Chứng khoán Châu Á thận trọng trước căng thẳng thương mại, chính trị leo thang

17/06/2019 10:58 GMT+7
Hàng loạt căng thẳng thương mại, chính trị đang thúc đẩy quan ngại suy thoái kinh tế toàn cầu, khiến thị trường chứng khoán có những diễn biến đầy thận trọng.

Thị trường chứng khoán Châu Á sáng 17.6 đã có màn khởi đầu đầy thận trọng ngay trước phiên họp tháng 6 của Ủy ban Thị trường mở FOMC (FED), liên quan đến các phản ứng điều tiết nền kinh tế trước thương chiến Mỹ Trung. Cùng với đó, các căng thẳng dầu mỏ tại Trung Đông và chính trị Hong Kong cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro lớn với kinh tế toàn cầu.

Chỉ số MSCI khu vực Châu Á Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) giảm nhẹ tại phiên mở cửa trong khi chỉ số Nikkei giữ vững mức điểm từ phiên trước.

Hồi thứ 6 tuần trước, chứng khoán phố Wall đã chứng kiến mức giảm nhẹ, cũng do sự thận trọng của các nhà đầu tư trước phiên họp của Ủy ban thị trường mở FOMC thuộc FED dự kiến diễn ra hôm 18-19.6 tới đây. Mọi con mắt đang đổ dồn vào cuộc họp của FOMC, nhưng kỳ vọng về việc FED cắt giảm lãi suất trong tháng 6 gần như bằng 0, theo nhiều chuyên gia phân tích kinh tế.

Nhiều khả năng FED đang chờ đợi những diễn biến bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 trước khi đưa ra các quyết định điều tiết nền kinh tế. Dự báo của Broadcom về mức giảm 2 tỷ USD doanh thu do lệnh hạn chế thương mại Huawei cũng khiến giá cổ phiếu ngành công nghiệp sản xuất chip giảm mạnh.

Bảng chỉ số chứng khoán Nikkei trên đường phố Nhật Bản 

Cùng với mối quan ngại căng thẳng thương mại là sự cố hai tàu chở dầu trên vùng vịnh Oman và bất ổn chính trị tại Hong Kong làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chia sẻ với Fox News, nhiều khả năng cuộc hội đàm dự kiến giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại G20 sẽ đề cập đến cả hai vấn đề: căng thẳng thương mại và nhân quyền tại Hong Kong. Dự kiến, Hội nghị Thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra trong hai ngày 28-29.6 tại Osaka, Nhật Bản.

Giá dầu cũng tiếp tục tăng vào phiên giao dịch hôm Thứ Hai sau khi sự cố 2 tàu chở dầu vào tuần trước làm dấy lên mối lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung tiềm năng. Giá dầu Brent kỳ hạn tăng 0.2% lên mức 62.13 USD/ thùng, trong khi giá dầu WTI tăng 0.2% lên mức 52.60 USD/ thùng. Mức tăng nhẹ không đủ bù lại mức giảm hàng tuần mạnh mẽ vì nguy cơ nhu cầu dầu toàn cầu giảm do tác động của tranh chấp thương mại.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục