Hội Nông dân Lâm Đồng hướng dẫn nông dân nuôi sâu canxi, bảo vệ môi trường, tăng thu nhập

Văn Long Thứ tư, ngày 03/04/2024 11:41 AM (GMT+7)
Với mô hình nuôi sâu canxi do Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật, người dân tại các huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên, Đức Trọng đã có thêm nguồn thức ăn chăn nuôi dồi và góp phần bảo vệ môi trường.
Bình luận 0

Ngày 2/4, bà Hồ Thị Bích Linh - Trưởng Ban Kinh tế - Xã hội, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho biết, sau khoảng 1 năm khởi động, Dự án "tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế" tại tỉnh Lâm Đồng đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Hiện nay, mô hình nuôi sâu canxi do Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng thực hiện hướng dẫn người dân nằm trong đề án đã mang lại hiệu quả, giúp người nhiều gia đình tại các huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đức Trọng có thêm nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho vật nuôi. Đồng thời, việc nuôi sâu canxi cũng đáp ứng yêu cầu của đề án là xử lý rác thải, bảo vệ môi trường cho người dân.

Hội Nông dân Lâm Đồng hướng dẫn nông dân nuôi sâu canxi, bảo vệ môi trường, tăng thu nhập- Ảnh 1.

Nhiều chương trình thuộc Dự án "tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế" tại tỉnh Lâm Đồng đạt kết quả khả quan.

Bà Linh cho biết, sâu canxi là loại côn trùng có hàm lượng dinh dưỡng cao, được sử dụng làm thức ăn cho gia cầm và thủy sản rất tốt. Sâu canxi là ấu trùng của lính ruồi đen, đến giai đoạn trưởng thành thì sâu sẽ lột xác để trở thành lính ruồi đen. Giai đoạn này, vỏ kén của sâu để lại chứa rất nhiều canxi, bổ sung nguồn dinh dưỡng, canxi, rất tốt cho các loại vật nuôi.

Tại xã Tiên Hoàng (huyện Cát Tiên), hộ gia đình ông Phạm Xuân Hùng là hộ tiên phong trong mô hình nuôi sâu canxi. Ông Hùng cho biết, việc nuôi sâu canxi rất đơn giản, chỉ cần dùng hộp xốp, xô, chậu hay thùng nhựa để sâu trú ẩn. Trong khi đó, thức ăn chủ yếu của sâu canxi chính là chất thải của động vật, rau xanh thừa, phân gia xúc, gia cầm. Điều này đã giúp cho gia đình ông Hùng xử lý được lượng phân gà do gia đình chăn nuôi.

Hội Nông dân Lâm Đồng hướng dẫn nông dân nuôi sâu canxi, bảo vệ môi trường, tăng thu nhập- Ảnh 2.

Mô hình nuôi sâu canxi của người dân tại huyện Cát Tiên đang mang lại hiệu quả, vừa bảo vệ môi trường, vừa giúp người dân có nguồn thức ăn dồi dào cho vật nuôi.

"Gia đình tôi nuôi loại gà lai nhiều năm nay, để chúng phát triển tốt, phải bổ sung thêm thức ăn, cám cho gà. Tuy nhiên, nếu nuôi như vậy thì chi phí sẽ cao hơn, thu nhập của mình sẽ giảm đi. Chính vì vậy, khi được Hội Nông dân xã hướng dẫn mô hình nuối sâu canxi thì tôi đã xung phong thực hiện. Sau khi nhận ấu trùng, nuôi khoảng 2 tuần thì chúng đã sinh trưởng, phát triển lên rất nhiều, sau khoảng 4 tuần là đã có thể dùng sâu đó để cho gà của mình ăn được. Chính vì vậy, đàn gà của gia đình tôi đã lớn nhanh, thịt ăn ngọt, được khách hàng ưa chuộng và đặt mua", ông Phạm Xuân Hùng chia sẻ.

Trong khi đó, anh Nguyễn Đình Thi (xã Tiên Hoàng) cho biết, được sự hướng dẫn của cán bộ Hội Nông dân, anh đã cập nhật kiến thức nuôi sâu canxi khá kỹ. Khi mua ấu trùng sâu canxi về, anh dùng cám nuôi gà trộn với nước, đánh tơi rồi cho trứng sâu vào ủ. Sau 3 ngày, trứng sâu đã nở thì anh cho sâu ăn thêm hèm rượu trộn cám, 1 tuần sau là sâu đã trưởng thành. Khi sâu đã lớn sẽ được anh cho ăn các loại thức ăn như rau xanh dư thừa, phân bò, phân gà. Sau đó anh dùng sâu để làm thức ăn cho cá, ốc và gà của gia đình mình.

Hội Nông dân Lâm Đồng hướng dẫn nông dân nuôi sâu canxi, bảo vệ môi trường, tăng thu nhập- Ảnh 3.

Nguồn thức ăn của sâu canxi chủ yếu là thực phẩm dư thừa, rau xanh, phân chuồng...

Đánh giá của Hội Nông dân xã Tiên Hoàng, sâu canxi đã giúp cho nhiều hộ gia đình tại địa phương xử lý được lượng rác thải lớn khi chăn nuôi bò, gà, heo trong những năm qua. Ngược lại, người dân lại có thêm nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng cho vật nuôi, giảm chi phí trong chăn nuôi. Đặc biệt, mô hình đã giúp người dân địa phương giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, đảm bảo sức khỏe con người.

Ông Đa Cát Vinh – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho biết, Dự án "tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tổ chức Ủng hộ các giải pháp khu vực vì cộng đồng và hệ sinh thái (Quỹ BRACE) xây dựng và triển khai thực hiện trong 4 năm (từ 2021 - 2024) tại 15 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Gia Lai, Khánh Hòa, Bến Tre, Tiền Giang.

Hội Nông dân Lâm Đồng hướng dẫn nông dân nuôi sâu canxi, bảo vệ môi trường, tăng thu nhập- Ảnh 4.

Theo đánh giá của người dân, nuôi sâu canxi rất dễ nhưng lại mang lại hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường.

"Khu vực nông thôn của tỉnh Lâm Đồng đang chịu nhiều áp lực, trong đó lượng rác thải sinh hoạt gia tăng, nước sinh hoạt, chất thải từ hoạt động trồng trọt, chế biến lâm sản, nước thải từ các làng nghề... Hơn nữa, các loại chất thải chưa được thu gom và xử lý chưa đảm bảo an toàn về môi trường, do đó đã gây ô nhiễm suy thoái môi trường, làm mất cân bằng sinh thái.

Chính vì vậy, dự án được thực hiện nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, từng bước giải quyết việc lãng phí thức ăn dư thừa, chất thải chăn nuôi, giảm thiểu lượng rác thải gây ô nhiễm môi trường, từ đó giảm phát thải nhà kính", ông Đa Cát Vinh cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem