Khung hình phạt với các đối tượng tổ chức chức mang thai hộ hưởng lợi từ 500 – 800 triệu đồng

Phi Long Thứ bảy, ngày 27/04/2024 07:01 AM (GMT+7)
Luật sư Hoàng Anh Sơn – Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Anh Sơn, thuộc Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh đã phân tích dưới góc độ pháp lý về vấn đề này.
Bình luận 0

Ngày 25/4, Công an huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho biết đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 4 đối tượng về tội danh "Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại" theo khoản 2 Điều 187 Bộ luật Hình sự.

Cụ thể 4 đối tượng bị khởi tố, bắt tạm giam, gồm: Triệu Thị Kim Thảo (SN 1990 ở thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng); Phạm Quốc Tuấn (SN 1990 ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội); Nguyễn Thị Thanh Loan (SN 1993 ở huyện Bình Chánh, TPHCM) và Trần Ngọc Nam (SN 1995 ở quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) về tội danh "Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại" theo khoản 2 Điều 187 Bộ luật Hình sự.

Khung hình phạt với các đối tượng tổ chức chức mang thai hộ hưởng lợi từ 500 – 800 triệu đồng- Ảnh 1.

Hai đối tượng cầm đầu đường dây mang thai hộ. Ảnh: CA

Trước đó, ngày 10/4, Công an huyện Sóc Sơn cùng Công an phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) kiểm tra ngôi nhà trọ số 32/37 ngõ 204 Xuân Đỉnh đã phát hiện có 7 phụ nữ đang sinh sống trong ngôi nhà này. Trong đó có 3 phụ nữ đang mang thai, 1 phụ nữ đã cấy phôi thai… Bước đầu cơ quan Công an làm rõ, những phụ nữ này đều được một đường dây nuôi để thực hiện hành vi phạm tội. Trong đó, Thảo và Tuấn có vai trò là chủ mưu còn Loan và Nam giữ vai trò giúp sức.

Các đối tượng này thông qua mạng xã hội, tìm các gia đình hiếm muộn, những phụ nữ không có khả năng làm mẹ để môi giới với giá 800 triệu đến 1,2 tỷ đồng/ca mang thai. Sau đó các đối tượng lấy phôi rồi liên hệ với các phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn đặt vấn đề mang thai hộ với giá khoảng 300 triệu đồng/ca. Trót lọt mỗi vụ việc, các đối tượng hưởng lợi từ 500-800 triệu đồng.

Luật sư Hoàng Anh Sơn cho biết, dù khoa học, kỹ thuật về hỗ trợ sinh sản hiện nay khá phát triển nhưng vẫn chưa thể giải quyết được hết những vấn đề về sinh sản đối với những cặp vợ chồng vô sinh. Trong bối cảnh tình trạng vô sinh hiếm muộn xảy ra ngày càng nhiều và có xu hướng tăng cao thì chế định mang thai hộ được Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 ghi nhận là một bước đột phá trong công tác lập pháp, mở ra cơ hội được làm cha, làm mẹ cho nhiều cặp vợ chồng không thể sinh con.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều đối tượng lại lợi dụng việc này để thực hiện hành vi vi phạm, dụ dỗ những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn để mang thai hộ, lợi dụng sự khó khăn của nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn để thu lợi bất chính lên đến hàng tỷ đồng.

Vừa qua, trên các diễn đàn đồng loạt đăng tin vụ việc triệt phá đường dây mang thai hộ để thu lợi với giá tiền tỷ ở Hà Nội. Vậy mang thai hộ là gì, có vi phạm pháp luật hay không? Mức xử phạt đối với hành vi này là gì?

Mang thai hộ là gì?

Theo Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định mang thai hộ được hiểu dưới hai hình thức là mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và mang thai hộ vì mục đích thương mại.

Cụ thể khoản 22, 23 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 giải thích về việc mang thai hộ như sau:

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo: Là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai hộ cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ thai trong ống nghiệm, sau đó được cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai, để người này mang thai và sinh con.

Mang thai hộ vì mục đích thương mại: Là việc một người mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để hưởng lợi về kinh tế hoặc một lợi ích khác.

Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản. Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện theo quy định và người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây: Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng; Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý (Quy định tại Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình 2014; khoản 3 Điều 1 Nghị định 98/2016/NĐ-CP).

Mức xử phạt đối với hanh vi mang thai hộ trái luật

Theo quy định hiện nay, pháp luật cho phép việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo nhưng việc thực hiện phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt của pháp luật. Và đặc biệt nghiêm cấm việc mang thai hộ vì mục đích thương mại, điều này được quy định rõ tại tại điểm g, khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014, cấm thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính.

Hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại nếu chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể tại Điều 60 Nghị định 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã như sau:

Phạt tiền từ 05-10 triệu đồng đối với hành vi thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, sinh sản vô tính, mang thai hộ vì mục đích thương mại.

Ngoài ra còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm trên là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được.

Trường hợp đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì những người có hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại quy định tại Điều 187 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:

Người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Mức phạt cao nhất cho tội này có thể bị phạt từ lên đến 05 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01-05 năm.

Moặt khác, tại Khoản 2, Điều 187, Bộ  luật Hình  sự 2015, tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại mà cơ quan chức năng đã khởi tố quy định: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

Đối với 02 người trở lên; Phạm tội 02 lần trở lên; Lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức; Tái phạm nguy hiểm.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem