Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: "TP.HCM đang ở đâu?"

Hứa Phương Chủ nhật, ngày 28/05/2017 11:23 AM (GMT+7)
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã đặt ra câu hỏi “TP.HCM đang ở đâu?” trước hàng trăm trí thức TP.HCM. Từ đó ông mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp thẳng thắn để phát triển thành phố.
Bình luận 0

Ngày 28.5, Thành ủy TP.HCM đã tổ chức buổi gặp gỡ nhân sĩ, trí thức trên địa bàn để nghe những ý kiến, đóng góp cho sự phát triển của thành phố.  Tại buổi gặp, ông Nguyễn Thiện Nhân trăn trở, làm thế nào để phát huy được nguồn lực trí thức cũng như các nguồn lực khác như đất đai, sức mạnh của doanh nghiệp...cho sự phát triển của thành phố.

Bí thư Thành ủy TP.HCM đặt câu hỏi: “TP.HCM đang ở đâu?” và nhận định thành phố có nền kinh tế lớn nhất cả nước, đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước nhưng cơ cấu sử dụng đất đang bất hợp lý.

img

Ông Nguyễn Thiện Nhân đặt câu hỏi với các trí thức "TP.HCM đang ở đâu?" và mong muốn nhận được những đóng góp thẳng thắn để góp phần phát triển thành phố.

“Cần rà soát lại quy hoạch phát triển và quy hoạch sử dụng đất của TP.HCM. Phải quy hoạch đất cho phát triển công nghiệp, dịch vụ tương xứng với tỷ trọng công nghiệp dịch vụ trong cơ cấu kinh tế thành phố (chiếm 99%) để thu hút đầu tư mạnh mẽ và phát huy tối đa nguồn lực con người”, ông Nhân nói.

Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cho rằng cần cơ cấu lại sản phẩm nông nghiệp theo hướng hiệu quả kinh tế cao. TP.HCM hướng tới trở thành trung tâm giống cây con cho vùng, trung tâm sản xuất cây kiểng, cá kiểng của cả nước và xuất khẩu...

“Khó khăn lớn nhất hiện nay để thu hút vốn FDI và phát triển doanh nghiệp tư nhân là không có sẵn quỹ đất, giá thuê rẻ cho nhà đầu tư. Nếu chuyển một phần đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, dịch vụ thì khó khăn này sẽ được giải quyết”, ông Nhân nêu vấn đề và cho rằng trong 12 năm qua nguồn vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân đã trở thành nguồn vốn lớn nhất trong tổng đầu tư hàng năm của TP.HCM  (tư nhân chiếm 65%, nhà nước 20%, FDI 15%).

img

Tại buổi gặp gỡ, nhiều ý kiến, gửi gắm của trí thức đã được gửi đến lãnh đạo TP.HCM

Bí thư Nhân khẳng định, TP.HCM phải trở thành đô thị thông minh, nơi đáng sống, là địa chỉ đáng đến. Để làm được điều đó cần có chính quyền thông minh và công dân thông minh. Chính quyền thông minh phải bao gồm các yếu tố: quy hoạch thông minh, điều hành thông minh, người dân đánh giá chính quyền và công chức. Còn công dân thông minh là tự học liên tục, sống trong hai không gian thực và mạng, cảm biến xã hội, hiến kế phát triển thành phố, giám sát chính quyền, gia đình hạnh phúc,...

Nhấn mạnh sự cần thiết hoàn thiện cơ chế, thể chế để TP.HCM phát triển cùng cả nước, ông Nhân cho rằng thành phố cần có cơ chế đặc thù để tăng tốc phát triển, cùng cả nước, vì cả nước.

Trước đó, GS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TP.HCM nêu hiện có một số doanh nghiệp được phép thành lập và quản lý doanh nghiệp. Tuy nhiên ở chiều ngược lại thì chưa có trường đại học nào thành lập được doanh nghiệp.

img

Ông Trần Hữu Đoàn, Tổng giám đốc công ty cổ phần kỹ nghệ thực phẩm Việt Sin phát biểu

Còn ông Trần Hữu Đoàn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần kỹ nghệ thực phẩm Việt Sin cho rằng, những người khởi nghiệp ở TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung còn thiếu nhiều kỹ năng. “TP.HCM chưa có những chuyên gia tư vấn cho người khởi nghiệp để biến ý tưởng thành hiện thực. Nếu có đi chăng nữa thì đó cũng chỉ là kiến thức suông chứ chưa phải kiến thức lăn lộn thực tế với doanh nghiệp”, ông Đoàn nêu.

                     

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem