Làng cổ ở Hưng Yên từng được thánh địa lý Tả Ao trấn yểm phát về khoa cử, buôn bán giàu có (Bài 2)

Hải Đăng Chủ nhật, ngày 20/08/2023 18:28 PM (GMT+7)
Nằm bên cạnh đình Nam Trì, đền Nam Trì ở xã Đặng Lễ, huyện Ân Thi (Hưng Yên) đang thờ Đức Tả Ao, ông được lịch sử tôn vinh là Thánh địa lý, ông Tổ phong thủy Việt Nam.
Bình luận 0

CLIP: Đền Nam Trì ở xã Đặng Lễ, huyện Ân Thi (Hưng Yên) đang thờ Thánh tổ địa lý Việt Tả Ao.

Được thầy địa lý Trung Quốc trả ơn truyền nghề phong thủy

Tả Ao là gọi theo cái tên làng Tả Ao quê ông ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Tên thật của ông cùng năm sinh năm mất thì không sách vở nào ghi lại. Trong Bách khoa toàn thư Việt Nam và Lịch triều hiến chương loại chí do nhà sử học Phan Huy Chú biên soạn đều chép lại theo dân gian ông có tên là Vũ Đức Huyền hay Nguyễn Đức Huyền, hiệu là Hoàng Chiêm hay Hoàng Chỉ. 

Năm sinh cũng ước đoán ông ra đời vào năm 1442, sống trong các thời vua Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông và Lê Uy Mục. Lại có sách nói quê gốc ông ở vùng Sơn Nam, Hưng Yên ngày nay. Gia đình ông phiêu dạt và vào định cư ở làng Tả Ao, xã Xuân Giang, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Thậm chí còn có nhiều ý kiến cho rằng ông sinh ra và sống vào thời vua Lê chúa Trịnh thế kỷ thứ XVII?... 

Đây là trường hợp hiếm hoi một nhân vật nổi danh trong dân gian cách ngày nay không quá xa mà lai lịch lại mang vẻ huyễn hoặc như thế. Việc Tả Ao học được nghề chữa bệnh mắt và học nghề phong thủy cũng có nhiều giả thuyết.

Làng cổ ở Hưng Yên từng được thánh địa lý Tả Ao trấn yểm phát về khoa cử, buôn bán giàu có - Ảnh 2.

Đường vào làng Nam Trì ngày nay đã được bê tông hóa phẳng lì, hai bên đường san sát nhà dân. Ảnh: HĐ

Tả Ao đã cứu được một thầy địa lý người Trung Quốc sắp chết đuối trên sông Phù Thạch. Người thầy đó trả ơn bằng vàng bạc, nhưng Tả Ao không nhận chỉ xin thầy địa lý truyền nghề cho mình. 

Nhìn tướng mạo Tả Ao biết là người ngay thẳng và rất tốt bụng, ông thầy đó đã đồng ý thu nạp làm học trò. Nhưng giả thuyết thứ hai nghe ra có vẻ được dân gian đồng tình hơn và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tả Ao sinh ra trong một gia đình nghèo. 

Cha ông mất sớm. Mẹ thì mù lòa. Thương mẹ và muốn chữa mắt cho mẹ, Tả Ao đã đến làm thuê cho một thầy lang bốc thuốc người Tầu đang hành nghề ở địa phương. Với mong muốn kiếm tiền và học nghề của thầy để chữa mắt cho mẹ nên Tả Ao đã rất chăm chỉ và hiếu thảo. 

Người thầy lang cảm mến đức độ của Tả Ao nên khi trở về nước ông đem theo Tả Ao để truyền nghề cho. Khi tay nghề của Tả Ao đã vững, một lần thầy sai ông chữa bệnh cho một nhà địa lý bị mù mắt. Tả Ao đã chữa khỏi và được thầy địa lý kia rất cảm kích.

Thầy địa lý người Tàu ấy đã truyền nghề phong thủy cho ông. Tả Ao học rất sáng dạ. Ông đã lĩnh hội được tất cả những gì tinh túy nhất thiên tài phong thủy của thầy. 

Đó là khả năng xem thế đất để dựng nhà, làm các công trình tâm linh như đình, chùa...để người trong làng trong xã đó học hành tấn tới, làm ăn may mắn hanh thông. 

Làng cổ ở Hưng Yên từng được thánh địa lý Tả Ao trấn yểm phát về khoa cử, buôn bán giàu có - Ảnh 3.

Theo ông Vũ Văn Sơn, thủ từ đình - đền Nam Trì, đền được người dân trong làng phát tâm xây dựng lại cùng với đình năm 2007. Ảnh: HĐ

Chọn huyệt đất để táng hài cốt người quá cố khiến mộ kết và con cháu sau này phát tài, phát lộc. Cho tới việc đặt hướng bàn thờ, hướng bếp cho người sống trong nhà khỏe mạnh, thành đạt, chọn mạch đất đào giếng được mạch nước trong lành... 

Trước khi ông về nước, người thầy lập ra 100 huyệt mộ. Giấu dưới đó 100 đồng tiền xu và bảo Tả Ao tìm huyệt để thử tài ông. Tả Ao đã cắm trúng 99 cái kim vào 99 lỗ đồng xu, chỉ trật một cái do đó là huyện mộ ảo. Thấy thế thày địa lý thốt lên: người này học hết các tuyệt chiêu phong thủy của ta rồi. Từ biệt thầy thuốc và thày địa lý, Tả Ao về nước và chữa khỏi bệnh mù cho mẹ. 

Từ đó ông chuyên tâm chữa bệnh, chữa mắt cho mọi người. Chợt một hôm ông nhớ lời thày địa lý Tàu dặn trước khi ông về nước rằng nếu có đến dãy núi Hồng Lĩnh thì đừng trèo lên trên. Vừa tò mò vừa thắc mắc, một lần đi hái thuốc Tả Ao đã trèo lên núi thì nhận ra trên đó có một kiểu đất rất đẹp "cửu long tranh châu" chín con rồng tranh ngọc.

Đó chính là huyệt đế vương. Thì ra thầy dặn mình không lên núi là vì lý do này. Tả Ao bèn đem hài cốt thân phụ táng vào đấy. Sau đó vợ ông sinh ra một người con trai. Ở bên Tầu các nhà địa lý đêm đêm xem thiên văn nhận ra vượng khí các vì tinh tú đều chầu về nước Nam thì biết nơi ấy đã có người đem hài cốt táng vào huyệt đế vương. 

Làng cổ ở Hưng Yên từng được thánh địa lý Tả Ao trấn yểm phát về khoa cử, buôn bán giàu có - Ảnh 4.

Trong gian chính đền Nam Trì ở xã Đặng Lễ, huyện Ân Thi (Hưng Yên) đang thờ Thánh tổ địa lý Việt Tả Ao. Ảnh: HĐ

Vua nhà Minh lo lắng lắm. Ông ta ra lệnh ai đã truyền nghề địa lý cho Tả Ao thì phải sang nước Nam mà yểm phá huyệt đó đi. 

Nếu không làm được sẽ bị chu di tam tộc. Ông thầy địa lý của Tả Ao biết đó là do học trò mình không nghe lời dặn. Ông ta cho con trai của mình sang nước Nam tìm cách phá huyệt đế vương trên núi Hồng Lĩnh và bắt cóc con trai Tả Ao đem về Tầu. 

Sau này Tả Ao còn một dịp phát hiện ra huyệt hàm rồng ngoài một hòn đảo. Huyệt đó 500 trăm năm mới mở miệng một lần trong một giờ. Tả Ao định đem hài cốt mẹ ra táng vào huyệt đó nhưng lúc đến bờ biển thì sóng to bão lớn thuyền không thể ra đảo được. Biết trời không cho, Tả Ao sinh ra phẫn chí. 

Ông rời quê chu du đây đó bốc thuốc chữa bệnh, xem huyệt, đặt mộ định hướng đình, hướng nhà... cho người dân. 

Người đời có lời hát ngợi ca ông: "Tả Ao phong thủy nhất trên đời/ Họa phúc cầm cân định chẳng sai/ Mắt Thánh trông xuyên ba thước đất/ Tay Thần xoay chuyển bốn phương trời/ Chân đi long, hổ luồn qua gót/ Miệng gọi trâu dê ứng trả lời/ Ai muốn cầu sao cho được vậy/ Địa lý ai bằng được Tả Ao".

Di sản Tả Ao để lại còn mấy quyển viết bằng Hán Nôm như: Tả Ao chân truyền di thư; Tả Ao chân truyền tập; Tả Ao tiên sinh địa lý; Tả Ao tiên sinh bí truyền gia bảo chân tàng; Tả Ao chân truyền địa lý (5 tập )...Những tác phẩm này hiện được lưu giữ tại viện Hán Nôm. 

Tuy nhiên cũng có sách nói Tả Ao chỉ để lại hai tập sách mỏng là: Địa đạo diễn ca, gồm 120 câu thơ và cuốn Dã đàm, chỉ gồm ít trang văn xuôi. Người đời sau dựa vào đó biên soạn, tạo tác ra nhiều tác phẩm ăn theo Tả Ao.

Làng cổ ở Hưng Yên từng được thánh địa lý Tả Ao trấn yểm phát về khoa cử, buôn bán giàu có - Ảnh 5.

Tượng thờ Thánh tổ địa lý Tả Ao được thờ trong đền Nam Trì ở xã Đặng Lễ, huyện Ân Thi (Hưng Yên). Ảnh: HĐ

Đức Tả Ao về Nam Trì giúp dân lập làng

Lại nói về đất Nam Trì, đức Tả Ao về đây và cư ngụ 17 năm. Tương truyền thời chu du thiên hạ với nghề địa lý phong thuỷ chính tông, đức Tả Ao qua đất Nam Trì vào một ngày mưa to nước lớn, nước ngập mênh mang, đổ cả cây đa cổ thụ đầu làng. 

Ở phía Nam làng có mạch nước ngầm phun lên ngập lụt cả một vùng vốn là hồ ao. Dân làng sợ ngập mất làng phải mang cối đá, cả tảng đá to như cái chiếu lấp xuống để bịt mạch nước ngầm này. Ông bèn dừng chân cư ngụ. 

Làng cổ ở Hưng Yên từng được thánh địa lý Tả Ao trấn yểm phát về khoa cử, buôn bán giàu có - Ảnh 6.

Trước cửa đền Nam Trì có xây dựng một gác nhỏ để bàn mô phỏng bát quát phong thủy xưa của Thánh tổ địa lý Tả Ao. Ảnh: HĐ

Tại Nam Trì, Ngài đã giúp dân làng lập lại làng, chuyển đền, chuyển chùa mới về chỗ Ao Vọng hình bán nguyệt. Trong đền Nam Trì có câu đối của Ngài tả về địa lý, phong thuỷ làng Nam Trì: Tây lộ khê lưu kim tại hậu – Đông giang thuỷ tụ mộc cư tiền. 

Tương truyền Ngài đã tìm huyệt, cắm đất mộ phần cho họ Đinh tại gò Tam Thai vượng về võ tướng. Đến năm Quảng Hoà thứ 10 – 1544 thời Mạc Phúc Hải , con cháu họ Đinh là Đinh Tú đỗ Tiến sĩ, được bổ nhiệm làm quan, chức Hiến Sát xứ Hải Dương và phong tước Phù Nham bá. 

Ngài còn cắm đất, chọn ngày xây đình chùa, đặt mồ mả để cho các làng Thổ Hoàng, chợ Thi và Hới phát về đường khoa cử, buôn bán giàu có nên lưu truyền trong dân gian câu ngạn ngữ Nhất Thi nhì Hới.

Làng cổ ở Hưng Yên từng được thánh địa lý Tả Ao trấn yểm phát về khoa cử, buôn bán giàu có - Ảnh 7.

Trước cửa đền Nam Trì có xây dựng một gác nhỏ để bàn mô phỏng bát quát phong thủy xưa của Thánh tổ địa lý Tả Ao. Ảnh: HĐ

Lúc già yếu, Ngài cũng đã chọn cho mình chỗ an táng kiểu đất Nhất khuyển trục quần dương ở xứ Đồng Khoai. Nếu táng được ở đây thì chỉ 3 ngày sẽ thành Địa Tiên. 

Khi biết sắp chầu Tiên tổ Ngài bảo 2 con khiêng đặt vào chỗ ấy, sẽ tự phân kim, dặn con cứ thế mà làm. Mới được nửa đường, biết là sẽ chết trước khi đến nơi nên Ngài bèn chỉ đại 1 gò bên đường mà dặn con rằng: Chỗ kia là ngôi Huyết thực, bất đắc dĩ thì cứ táng ở đó, sẽ được cúng tế. Hai con bèn táng luôn ở đó.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem