"Cầu nối" mở lối thoát nghèo cho hàng ngàn người dân Đắk Lắk

Thư Anh Thứ bảy, ngày 20/04/2024 05:39 AM (GMT+7)
Từ chương trình chính sách tín dụng ưu đãi, hàng ngàn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Ðắk Lắk có cuộc sống ổn định, vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo hằng năm của tỉnh, nhất là tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bình luận 0

Kịp thời "tiếp sức" hộ nghèo

Gia đình anh Y Iêm Kbuôr (buôn Bling, xã Cư Mgar, huyện Cư Mgar, Đắk Lắk) thuộc diện hộ nghèo, không có đất sản xuất, kinh tế phụ thuộc vào việc đi làm thuê nên rất bấp bênh. Năm vừa qua, thông qua buôn trưởng và tổ tiết kiệm vay vốn của buôn, gia đình anh Y Iêm được bình xét trong danh sách hỗ trợ vay chuyển đổi nghề để phát triển kinh tế theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP.

"Cầu nối" mở lối thoát nghèo cho hàng ngàn người dân Đắk Lắk - Ảnh 1.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Búk, Đắk Lắk khảo sát nhu cầu vay vốn của người dân. Ảnh: Thư Anh

Được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư Mgar giải ngân với số tiền 100 triệu đồng, cùng vốn tích cóp của gia đình, anh Y Iêm đã mua một xe cày trị giá 120 triệu đồng làm "cần câu" để phát triển kinh tế.

Anh Y Iêm cho biết, hằng ngày anh đi chở hàng hóa và nông sản thuê cho các đại lý, thu nhập được 300.000-400.000 đồng/ngày. Tranh thủ lúc không chạy xe, anh cùng vợ vẫn đi làm thuê để cải thiện kinh tế.

"Được vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi, thời gian vay vốn dài và phân kỳ trả nợ mà không phải thế chấp nên tôi rất vui mừng. Vợ chồng tôi an tâm chăm chỉ làm lụng để phát triển kinh tế của gia đình, nuôi con ăn học", anh Y Iêm chia sẻ.

Cũng may mắn được tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tháng 5/2022, gia đình ông Y Cum Bdap (buôn Kpung, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) được vay 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm.

Ông Y Cum cho hay, những tháng đầu năm 2022, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, con trai ông làm việc tại TP. Hồ Chí Minh phải trở về địa phương do bị mất việc làm nên gia đình ông rất khó khăn. Sau khi tìm hiểu và đề xuất, ông được tổ tiết kiệm và vay vốn tại địa phương bình xét và được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư Kuin cho vay số tiền phù hợp với nhu cầu của gia đình, được hỗ trợ lãi suất ưu đãi.

Từ số vốn này, ông đã mua cây giống, phân bón để cải tạo, trồng mới, mở rộng quy mô vườn cà phê. Nhờ đó, nhu cầu cấp bách của gia đình là tạo công ăn việc làm cho con đã được giải quyết. Nguồn vốn trên còn giúp gia đình ông vượt qua khó khăn sau dịch và có nguồn thu nhập ổn định hơn.

"Cầu nối" mở lối thoát nghèo cho hàng ngàn người dân Đắk Lắk - Ảnh 2.

Nhiều mô hình phát triển kinh tế trang trại, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được triển khai thông qua chính sách tín dụng ưu đãi. Ảnh: Thư Anh

Hay như gia đình bà H'Gen Niê (buôn Huk B, xã Cư M'gar, huyện Cư M'gar, Đắk Lắk) thuộc diện hộ nghèo của xã. Hằng ngày, vợ chồng bà đi làm thuê chỉ đủ chi phí sinh hoạt và nuôi con ăn học nên dù phải sống căn nhà gỗ cũ nát, bà cũng không dám nghĩ đến việc xây một căn nhà vững chắc hơn. Năm 2023, qua buôn trưởng cùng tổ tiết kiệm và vay vốn trong buôn, gia đình bà được vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư M'gar, với mục đích làm nhà ở theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Bà H'Gen tâm sự: "Gia đình tôi được vay vốn ưu đãi với lãi suất 3%/năm, thời gian vay vốn dài tới 15 năm và phân kỳ trả nợ nên tôi rất phấn khởi. Giờ đây được sống trong ngôi nhà kiên cố, vợ chồng tôi yên tâm hơn, có thêm động lực cố gắng lao động sản xuất để cải thiện đời sống và trả nợ ngân hàng".

"Phủ sóng" nguồn vốn ưu đãi

Là ngân hàng chủ lực trong cho vay giảm nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội đã luôn sát cánh cùng người dân, đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với các đối tượng trong diện thụ hưởng.

Tính đến hết năm 2023, tỉnh Đắk Lắk đã có 47.858 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, với tổng số vốn cho vay hơn 2.086 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt hơn 7.356 tỷ đồng, tăng hơn 1.025 tỷ đồng so với cuối năm 2022, tỷ lệ tăng trưởng đạt 16,2%, với 168.816 khách hàng còn dư nợ.

"Cầu nối" mở lối thoát nghèo cho hàng ngàn người dân Đắk Lắk - Ảnh 3.

Nhờ nguồn vốn ưu đãi cho vay nhà ở xã hội, nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có điều kiện an cư để lạc nghiệp. Ảnh: Thư Anh

Chất lượng tín dụng chính sách xã hội được kiểm soát hiệu quả, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh gần 9,4 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,13%; có 14/15 phòng giao dịch cấp huyện có nợ quá hạn giảm so với cuối năm 2022, 106/184 xã không có nợ quá hạn. Công tác kiểm tra, giám sát các cấp; các hội đoàn thể và kiểm tra, giám sát chuyên đề được thực hiện bảo đảm 100% kế hoạch.

Đáng chú ý, trên địa bàn tỉnh có trên 76.000 khách hàng là hộ đồng bào DTTS đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng, với tổng dư nợ gần 2.728 tỷ đồng, chiếm 37%/tổng dư nợ của toàn chi nhánh.

Ngoài chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, vay vốn giải quyết việc làm, Ngân hàng Chính sách xã hội còn giải quyết cho vay các nhóm đối tượng như: Cho vay học sinh sinh viên; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường; cho vay xuất khẩu lao động; cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn; cho vay nhà ở xã hội; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; cho vay người chấp hành xong án phạt tù.

Có thể khẳng định, nguồn vốn tín dụng chính sách đã đến với từng hộ dân ở những thôn, buôn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh; góp phần thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, môi trường, cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp hơn, giá trị văn hóa được bảo tồn, an ninh chính trị được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. 

Khoảng cách phát triển giữa nông thôn và đô thị từng bước được thu hẹp, đồng thời giúp cho nhiều người nghèo, người yếu thế trong xã hội có điều kiện, động lực để vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống.

Đặc biệt, từ hiệu quả hoạt động của chương trình chính sách tín dụng ưu đãi trong thời gian qua đã góp phần đẩy lùi tệ nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn, giảm thiểu bất ổn xã hội, tạo niềm tin của người dân đối với Ngân hàng Chính sách xã hội, với cấp ủy, chính quyền địa phương.

"Cầu nối" mở lối thoát nghèo cho hàng ngàn người dân Đắk Lắk - Ảnh 4.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều nông dân trên địa bàn thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk có vốn đầu tư tái canh vườn cà phê. Ảnh: Thư Anh

Năm 2024, tỉnh Đắk Lắk phấn đấu mức giảm tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh đạt từ 1,5 - 2%; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3 - 4%; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo đa chiều) đối với huyện phấn đấu thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn (huyện M'Drắk) giảm từ 6 - 7%.

Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, ngay từ đầu năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ngành, địa phương tỉnh Đắk Lắk đã chủ động, tích cực trong việc tổ chức triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, ưu tiên các chính sách để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo như: Dạy nghề, khuyến nông, hỗ trợ về y tế, giáo dục...

Cùng với đó, tiếp tục triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đảm bảo kịp thời, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, phát huy vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem