng, do Vietravel sở hữu 100% vốn.

Sau đó vốn điều lệ của của Vietravel Airlines tiếp tục được điều chỉnh lên 700 tỷ đồng. Trong trường hợp Vietravel phát hành trái phiếu thuận lợi, rất có thể quy mô vốn của Vietravel Airlines sẽ được nâng lên gấp 2 lần, tức 1.400 tỷ đồng.

Bên cạnh sự hấp dẫn nói chung của ngành hàng không Việt Nam thì việc Vietravel tham gia vào lĩnh vực hàng không có thể coi là một bước đi hợp lý khi mà chi phí lớn nhất của các tour du lịch đường dài luôn là vé máy bay. Bản thân Vietravel cũng luôn phải thuê chuyến để phục vụ cho các tour du lịch của mình.

Chia sẻ bởi Tổng giám đốc Vietravel Airlines Vũ Đức Biên cho biết Vietravel Airlines có lợi thế về thị trường khi khai thác dịch vụ bay thuê chuyến. Năm 2018, Vietravel đã thuê bao hơn 300 chuyến bay để đưa khách đi du lịch trong và ngoài nước.

Doanh thu nghìn tỷ nhưng lợi nhuận “èo uột”

Mặc dù hội tụ được nhiều yếu tố thuận lợi để gia nhập thị trường hàng không nhưng Vietravel lại có tiềm lực tài chính khá khiêm tốn so với những hãng hàng không nội đại hiện nay của Việt Nam.

Báo cáo tài chính của Vietravel cho thấy, doanh nghiệp này chỉ lãi ròng vỏn vẹn gần 5 tỷ đồng trong quý I/2019.

Trong đó, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong kỳ đạt hơn 1.285 tỷ đồng, trong đó giá vốn hàng bán chiếm 92,7%.

Xét về cơ cấu nguồn thu, doanh thu dịch vụ lữ hành chiếm tới gần 99% doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, bán vé máy bay mang về cho Viettravel khoản doanh thu 9,9 tỷ đồng.

Kết quả, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp trong kỳ còn gần 92,6 tỷ đồng.

img

Trong kỳ, doanh thu hoạt động đạt gần 525 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính gấp gần 5 lần doanh thu (hầu hết là chi phí lãi vay chiếm 92% trong chi phí tài chính của doanh nghiệp).

Doanh thu hoạt động tài chính giảm do giảm lãi từ chênh lệch tỷ giá 3,4 tỷ tại ngày 31/12/2018 chỉ còn 469 triệu hết quý I/2019. Cổ tức và lợi nhuận được chia không phát sinh trong kỳ.

Ngoài ra, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của Vietravel lần lượt là 8 tỷ và 76 tỷ đồng, giảm mạnh từ con số 39,8 tỷ và 313 tỷ của cuối năm 2018 do giảm chi phí nhân viên trong doanh nghiệp.

Với những diễn biến trên, quý I/2019 công ty này báo lãi trước thuế 6,1 tỷ đồng và lãi rồng 4,9 tỷ.

Tính đến cuối tháng 3/2019, tổng tài sản của Vietravel là 1.265,4 tỷ đồng, cao hơn con số 1.111 của đầu năm, chủ yếu nằm ở tài sản ngắn hạn với hơn 1.029 tỷ đồng.

Nợ phải trả cũng lên tới 1.052 tỷ đồng, gấp 4,9 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của doanh nghiệp là 58,8 tỷ đồng và dài hạn là 35,9 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến hết tháng 3/2019 là 72 tỷ đồng.

Lưu chuyển dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp âm 12 tỷ trong quý I/2019. Trong đó, Vietravel có tới gần 1.330 tỷ đồng tiền chi trả cho người cung cấp hàng hóa và dịch vụ và 1.455 tỷ đồng tiền thu bán hàng, cung cấp dịch vụ và doanh thu khác.

Dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng âm 25,6 tỷ đồng, nằm chủ yếu tại khoản rmục chi đầu tư góp vốn vào các đơn vị khác lên tới 20 tỷ đồng.

img

Trong năm 2018, Vietravel ghi nhận lãi ròng 58 tỷ đồng, từ mức doanh thu thuần hơn 7.233 tỷ đồng. Tương tự, năm 2017, công ty này đạt doanh thu 6.184 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ hơn 37 tỷ. Cuối năm 2018, nợ phải trả của Vietravel gấp gần 4,4 lần vốn chủ sở hữu.

Không chỉ quý I/2019, báo cáo tài chính 2018 của Vietravel cũng cho thấy, phần lớn tài sản của công ty là các chi phí trả trước liên quan đến việc khai thác tour du lịch cùng các khoản phải thu khách hàng. Tương ứng ở phía bên nguồn vốn là các khoản phải trả người bán và người mua trả tiền trước.

Như vậy rõ ràng, với mức lợi nhuận trên dưới 50 tỷ đồng hiện nay, nếu vận hành Vietravel Airlines thì Vietravel sẽ đối mặt với nhiều áp lực về tài chính. Nhiều minh chứng đã cho thấy, dùng đòn bẩy tài chính quá lớn về lâu dài sẽ khiến cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp giảm sút.  

Chưa kể, việc nhà đầu tư chấp nhận mua trái phiếu của Vietravel đồng nghĩa với việc chấp nhận rủi ro lớn?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem