Hội Nông dân Nam Định tiếp tục vận động hiệu quả tăng trưởng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân

Mai Chiến Chủ nhật, ngày 28/01/2024 07:00 AM (GMT+7)
Phóng viên Báo điện tử Dân Việt có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Hùng Mạnh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nam Định về phương hướng, nhiệm vụ, công tác xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân… của các cấp Hội Nông dân trong nhiệm kỳ mới.
Bình luận 0
Hội Nông dân Nam Định tiếp tục vận động hiệu quả tăng trưởng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hùng Mạnh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nam Định. Ảnh: Mai Chiến.

 Quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội ngay từ đầu nhiệm kỳ

-Sau thành công Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh Nam Định lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Nam Định đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ XI cho đội ngũ cán bộ, hội viên nông dân ra sao, thưa ông?

Ngay sau khi Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Nam Định lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028 tổ chức thành công, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai xây dựng quy chế làm việc, chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành và phân công nhiệm vụ ủy viên Ban chấp hành Hội Nông dân tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2023 -2028.

Nhằm tuyên truyền Nghị quyết đến đông đảo cán bộ, hội viên nông dân nắm vững ý nghĩa, tầm quan trọng và những nội dung cơ bản của Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 01-KH/HNDT ngày 19/10/2023 về Tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác Hội và quán triệt triển khai Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Theo đó, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức 8 hội nghị học tập quán triệt, triển khai Nghị quyết cho trên 2.000 cán bộ, hội viên của 10/10 đơn vị huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

-Vậy nhiệm kỳ 2023 - 2028, Hội Nông dân tỉnh Nam Định đã đề ra phương hướng, mục tiêu gì trong công tác Hội và phong trào nông dân?

Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028 diễn ra trong thời điểm Đảng bộ, quân và dân toàn tỉnh đang ra sức thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX. Trong những năm tới, công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh Nam Định được tiến hành trong bối cảnh có nhiều thời cơ, thuận lợi cùng với những khó khăn, thách thức đan xen tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Trong đó, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 19 Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương Đảng khóa XIII làm thay đổi căn bản, toàn diện nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tỉnh Nam Định đã và đang chú trọng đầu tư nhiều dự án, công trình trọng điểm trong giai đoạn 2021 - 2025 đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa, cùng với đó công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu tiếp tục đạt được nhiều thành tựu mới, đó là tiền đề, động lực cho sự phát triển nông thôn Nam Định, là điều kiện thuận lợi cho tổ chức Hội hoạt động.

Hội Nông dân Nam Định tiếp tục vận động hiệu quả tăng trưởng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân- Ảnh 2.

Hội Nông dân huyện Nghĩa Hưng tổ chức hội nghị học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Nam Định lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028 cho cán bộ, hội viên. Ảnh: Mai Chiến.

Với phương châm "Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, phát huy vai trò chủ thể, trọng tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu", nhiệm kỳ 2023 - 2028, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh triển khai một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một là, xây dựng Hội Nông dân Nam Định trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Hội hướng về cơ sở với phương châm "Phục vụ nông dân, sát nông dân, được nông dân tin cậy". Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội các cấp có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, tâm huyết với công tác Hội và phong trào nông dân, tận tụy phục vụ nông dân; đa dạng các hình thức tập hợp, thu hút và kết nạp hội viên vào tổ chức Hội. Nâng cao chất lượng hội viên, sinh hoạt Hội, xây dựng và củng cố cơ sở Hội vững mạnh toàn diện.

Hai là, đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết nông dân. Tuyên truyền, phổ biến kịp thời tới cán bộ, hội viên nông dân về chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, trọng tâm là vận động nông dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, tuyên truyền các Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX, Nghị quyết đại hội Hội Nông dân các cấp.

Đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nâng cao năng lực làm chủ của nông dân.

Ba là, tiếp tục nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua trong nông dân. Đẩy mạnh thực hiện phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững"; "Nông dân chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu". Tuyên truyền, giáo dục làm chuyển biến nhận thức của hội viên, nông dân về sản xuất phải gắn với thị trường; thay đổi tư duy kinh tế từ sản xuất nhỏ sang sản xuất lớn, liên kết, hợp tác, tham gia xây dựng các mô hình cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến; nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh của sản phẩm và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Phối hợp với các doanh nghiệp, liên kết với hợp tác xã và hộ sản xuất kinh doanh giỏi hình thành các chuỗi khép kín từ khâu sản xuất nguyên liệu tới chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp.

Hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã, chi, tổ Hội nông dân nghề nghiệp, mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị hoạt động hiệu quả trong nông nghiệp, nông thôn.

Bốn là, xây dựng người nông dân Nam Định văn minh, có kiến thức, kỹ năng sản xuất, kinh doanh, năng lực đổi mới, sáng tạo, hợp tác, có trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật và nếp sống văn minh; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên, phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong tham gia phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, tích cực tham gia bảo vệ môi trường nông thôn, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương.

Năm là, nâng cao chất lượng hoạt động tham gia giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; tiếp tục xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; là cầu nối tin cậy giữa nông dân với Đảng và Nhà nước; đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; góp phần mục tiêu đến năm 2030, Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước.

Hội Nông dân Nam Định tiếp tục vận động hiệu quả tăng trưởng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân- Ảnh 3.

Hội Nông dân tỉnh Nam Định phát động trồng hàng cây nông dân chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Ảnh: Mai Chiến.

-Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân tỉnh Nam Định lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028 đã đề ra 15 chỉ tiêu cụ thể. Để thực hiện hoàn thành mục tiêu tiêu trên, xin ông cho biết thời gian tới Hội Nông dân tỉnh Nam Định sẽ triển khai, thực hiện những giải pháp nào?

Thứ nhất, xây dựng Hội Nông dân Nam Định trong sạch, vững mạnh. Cụ thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy Hội Nông dân các cấp tinh gọn, hoạt động hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ Hội đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; phát triển và nâng cao chất lượng hội viên.

Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của hội nông dân các cấp, hướng mạnh về cơ sở. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng

Thứ hai, xây dựng người nông dân Nam Định phát triển toàn diện. Theo đó, nâng cao nhận thức chính trị, hiểu biết pháp luật, trách nhiệm cộng đồng, kiến thức, trình độ, tư duy hợp tác, liên kết trong sản xuất, kinh doanh.

Vận động, hướng dẫn hội viên nông dân thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng cộng đồng dân cư nông thôn tiên tiến, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Vận động, hỗ trợ hội viên nông dân tham gia thực hiện các chính sách, chương trình an sinh xã hội.

Thứ ba, phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu.

Trong đó, đẩy mạnh phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững". Vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu.

Hỗ trợ hướng dẫn hội viên nông dân phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, mô hình liên kết hợp tác theo chuỗi giá trị; các mô hình kinh tế hiệu quả trong nông nghiệp, nông thôn. Hướng dẫn, hỗ trợ hội viên nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn; tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số.

Thứ tư, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá và tiêu thụ nông sản, hàng hóa cho nông dân. Củng cố hoạt động của Trung tâm hỗ trợ nông dân; tổ chức tốt các hoạt động cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp cho nông dân.

Tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ mới, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghề cho nông dân. Nâng cao hiệu quả hoạt động cung cấp tín dụng, hỗ trợ vốn cho nông dân. Đẩy mạnh phổ biến, tư vấn, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân.

Thứ năm, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân. Theo đó, phát huy vai trò của các cấp hội tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động tham gia giám sát và phản biện xã hội. Tích cực tham gia xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân.

Thứ sáu, tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân.

Đẩy mạnh phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân

Hội Nông dân Nam Định tiếp tục vận động hiệu quả tăng trưởng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân- Ảnh 4.

Hội Nông dân huyện Nghĩa Hưng giải ngân vốn Quỹ HTND tỉnh cho hội viên nông dân xã Nghĩa Tân (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định). Ảnh: Mai Chiến.

-Quỹ Hỗ trợ nông dân là một trong những chỉ tiêu cơ bản được đề ra tại Nghị quyết các kỳ Đại hội, những năm qua Hội Nông dân tỉnh Nam Định đã xây dựng và tăng trưởng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân như thế nào?

Ngày 19/3/2019, Hội Nông dân tỉnh đã ban hành Đề án số 01 về "Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ HTND các cấp tỉnh Nam Định, giai đoạn 2019-2023". Qua đó chỉ đạo công tác xây dựng và tăng trưởng vốn, hỗ trợ vay vốn theo mô hình để xây dựng các mô hình kinh tế tập thể.

Kết quả hiện nay có 10/10 huyện, thành Hội có Quỹ HTND; 209/209 cơ sở đã thành lập Ban Vận động Quỹ HTND (trong đó thành lập mới 27 ban vận động). Tổng nguồn vốn các cấp trong tỉnh đang quản lý là 35 tỷ 690,687 triệu đồng; trong đó nguồn Trung ương Hội ủy thác 14,9 tỷ đồng; nguồn tỉnh 4,6 tỷ đồng; nguồn huyện 7 tỷ 992,54 triệu đồng; nguồn vốn do HND xã vận động 8 tỷ 98,14 triệu đồng. Với số vốn trên hiện cho vay 326 dự án với tổng số hộ vay là 1.567 hộ.

So với đầu nhiệm kỳ, Quỹ HTND các cấp đã tăng trưởng được 11 tỷ 997 triệu đồng (Vượt chỉ tiêu tăng trưởng 10% mỗi năm theo Nghị quyết đại hội). Năm 2022, được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh ủy, Hội Nông dân tỉnh đã phát động cuộc vận động ủng hộ Quỹ HTND tỉnh trên quy mô toàn tỉnh. Kết quả, toàn tỉnh đã vận động được 3,21 tỷ đồng sau một tháng phát động, vượt kế hoạch đề ra.

Qua đó đã thành lập được 137 mô hình Chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp với 1.809 thành viên (tăng 126 mô hình so với đầu nhiệm kỳ), 207 mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác khoảng 2.600 thành viên tham gia; giải quyết việc làm cho trên 5.000 lao động. Nguồn vốn vay sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và giúp cho hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, các dự án được đầu tư đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực.

Tuy nhiên bên cạnh đó, việc tăng trưởng Quỹ HTND còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, tổng nguồn vốn của từng cấp hiện nay vẫn ở quy mô thấp so với nhiều tỉnh. Việc tăng trưởng chưa đều qua các năm.

Công tác huy động nguồn vốn, xây dựng và tăng trưởng nguồn Quỹ HTND ở một số cơ sở Hội còn mức độ, chưa đáp ứng nhu cầu của địa phương. Đến nay còn 2 huyện chưa có nguồn bổ sung từ ngân sách, còn 5 cơ sở đã có Ban vận động nhưng chưa vận động được nguồn vốn.

Để xây dựng và tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND trong thời gian tới, Hội Nông dân sẽ xây dựng Đề án về hoạt động Quỹ HTND để thực hiện Nghị định số 37/2023/NĐ – CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động Quỹ HTND. Từ đó hàng năm xây dựng kế hoạch tiếp tục đề xuất vận động tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND từ nguồn ngân sách và nguồn vận động.

Với nguồn vốn hiện có tiếp tục hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất kinh tế tập tổ hợp tác, hợp tác xã, chi tổ hội nghề nghiệp… Đồng thời đảm bảo an toàn vốn vay, nâng cao chất lượng tín dụng, hiệu quả sử dụng vốn thông qua: Đẩy mạnh hỗ trợ tập, chuyển giao tiến bộ huấn khoa học, đẩy mạnh chuyển đổi số hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản.

Xin cảm ơn ông !

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem