Hội giúp nông dân liên kết làm ăn

Thu Hà Thứ ba, ngày 31/01/2017 06:15 AM (GMT+7)
Những năm qua, với sự định hướng và hỗ trợ từ Hội ND tỉnh Hải Dương, nhiều tổ, nhóm ND liên kết, câu lạc bộ ND cùng sở thích đã được hình thành. Tham gia các hình thức kinh tế hợp tác này, ND không chỉ được đào tạo nghề bài bản mà còn được Hội hỗ trợ nhiều lĩnh vực khác trong sản xuất, kinh doanh.
Bình luận 0

LTS: Trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, khâu yếu nhất, nông dân (ND) dễ bị rủi ro nhất là tiêu thụ sản phẩm. Một phần nguyên nhân là ND sản xuất cá thể, manh mún, nhỏ lẻ. Nhằm giúp ND yên tâm sản xuất, những năm qua, Hội NDVN đã có nhiều giải pháp, triển khai các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ để giúp ND hình thành các mô hình kinh tế tập thể thông qua mối liên kết giữa ND giỏi với ND, giữa ND với doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Hội ND tỉnh Hải Dương là điển hình làm rất tốt mô hình này.

Triệu phú trên cánh đồng rau

img

Các thành viên trong Tổ ND liên kết trồng RAT thôn Lúa tất bật sơ chế, đóng thùng, cân và bốc xếp RAT.  Ảnh: T.H

Hội ND tỉnh Hải Dương đang quản lý 53,14 tỷ đồng nguồn vốn Quỹ HTND cho 3.449 hộ ND vay vốn. Hội ND cũng tín chấp với các ngân hàng cho 44.203 hộ ND vay với tổng dư nợ 1.422,3 tỷ đồng. Năm 2016, Hội ND tỉnh Hải Dương đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ lãi suất cho ND vay vốn mua máy móc vật tư nông nghiệp là 1,822 tỷ đồng, nâng tổng số tiền hỗ trợ lãi suất đến nay hơn 14 tỷ đồng. Trong năm, các cấp Hội ND tổ chức cung ứng 8.015 tấn phân bón trả chậm cho ND; phối hợp và tổ chức tập huấn, chuyển giao KHKT được 1.426 buổi cho 94.568 lượt hội viên. Toàn tỉnh có 182.531 hộ đăng ký phấn đấu trở thành hộ ND sản xuất kinh doanh giỏi, chiếm hơn 60% số hộ làm nông nghiệp. Qua bình xét có 150.385 hộ đạt danh hiệu ND sản xuất kinh doanh giỏi 4 cấp.

Chúng tôi đến thăm Tổ ND liên kết trồng rau an toàn (RAT) thôn Lúa xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc khi các thành viên đang tất bật sơ chế, đóng thùng, cân và bốc xếp rau ra những chiếc xe tải đợi sẵn ngoài ngõ. Trời lạnh nhưng ai nấy nhễ nhại mồ hôi, không khí phấn khởi vì năm nay rau được mùa, được giá.

Là một trong những thành viên chịu trách nhiệm thu mua rau cho tổ, anh Lê Thạc Bình cho biết, trước đây các hộ cũng mang rau đi các chợ đầu mối bán, mạnh ai nấy làm nên chỉ tiêu thụ rau với số lượng nhỏ. Từ ngày quy hoạch được vùng sản xuất trồng RAT tập trung, nhất là tham gia vào tổ liên kết do Hội ND thành lập, việc tiêu thụ rau thuận lợi vô cùng.  “Chúng tôi liên kết với nhau tạo sự hợp tác chặt chẽ với các mối tiêu thụ lớn ở Hải Dương. Hiện, trong tổ có đến 7 thành viên đứng ra làm đầu mối thu mua với số lượng rau lên đến hàng chục tấn mỗi ngày. Tổ cũng tạo công ăn việc làm cho hơn chục lao động đóng rau với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng” - anh Bình nhấn mạnh.

Anh Bình cho hay, hiện tổ liên kết trồng RAT thôn Lúa đã ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Hưng Việt tiêu thụ toàn bộ vùng trồng rau súp lơ với giá 4.000 đồng/cây. “Với mật độ trồng 1.500 cây súp lơ/sào, sau 3 tháng gieo trồng bà con thu về 6 triệu đồng/sào. Một năm chúng tôi trồng 3-4 vụ rau, mùa nào thức nấy. Chúng tôi bảo nhau “tấc đất tấc vàng” nên không để đất “nghỉ” bao giờ. Ở đây, hầu như cả làng đều là “triệu phú” trồng rau, nhiều gia đình thu về cả trăm triệu đồng không phải chuyện hiếm” -anh Bình phấn khởi khoe.

Nông dân mang bao tải đi nhận tiền…

Theo anh Bình, chỉ tính riêng trong tổ ND liên kết trồng RAT với 35 thành viên thì có đến 20 thành viên có thu nhập từ 200 triệu đồng/năm trở lên. “Cánh đồng RAT thôn Lúa cho thu nhập bình quân 300 triệu đồng/ha/năm. Gia đình ông Lê Thục Oai với 1 mẫu trồng RAT chỉ tính mỗi vụ đông năm 2016-2017 đã thu về 215 triệu đồng. Hay như gia đình anh Lê Văn Bàng là thành viên trồng RAT nhiều nhất tổ với diện tích 1ha, hôm rồi đến thanh toán 1 đợt bán rau với tổ nhận 1 “cục” hơn 100 triệu đồng, phải mang bao tải đi nhận tiền” - anh Bình phấn khởi nói.

Trao đổi với chúng tôi về tình hình địa phương, ông Nguyễn Văn Luổn – Chủ tịch Hội ND xã Đoàn Thượng cho hay, nghề trồng rau có ở địa phương từ gần 30 năm nay. Tuy diện tích trồng rau ở xã lớn, nhưng chủ yếu bà con làm ăn theo kiểu tự phát, mạnh ai nấy làm, chưa quy hoạch được vùng chuyên canh rau tập trung. Đầu năm 2016, UBND xã đã giao Hội ND xã thực hiện Đề án “Quy hoạch và xây dựng vùng rau, hoa, quả tập trung theo hướng an toàn tiến tới sạch phù hợp kinh tế nông nghiệp ven đô giai đoạn 2016 -2020”.

Theo đó, năm 2016, Hội ND xã chọn thôn Lúa làm điểm để xây dựng và hỗ trợ vùng trồng rau tập trung. Đến nay sau 1 năm thực hiện đề án, Hội ND xã đã đạt được những kết quả tích cực, thu nhập của ND trồng rau ở thôn Lúa được cải thiện rõ rệt. Hiện, thôn Lúa đã quy hoạch được 3 vùng sản xuất rau tập trung gồm vùng 1 trồng su hào với diện tích 18,5ha; vùng 2 trồng súp lơ với diện tích 7ha và vùng 3 trồng bắp cải, cần, tỏi với diện tích hơn 3ha.

Theo ông Luổn, để đề án đi vào thực tế trước tiên Hội ND xã phối hợp Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND thuộc Hội ND tỉnh mở 1 lớp dạy nghề trồng RAT cho 35 học viên. Đặc biệt, với mục đích tạo nơi để ND trao đổi kỹ thuật, hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm, ngay sau khi lớp học nghề kết thúc, Hội ND xã đã thành lập Tổ ND liên kết sản xuất rau an toàn và tiêu thụ sản phẩm cho ND với 35 thành viên tham gia tại thôn Lúa.

Để hỗ trợ ND, hàng năm Hội ND xã Đoàn Thượng đều phối hợp các doanh nghiệp uy tín cung ứng hơn 100 tấn phân bón theo hình thức trả chậm, riêng thôn Lúa lấy đến 20 tấn phân bón/năm. Ngoài cung ứng phân bón, Hội còn tích cực mở các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT, ứng dụng tiến bộ vào sản xuất, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm “Rau an toàn thôn Lúa”… “Việc tiêu thụ RAT thuận lợi nhờ 2 lý do chính. Một là do quy hoạch được vùng sản xuất RAT tập trung, quy mô lớn và có thương hiệu sẽ dễ tiêu thụ. Hai là, các thành viên trong tổ đã chủ động liên kết hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm” - ông Luổn nhấn mạnh. 

Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hỗ trợ

img

Trong năm 2016, các cấp Hội ND tỉnh Hải Dương đã xây dựng 285 mô hình tổ nhóm ND liên kết phát triển sản xuất. Hội đã hỗ trợ từ việc tổ chức tập huấn, chuyển giao KHKT, xây dựng các tổ, nhóm, CLB ND liên kết, cho vay vốn, phối hợp doanh nghiệp cung ứng trả chậm vật tư nông nghiệp đầu vào và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Thời gian tới, các cấp Hội ND tỉnh Hải Dương tiếp tục tích cực, chủ động các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ ND, trong đó tiếp tục khai thác hiệu quả Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND tỉnh.

Bà Phạm Thị Thu Bình – Chủ tịch Hội ND tỉnh Hải Dương

Góp phần nâng cao thu nhập của nhà nông

img

Trong những năm qua, Đảng ủy, UBND xã đánh giá cao vai trò của các cấp Hội ND, trong đó nòng cốt là Hội ND xã đã tích cực tuyên truyền, vận động và hỗ trợ ND về vốn, vật tư, dạy nghề, tập huấn khoa học kỹ thuật, xây dựng các tổ nhóm ND liên kết. Đặc biệt, Hội ND đã tích cực, chủ động đóng vai trò trung tâm trong liên kết 4 nhà rất hiệu quả. Nhiều năm qua, Hội ND xã đã thực sự “lăn xả” khi đứng ra phối hợp các doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp trả chậm cho ND, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Trần Thiều - Bí thư Đảng ủy xã Tân Dân (Chí Linh, Hải Dương)

Hỗ trợ sản xuất công nghệ cao

img

Tham gia CLB nuôi trồng thủy sản, tôi được học nghề, chuyển giao KHKT do Hội ND tổ chức, gia đình tôi đã chủ động được việc ương cá giống. Hiện, mỗi năm tôi sản xuất được 10 vạn giống cá rô phi đơn tính Đường Nghiệp, gia đình tôi nuôi 2 vạn con, số còn lại bán cho anh em trong CLB. Thời gian tới, tôi đề nghị các cấp Hội ND tiếp tục hỗ trợ ND về dạy nghề, chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng thủy sản hiện đại, nhất là vốn làm ăn.

Ông Bùi Đình Duân (CLB nuôi trồng thủy sản thôn Giang Hạ, xã Tân Dân)

Đức Thịnh (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem