Lào Cai: Chung tay giúp dân vùng mưa đá

Thứ hai, ngày 01/04/2013 09:55 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong 2 ngày (30 và 31.3), đoàn công tác của T.Ư và tỉnh Lào Cai do ông Giàng Seo Phử - Bộ trưởng- Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc và ông Nguyễn Hữu Vạn - Bí thư Tỉnh uỷ Lào Cai dẫn đầu đã đi kiểm tra, thị sát tình hình thiệt hại và chỉ đạo khắc phục hậu quả của 2 trận mưa đá tại Lào Cai xảy ra đêm 26.3, rạng sáng ngày 27.3 và ngày 29.3.
Bình luận 0

Hai trận mưa đá này đã làm bị thương gần 40 người, phá hoại gần 10.000 ngôi nhà, hàng trăm ha cây trồng và nhiều gia súc bị ảnh hưởng.

img
Công an Lào Cai giúp người dân xã Tả Gia Khâu (Mường Khương) lợp lại mái nhà.

Đoàn đã đến Mường Khương- huyện bị thiệt hại nặng nhất với 30 người bị thương, hơn 7.000 ngôi nhà bị tàn phá; hàng trăm ha rau, màu, cây công nghiệp cùng nhiều gia súc, gia cầm bị thiệt hại ở 13 xã, thị trấn. Theo đánh giá sơ bộ của huyện Mường Khương, tổng thiệt hại lên tới gần 187 tỷ đồng.

Ông Cao Xuân Phà - Phó Chủ tịch UBND xã Tả Gia Khâu cho biết: Lốc xoáy và mưa đá kéo về vào đêm tối với sức tàn phá quá lớn nên bà con chẳng biết xoay xở vào đâu. Cả 414 hộ gia đình trong xã cùng các trường học, trạm xá... đều bị hư hỏng nặng. Lo nhất là trong điều kiện chỗ ăn ở không còn thì hầu hết lương thực đều bị ẩm ướt. Nếu không có nắng kịp thời là sẽ bị hỏng mất lương thực. Ngày 31.3, các lực lượng bộ đội, công an, đoàn viên thanh niên, dân quân tự vệ... đang có mặt tại từng nhà dân và tích cực thu dọn đống đổ nát, vận chuyển tấm lợp, sửa sang và lợp lại nhà cửa. Xã Tả Gia Khâu có gần 40 cán bộ, chiến sĩ công an đến giúp sửa sang nhà cửa.

Huyện Mường Khương đã chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị dồn lực lượng khắc phục hậu quả mưa đá với người dân. Huyện đã cung ứng hơn 4.000 tấm lợp và trên 19.000m2 bạt để giúp người dân che chắn kịp thời. Đến thời điểm này, so với nhu cầu thực tế, huyện vẫn đang thiếu khoảng 40.000 tấm lợp fibro xi măng.

Tại huyện biên giới Xi Ma Cai- địa bàn bị ảnh hưởng nặng thứ 2 sau Mường Khương với 5 người bị thương, 8 điểm trường và 2.891 hộ bị thiệt hại nhà cửa, trâu bò, gia cầm, tổng thiệt hại ban đầu ước tính lên tới gần 16 tỷ đồng, hôm qua vẫn đang ngổn ngang những đống đổ vỡ. Chị Nguyễn Thị Duyên ở bản Nàn Sán, xã Nàn Sán cho biết: Dân ở đây hầu hết đều lợp nhà bằng tấm lợp, lốc lại lớn, mưa đá to nên nhà nào cũng bị ảnh hưởng. Tấm lớp thiếu, nhân lực thiếu, đường sá bị mưa nên rất khó đi lại, chắc phải mất cả tuần mới tạm sửa sang xong phần mái nhà. Còn lương thực bị ẩm ướt thì rất khó giải quyết.

Anh Lùng Văn Sơn cũng ở bản Nàn Sán cũng lo âu: Lương thực để dành đã ướt hết, nhà cửa tan hoang. Nếu không sấy được lương thực để bảo quản thì năm nay lại đói thôi.

Thanh Hóa, Nghệ An cũng có mưa đá, dông lốc

Tối 30.3, tại khu vực xã Trung Hạ, Trung Xuân của huyện vùng cao biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa) xảy ra mưa đá kèm theo dông lốc kéo dài trong khoảng 10 phút. Tuy không gây thiệt hại về người, nhà cửa, nhưng trận mưa, dông lốc cũng ảnh hưởng đến diện tích lúa, cây trồng và hoa màu của bà con (chưa có thống kê cụ thể). “Mưa đá chỉ to bằng ngón chân, ngón tay nên không đáng ngại lắm, tuy nhiên dông lốc ở miền núi thường gây hậu quả rất khó lường” - ông Phạm Bá Diệm - Bí thư Huyện ủy Quan Sơn cho hay. Trong tối 30.3, tại địa bàn thị trấn huyện vùng cao biên giới Quan Hóa cũng xảy ra mưa đá.

* Khoảng 17 giờ ngày 30.3, tại huyện Tương Dương (Nghệ An) xảy ra trận mưa đá kèm theo lốc xoáy. Mưa và lốc kéo dài khoảng 20 phút với những hạt có kích cỡ 1- 3cm đã làm cho cho 73 ngôi nhà ở xã Lưu Kiền bị tốc mái và nhiều ha hoa màu bị hư hại. Rất may không thiệt hại về người.

Thủ tướng chỉ đạo khắc phục thiệt hại

Ngày 30.3, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai tập trung chỉ đạo cứu chữa người bị thương, hỗ trợ cứu đói cho những hộ gia đình bị thiệt hại nặng, thiếu đói, nhất là những gia đình thuộc đối tượng chính sách. Huy động các lực lượng công an, quân đội, đoàn thể tại chỗ hỗ trợ nhân dân sửa chữa lại nhà cửa, khôi phục sản xuất. Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường các biện pháp điều tiết nguồn hàng, quản lý giá cả thị trường, không để khan hiếm hàng, ép giá...

Chưa dự báo được!

Ông Lê Thanh Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, nguyên nhân dẫn đến những trận mưa đá liên tiếp ở Lào Cai là do, trước đó 4-5 ngày Lào Cai có nắng nóng tương đối gay gắt, cộng thêm gió khô Ô Quý Hồ thổi mạnh khiến mặt đất bị hun nóng và khô khốc. Gió mùa đông bắc tràn xuống, sự xung đột giữa hai khối khí nóng và lạnh kích thích sự đối lưu phát triển mạnh. Hơi nước bốc lên cao, ngưng tụ lại thành hạt đá nhỏ, những hạt đá này tiếp tục đông kết và dính lại nhau tạo nên những hạt đá to hơn. Cũng theo ông Hải, hiện đang là thời điểm giao mùa giữa mùa lạnh và mùa nóng nên cũng là “mùa” của mưa đá và giông lốc. Mưa đá có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào trên cả nước nhưng ở các tỉnh miền núi phía Bắc thì khốc liệt hơn, nhất là khi không khí lạnh tràn xuống. Ông Hải cho biết, đến nay nước ta và các nước tiên tiến vẫn chưa dự báo được mưa đá xảy ra, chỉ có thể cảnh báo mưa đá kèm theo giông lốc ở một khu vực tương đối rộng lớn dựa trên những dữ liệu quan trắc được và hệ thống thời tiết nguy hiểm. Về một số dấu hiệu để nhận biết mưa đá sắp xảy ra là: Ban ngày mà có giông mạnh, mây đen kịt bầu trời; ban đêm trời giông, sét, gió đang thổi đều đều bỗng lặng đi, trời lạnh hơn đột ngột.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem