Bài 4: Đề xuất Luật hóa cơ chế hỗ trợ Đội Xung kích Phòng chống thiên tai

Thanh Xuân Thứ bảy, ngày 21/03/2020 18:17 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Đức Quang – Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai) cho biết, Dự thảo Luật Phòng chống thiên tai sửa đổi đã đưa các quy định liên quan tới Đội Xung kích phòng chống thiên tai trình lên Quốc hội để xin ý kiến.
Bình luận 0
18-1583817826-width500height327-1614934093386

Ông Nguyễn Đức Quang – Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai) cho biết, quy định liên quan đến cơ chế hoạt động của Đội Xung kích phòng chống thiên tai đã đưa vào Dự Thảo Luật Phòng chống thiên tai sửa đổi (Ảnh: TX)

Thưa ông, vì sao Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai lại quyết định xây dựng Đội Xung kích phòng chống thiên tai?

Thiên tai ở Việt Nam ngày càng có những diễn biến bất thường, gây tổn thất lớn về tài sản, đặc biệt là tổn thất về người mỗi năm. Trước đây, công tác phòng chống thiên tai chủ yếu nhắc tới các loại hình thiên tai liên quan tới lũ, lụt, phòng chống hộ đê,...

Từ khi có Luật Phòng chống thiên tai, chúng ta đã xác định có 19 loại hình thiên tai, sau này tiếp tục xác định có 21 loại và Dự thảo Luật Phòng chống thiên tai sửa đổi bổ sung sẽ có thêm 4 loại hình thiên tai nữa. Qua đó càng cho thấy thiên tai ở Việt Nam ngày càng phức tạp.

Trong công tác phòng chống thiên tai, thực tế lực lượng xung kích ở nước ta đã có từ lâu rồi. Chúng ta đặt ra phương châm 4 tại chỗ gồm: lực lượng tại chỗ, vật tư phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ.

Trong đó, lực lượng xung kích phòng chống thiên tai chính là phần quan trọng của lực lượng tại chỗ. Trước đây, lực lượng này nằm trong đội thủy lợi, gồm Đội 202 và Đoàn Thanh niên. Khi có vỡ đê hay báo động, lực lượng này sẵn sàng lên đường để ứng phó.

Khi chúng ta chuyển sang nền kinh tế thị trường, cùng quá trình đô thị hóa, lực lượng tại chỗ này ở các địa phương đã suy giảm. Mặt khác, ở thời kỳ bao cấp, mỗi khi huy động phòng chống đê điều, lụt bão là các thành viên của lực lượng trên được chấm công, chấm điểm. Như vậy là đã bao hàm có chính sách, chế độ cho đội ngũ phòng chống thiên tai.

Tuy nhiên, bây giờ chế độ trợ cấp trên không còn nữa, lực lượng thiếu hụt ở nhiều nơi, không còn chính sách, chế độ đãi ngộ cho các đối tượng này nên huy động lực lượng phòng chống thiên tai rất khó khăn.

Bên cạnh đó, lực lượng phòng chống thiên tai ở địa phương cũng không được tập huấn, đào tạo thường xuyên các kỹ năng nhận biết rủi ro thiên tai ở nơi sống và các kỹ năng phòng chống thiên tai cần thiết. Do đó, khi xảy ra thiên tai các lực lượng này đã không phát huy được hiệu quả, nhận biết cũng như phòng chống, thậm chí còn trở thành nạn nhân của thiên tai.

14-1583818390-width500height281-1614934098238

Diễn tập tình huống giả định của Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai cho Đội Xung kích phòng chống thiên tai xã Hải Hòa huyện Hải Hậu, Nam Định, (Ảnh: N. Hoạt)

Việc quyết định xây dựng Đội xung kích Phòng chống thiên tai vào thời điểm này là bắt nguồn ý tưởng từ đâu?

Như tôi đã nói ở trên, các lực lượng phòng chống thiên tai ở địa phương do không được tổ chức một cách chính thống nên không có sự thống nhất trong hoạt động bài bản.

Trong suốt 10 năm qua, Quỹ Phòng chống thiên tai miền Trung của ông Phan Diễn đã đi đầu tài trợ để tổ chức cho khoảng hơn 80 Đội Xung kích phòng chống thiên tai. Qua đánh giá, các mô hình Đội Xung kích Phòng chống thiên tai này đã phát huy hiệu quả nhất định.

Tuy nhiên, với số lượng này trên cả nước thì còn thực sự rất nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế khi có thiên tai xảy ra. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để mô hình Đội Xung kích Phòng chống thiên tai được nhân rộng, vì chỉ có khoảng 80 đội, so với hơn 13.000 xã phường của chúng ta trên cả nước còn quá khiêm tốn.

Mục tiêu đặt ra của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai là tạo sự thống nhất trên toàn quốc, đến nay đã có khoảng 70% các xã, phường hình thành được Đội Xung kích Phòng chống thiên tai. Tuy nhiên, tôi cho rằng mới chỉ hình thành tự phát, chưa phát huy được hiệu quả tốt.

Thậm chí có những nơi chỉ là hình thức nên cần có các quy định cụ thể hơn về mặt pháp lý cũng như cơ chế, chính sách, chế độ cho lực lượng phòng chống thiên tai để các địa phương thực hiện.

Hiện nay chúng ta đã có lực lượng chuyên nghiệp cho công tác phòng chống thiên tai, vì sao vẫn phải xây dựng Đội xung kích phòng chống thiên tai ở địa phương?

Thực tế cho thấy, khi thiên tai xảy ra ở địa phương, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi... có địa hình hiểm trở, lực lượng chuyên nghiệp thường là ở cấp trên ở khoảng cách xa, muốn tổ chức tiếp cận tới khu vực xảy ra thiên tai rất khó khăn. Có nơi phải mất vài tiếng, có nơi còn phải vài ngày sau, do đường sá, cầu cống bị thiên tai làm hư hỏng, chia cách nên thường xuyên phải có độ trễ nhất định.

Như bài học ở Mường Lát (Thanh Hóa) hay ở Lai Châu đã từng xảy ra. Nơi đường sạt lở, cầu ngập hoặc sập, ít nhiều là mất một khoảng thời gian mới tiếp cận được nơi cần hỗ trợ. "Nước xa không cứu được nửa gần", cán bộ để đến nắm bắt tình hình, báo tin ra ngoài thôi cũng đã mất thời gian nhất định.

Do đó, phát huy lực lượng tại chỗ để giải quyết ngay từ đầu, đưa người tới nơi an toàn là thực sự cần thiết. Đội Xung kích Phòng chống thiên tai sẽ là lực lượng giải quyết ngay từ đầu, báo tin, tìm kiếm người mắc kẹt, bị thương, hỗ trợ người dân khi có sự cố xảy ra. Còn nếu cứ chờ vào lực lượng chuyên nghiệp tiếp cận được thì cơ hội để cứu được người ở con sông, con suối, ở những chỗ bị vùi lấp, nhà sập… sẽ rất thấp.

2-1583818261-width1280height960-1614934692308

2-1583818261-width1280height960-1614934692308

Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai tổ chức tập huấn cả lý thuyết và thực hành cho một số Đội Xung kích Phòng chống thiên tai "điểm" để nhân rộng (Ảnh: T. Tuyền)

"Lực lượng của Đội Xung kích phòng chống thiên tai thông thạo nhất địa hình, chỗ nào dễ bị chia cắt, cô lập, hay xảy ra sự cố, sơ tán cần chạy đi đâu. Họ vừa nắm được địa hình lại vừa có thể tiếp cận nhanh nhất nơi xảy ra sự cố. Họ cũng cần được đào tạo để đảm bảo an toàn cho chính những người tham gia trong đội xung kích này", ông Nguyễn Đức Quang – Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai).

Mặc dù việc xây dựng Đội Xung kích phòng chống thiên tai ở các địa phương là thực sự cần thiết nhưng có nhiều nơi như ông nói vẫn còn mang tính hình thức, vậy cần có quy định cụ thể như thế nào về mặt pháp lý?

Thực tế là lực lượng phòng chống thiên tai ở một số địa phương đã hình thành từ lâu nhưng lại không có tên gọi và ở trong bất cứ văn bản pháp lý nào.

Lúc đầu, để xây dựng Đội Xung kích phòng chống thiên tai, chúng tôi có phối hợp với Cục Dân quân tự vệ tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn xây dựng lực lượng này. Trung Tướng Nguyễn Duy Nguyên, Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ (hiện đã về hưu) khi đó đã ra Quyết định thành lập, bố trí kinh phí, ngoài ra có thêm Quỹ Hỗ trợ Phòng tránh thiên tai miền Trung đã sẵn sàng bố trí kinh phí hỗ trợ.

Tuy nhiên, khi ra soát lại Đội Xung kích Phòng chống thiên tai lại không có tên trong bất cứ một văn bản pháp lý nào. Trong khi Bộ Tổng tham mưu chỉ có thể ra Quyết định cho lực lượng dân quân tự vệ, các lực lượng khác lại không được.

Rất mừng là trong Dự thảo Luật phòng chống thiên tai sửa đổi, bản dự thảo cuối cùng trình Quốc Hội đã đưa các cơ chế chính sách liên quan tới Đội Xung kích phòng chống thiên tai để xin ý kiến Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 5 tới đây. Nếu được thông qua, các quy định của Luật Phòng chống thiên tai sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho Ban Chỉ đạo Trung ương và các Bộ, ngành địa phương củng cố, đào tạo lực lượng Đội Xung kích phòng chống thiên tai ở cấp xã.

Sau một thời gian triển khai xây dựng thí điểm Đội Xung kích Phòng chống thiên tai ở các địa phương, ông có thể cho biết những khó khăn gặp phải là gì?

Đúng vậy, thực tế cho thấy, hiện nay Đội Xung kích Phòng chống thiên tai ở địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Họ thiếu sự thống nhất, thiếu đào tạo tập huấn thường xuyên nên từ đó dẫn tới thiếu các kỹ năng. Lực lượng này cũng thiếu tổ chức chặt chẽ phân công, phân nhiệm và thiếu cơ chế chính sách để lực lượng này hoạt động.

Như các hình ảnh trên phương tiện truyền thông, nhìn thấy người trèo trên cây đứng giữa dòng nước nhưng nếu không đủ các dụng cụ, phương tiện cũng không thể cứu được người. Chúng tôi chỉ ví dụ, với các trường hợp như thế, tới đây Đội Xung kích Phòng chống thiên tai sẽ được trang bị thêm dụng cụ là súng bắn dây để đưa dây thừng tới nới người gặp nạn, kịp thời cứu người.

Mặt khác, trong nền kinh tế thị trường, lực lượng lao động có sức khỏe chủ yếu đã dịch chuyển, ở địa phương chủ yếu còn người già và trẻ nhỏ… Người ta đi làm ăn xa, có thiên tai họ tự về vì còn gia đình họ. Nhưng khi mời lực lượng này đi tập huấn kinh phí lấy ở đâu, ai chi trả… là những khó khăn chưa khắc phục được.

Do đó, rất cần sớm có cơ chế chính sách cụ thể để lực lượng này hoạt động một cách bài bản và chuyên nghiệp.

Để giải quyết những khó khăn này, Văn Phòng thường trực Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai có những đề xuất gì?

Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với Bộ Tài chính để xây dựng hướng dẫn tài chính cho lực lượng phòng chống thiên tai cấp xã cho các địa phương triển khai. Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động…

Ngoài ra, chúng tôi cũng gấp rút xây dựng và ban hành tài liệu tập huấn chung cho lực lượng xung kích này và cho cả các địa bàn đặc thù có các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra ở mỗi vùng miền khác nhau.

Theo quy định các cơ chế với lực lượng dân quân tự vệ, khi tham gia ứng phó thiên tai tìm kiếm cứu nạn được giải quyết chế độ thương binh, liệt sỹ nếu gặp phải tai nạn. Sau khi thiên tai qua đi, họ cũng là lực lượng giúp dân khắc phục hậu quả, vệ sinh môi trường và các hoạt động ấy vẫn tiềm ẩn những nguy cơ gặp nạn nên chúng tôi đang tiến đến việc mở rộng các quy định này hơn.

Để gắn trách nhiệm của các địa phương trên toàn quốc, nội dung an toàn phòng chống thiên tai cũng sẽ được đưa vào nội dung trong xây dựng Nông thôn mới và tiến tới là chúng tôi để xuất có hẳn một tiêu chí riêng trong Xây dựng Nông thôn mới.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Đức Quang – Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai - Bộ NNPTNT) cho biết: Hiện nay cả nước đã có hơn 8.300/11162 xã, chiếm 75% các xã xây dựng được Đội Xung kích phòng chống thiên tai, số các xã còn lại với mục tiêu xây dựng được lực lượng này vào cuối năm 2020 là  không khó. 

Đặc biệt là với sự chỉ đạo quyết liệt đã đưa và Nghị quyết 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ, giao mục tiêu cụ thể cho địa các phương rồi.

Nhưng cái khó chính là khi thành lập được Đội Xung kích phòng chống thiên tai rồi, việc duy trì thường xuyên và phát huy hiệu quả cao của lực lượng này ở các địa phương cần phải làm lâu dài và quyết liệt.

Để làm được điều đó, nhiều nước xây dựng đề án căn cơ, bài bản. Như ở Nhật Bản, Trung Quốc cũng đã xây dựng được lực lượng xung kích đem lại hiệu quả rất cao.

Do đó, việc xây dựng Đội Xung kích phòng chống thiên tai ở Việt Nam là thực sự cần thiết, trong bối cảnh nước ta được đánh giá là một trong những nước chịu tác động lớn nhất từ thiên tai so với các nước trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.

Tiến tới, Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai sẽ triển khai các mô hình điển hình làm mẫu cho các xã trên cả nước học tập. Để khi các địa phương nhận thức được đây là việc sống còn với bản thân và gia đình, các địa phương chắc chắn sẽ luôn trăn trở xây dựng Đội Xung kích Phòng chống thiên tai, chăm lo cho lực lượng này.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem