Bình Thuận: Hạn khốc liệt, cây rừng trồng lâu năm chết hàng loạt, dân điêu đứng

Thứ bảy, ngày 16/05/2020 14:04 PM (GMT+7)
Hạn khốc liệt, nếu không ảnh hưởng dịch Covid-19, có thể tận thu rừng trồng mới héo úa, thu tiền về được bao nhiêu cũng đỡ nhưng đằng này, như bây giờ là sự mất trắng mùa rừng…ở nhiều địa phương của tỉnh Bình Thuận.
Bình luận 0

Thời điểm này, dạo qua Tân Tiến, Tân Bình, những xã có diện tích rừng tràm nhiều do dân trồng, vì đất rộng nhưng chưa có nước thủy lợi của thị xã La Gi (tỉnh Bình Thuận) sẽ thấy nhiều vạt rừng đã úa vàng, một số nơi cây rừng đứng chết khô. 

Điều đáng chú ý, những vùng rừng mới được 1 - 2 năm tuổi bị cháy đã đành, ngay cả những diện tích rừng trồng đã 4 - 5 năm tuổi, cây cũng trơ trụi lá.

Bình Thuận: Nắng hạn khốc liệt, cây rừng trồng lâu năm cũng chết hàng loạt, dân điêu đứng - Ảnh 1.

Nắng hạn kéo dài, rừng trồng 3 - 4 năm tuổi ở huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận) bị héo chết.

Không chỉ rừng của dân trồng, rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận chi nhánh huyện Hàm Tân cũng bắt đầu bị chết từng cụm. Hiện tại, theo thông tin từ chi nhánh Hàm Tân, có tình trạng cây rừng chết loang lổ “da beo” với diện tích ước tính 18 ha trong mấy ngàn ha rừng trồng tại địa bàn La Gi. 

Những nơi cây rừng bị chết này đều đứng trên đất xấu, nghèo dinh dưỡng như đất cát trắng, đất sét, đất đồi đá. Nếu tình hình nắng hạn gay gắt tiếp tục, có khả năng sẽ tăng diện tích rừng bị cháy  khô…

Theo phân tích của người dân trong vùng, mùa khô năm nay, thị xã La Gi không thiếu nước sinh hoạt, vì nhờ có nguồn nước ổn định từ hồ Sông Dinh 3.  

Nhưng với điều kiện thời tiết năm nay nắng hạn rất khắc nghiệt, tới giữa tháng 5 mà trời vẫn chưa mưa, trong khi mùa mưa năm trước dứt sớm với lưu lượng mưa không nhiều nên dẫn đến xảy ra tình trạng trên. Nguyên nhân, chắc vì mạch nước ngầm trong lòng đất bị tụt thấp.

Trong khi đó, tại huyện Hàm Tân, nơi đang thiếu nước sinh hoạt phổ biến ở nhiều xã, thị trấn thì tình cảnh trên còn trầm trọng hơn. Nhất là các xã, thị trấn trên cao như Sông Phan, Tân Nghĩa… thời điểm này, rừng tràm cũng chết hàng loạt. 

Trước tình cảnh trên, người dân không biết xoay xở bằng cách nào để cứu vãn tình hình thất thu, ngoài cách bỏ mặc, vì rừng chết khô cũng chỉ có giá trị làm củi hay làm giàn để dân phơi cá cơm. 

Nhưng nhu cầu này rất ít, trong khi diện tích rừng chết thì rất nhiều. Mướn người chặt đốn thì cũng tốn không ít tiền. Đó là lý do, người ta có thể thấy những cánh rừng trồng đang đứng chết khô như thế.

Theo những người kinh doanh trong ngành gỗ, nếu những tháng qua không bị ảnh hưởng dịch Covid-19, mọi hoạt động liên quan đến chế biến sản phẩm rừng trồng không bị ngưng thì khi rừng mới có dấu hiệu héo úa, dù là năm 1, năm 2, người dân có thể tận thu bán cho cơ sở, doanh nghiệp để chế biến bột giấy… 

Như vậy, có thể thu tiền về được bao nhiêu cũng đỡ nhưng đằng này, như bây giờ là sự mất trắng mùa rừng, sau 3 - 4 năm, thậm chí là 5 - 6 năm cặm cụi trồng rừng, cày ải, chống cháy… 

Bà Nguyễn Thị Mai, ở xã Sông Phan, huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận) có 2 ha rừng đã 5 năm tuổi và mới bắt đầu bị chết. Bây giờ, các cơ sở chế biến gỗ đã hoạt động trở lại nên bà quyết định thu hoạch.

Vì cây rừng đã chết nên khi thu hoạch, người ta không thể bóc vỏ và khi cân thì mất đến 40% trọng lượng nên chỉ thu về được chút ít tiền. Nhưng như vậy, bà cũng đã vui, vì nhiều nhà khác còn không có gì để thu. Lúc này, nhiều hộ dân ở 2 huyện, thị trên đang lo vì không có nguồn thu để trả tiền vay ngân hàng.

Bích Nghị (Báo Bình Thuận)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem