Giá đất quanh khu vực xây dựng cầu Tứ Liên vẫn "sốt" nhưng thị trường đã bớt "nóng"

Thái Nguyễn Thứ tư, ngày 27/03/2024 11:30 AM (GMT+7)
Dự án cầu Tứ Liên nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh sắp được xây dựng là thông tin có thể khiến thị trường bất động sản quanh vùng trở nên sôi động. Tuy nhiên, giới bất động sản cho biết giá đất khu vực này đã "neo" cao trước đó khiến lượng giao dịch hạn chế.
Bình luận 0

Cầu Tứ Liên sắp xây dựng kéo giá đất xung quanh lên cao

Dự án xây dựng cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên sắp xây dựng nằm giữa cầu Nhật Tân và Long Biên, nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh, được UBND TP. Hà Nội giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Cầu Tứ Liên có tổng chiều dài khoảng 11,5km, từ nút giao Nghi Tàm đến nút giao Vành đai 3 (cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên), với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 20.000 tỷ đồng.

Giá đất quanh khu vực xây dựng cầu Tứ Liên vẫn "sốt" nhưng thị trường đã bớt "nóng"- Ảnh 1.

Giá đất quanh cầu Tứ Liên sắp xây dựng đã tăng cao từ nhiều năm qua (Ảnh: TN)

Bên cạnh đó, việc hình thành cây cầu trong nội đô bắc qua sông Hồng sẽ góp phần làm giảm ách tắc giao thông cho các tuyến từ nội thành lên các tỉnh phía Bắc, hình thành cửa ngõ thứ ba bên cạnh cầu Thăng Long và cầu Nhật Tân, từ Sân bay quốc tế Nội Bài về trung tâm thành phố. Cầu Tứ Liên cũng sẽ phục vụ trực tiếp cho việc phát triển đô thị Hà Nội lên phía Bắc, giãn mật độ dân cư trung tâm thành phố, góp phần vào sự phát triển bền vững của thành phố.

Theo ghi nhận của PV Dân Việt, giá nhà đất khu vực phường Tứ Liên (quận Tây Hồ) đã cao từ nhiều năm nay. Dự án cầu Tứ Liên đã có thông tin xây dựng và từ thời điểm năm 2021, giá đất đã tăng cao. Hiện nay, giá đất quanh khu vực phường Tứ Liên có mức rao bán từ 70 - 150 triệu đồng/m2, tùy vị trí mặt phố hoặc trong ngõ, chủ yếu là rao bán nhà đất, bởi đất trống không còn nhiều. Một số khu vực gần đường nối vào cầu Tứ Liên như: đường Nghi Tàm, đường Đê Quai,... có giá từ 50 - 90 triệu đồng/m2. 

Giá đất quanh khu vực xây dựng cầu Tứ Liên vẫn "sốt" nhưng thị trường đã bớt "nóng"- Ảnh 2.

Khu vực đường Đê Quai, quận Tây Hồ sát khu vực đường nối với cầu Tứ Liên (Ảnh: TN)

Trao đổi với anh P.N.L, môi giới bất động sản quận Tây Hồ cho biết, mặt tiền các phố lớn đều không có nhà rao bán vì khu vực này giá cho thuê để kinh doanh rất cao, người dân thường để cho thuê sẽ có lợi nhiều hơn. Chủ yếu là nhà ở trong các ngõ, ngách được rao bán, tùy vào vị trí, ngõ rộng, gần chợ, kinh doanh tốt thì giá lên tới 150 triệu/m2. Với những nhà riêng ở ngõ ngách nhỏ, sâu, xe ô tô không vào tận nơi được thì giá dao động 70 - 80 triệu đồng/m2. Mức giá này là đã tăng 10 - 15% so với thời điểm cách đây 1 năm. 

"Hầu như khu vực phường Tứ Liên hiếm đất trống rao bán, chủ yếu là bán nhà liền thổ. Mức giá rao bán đã tăng từ nhiều năm nay, tuy nhiên năm ngoái do thị trường khó khăn nên giá đất giảm khoảng 10 - 15% so với năm 2022, nhưng đến năm 2024 thì đã tăng lại và ngang với mức giá năm 2022 khi thị trường sốt đất", anh L chia sẻ.

Còn khu vực xây dựng cầu Tứ Liên tại xã Xuân Canh, Đông Hội (huyện Đông Anh), giá đất cũng đang ở mức cao sau đợt tăng "nóng" từ cuối năm 2023, thời điểm huyện Đông Anh có thông tin lên quận. Cụ thể, giá đất nền tại xã Xuân Canh được rao bán ở mức 55 - 70 triệu đồng/m2, tăng khoảng 20% so với thời điểm đầu năm 2023. 

Giá đất quanh cầu Tứ Liên "neo" cao nhưng giao dịch "ảm đạm"

Theo anh Văn Đoàn, nhà đầu tư bất động sản hơn 10 năm kinh nghiệm, giá đất huyện Đông Anh đã tăng mạnh từ thời điểm huyện được chính thức có thông tin lên quận và hiện tại rất khó tăng tiếp vì đã rất cao. Đa số nhà đầu tư sẽ chốt lời vào giai đoạn hiện nay sau thời điểm tăng giá liên tục nhưng cũng không dễ.

"Tôi nhận thấy giá đất huyện Đông Anh đã tăng từ giai đoạn năm 2021 - 2022, lúc đó thời điểm Hà Nội có thông tin quy hoạch sông Hồng, xây dựng cầu Tứ Liên, Thượng Cát bắc qua huyện. Trong năm 2023, thì giá đất chững và có giảm xuống vì ảnh hưởng bởi thị trường bất động sản khó khăn. Tuy nhiên, cuối năm 2023, giá đất lại tăng trở lại, có những nơi lên tới 100 triệu đồng/m2. Nhiều loại hình đất đấu giá cũng được săn đón ví thông tin lên quận của Đông Anh. Đến nay, giá đất vẫn ở ngưỡng cao nhưng giao dịch lại rất ít", anh Đoàn cho biết.

Giá đất quanh khu vực xây dựng cầu Tứ Liên vẫn "sốt" nhưng thị trường đã bớt "nóng"- Ảnh 3.

Giá bất động sản huyện Đông Anh tăng liên tục trong thời gian qua bởi nhiều thông tin quy hoạch tích cực (Ảnh: TN)

Nhiều chuyên gia bất động sản cho biết, cứ mỗi khi có một dự án, một thông tin quy hoạch nào được đưa ra là chỉ một thời gian ngắn sau, giá nhà đất được đẩy lên chóng mặt. Hiện tượng này từ lâu đã quá quen thuộc với thị trường bất động sản Việt Nam. Từ những mảnh đất đẹp, có giá trị đến những mảnh đất “khỉ ho cò gáy”, thậm chí vẫn là đồng ruộng, vườn cây đều được đẩy giá lên cao.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho biết, thị trường đất nền Đông Anh luôn nhận được đông đảo sự quan tâm của giới đầu tư bất động sản, từ nhà đầu tư nhỏ đến những "ông lớn" trong giới. Trong thời gian tới, Đông Anh lên quận sẽ mở ra thêm cơ hội cho thị trường khu vực này, giá bất động sản vì thế sẽ ngày càng tăng.

"Với bất kỳ thông tin quy hoạch nào có lợi cũng sẽ khiến giá đất tăng trưởng. Các công trình giao thông lớn sắp được khởi công như cầu Tứ Liên, sẽ mở ra vị thế của khu vực Đông Anh. Đây vừa là cơ hội nhưng cũng có rủi ro cho những nhà đầu tư bất động sản ngắn hạn. Vì thời điểm thị trường nóng lên nhiều người lại lao vào để kiếm lời mà không tìm hiểu rõ nguyên nhân và không có tầm nhìn xa. Do đó, nhiều nhà đầu tư mua vào giá đỉnh và chôn vốn, còn những người vay vốn ngân hàng để đầu tư thường phải cắt lỗ", ông Điệp phân tích.

Giá đất quanh khu vực xây dựng cầu Tứ Liên vẫn "sốt" nhưng thị trường đã bớt "nóng"- Ảnh 4.

Thị trường nhà đất Đông Anh gặp tình trạng khó thanh khoản bởi giá cao "chót vót" (Ảnh: TN)

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản Việt Nam đặc biệt nhạy cảm với thông tin quy hoạch do dữ liệu thông tin chưa được công khai, minh bạch. Hầu hết các thông tin quy hoạch quan trọng đều được “rỉ tai" theo hình thức "kín". Chính vì thể xảy ra không ít vụ người dân nháo nhào đổ xô đi "thu mua gom" bất động sản trước các thông tin quy hoạch, đặc biệt về giao thông.

"Ngay cả khi chưa được xác nhận, giao dịch mua bán, chuyển nhượng vẫn diễn ra sôi động khiến giá bán bất động sản không ngừng tăng. Nhà đầu tư rất dễ bị hiệu ứng dây chuyền, sẵn sàng "lao” vào thị trường một cách thiếu cân nhắc và tính toán. Khi giá đã vượt xa giá trị thực, rất dễ bị chôn vốn. Hệ lụy là, giá nhà, đất chưa đến tay người có nhu cầu thực đã bị "thổi" lên nhiều lần", ông Đính cảnh báo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem