Apple đang dần đánh mất "cỗ máy tăng trưởng" ở thị trường Trung Quốc

27/02/2020 09:32 GMT+7
Doanh số và sản xuất của công ty công nghệ khổng lồ này đang gặp phải những trở ngại, mà theo các chuyên gia, virus corona chỉ là một phần trong đó.
Apple đang dần đánh mất "cỗ máy tăng trưởng" ở thị trường Trung Quốc - Ảnh 1.

Apple đang dần mất đi mức tăng trưởng trong mơ ở thị trường Trung Quốc

Không có doanh nghiệp Mỹ nào đạt được mức lợi nhuận như Apple ở Trung Quốc, nội trong năm 2019, Apple thu về doanh số 44 tỷ USD ở thị trường Trung Quốc chỉ từ bán iPhone. Con số này lớn hơn doanh số toàn cầu của hãng máy bay United Airlines và Nike, ngang mức với gã khổng lồ công nghệ nội địa Tencent. Không quá khi nói rằng chỉ có những thị trường mạnh mẽ như Trung Quốc mới có đủ sức giúp Apple đạt được mức tăng trưởng “khủng khiếp” đến vậy.

Dịch virus corona không chỉ tác động đến quá trình sản xuất mà còn doanh số của Apple ở thị trường lớn thứ hai thế giới này. Nhiều công nhân Apple không thể quay lại làm việc do lệnh giới hạn di chuyển của chính phủ Trung Quốc. Khách hàng không còn tâm trạng mua sắm trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Hệ quả đã được định trước, ngày 17/2, Apple cảnh báo các nhà đầu tư rằng công ty này sẽ không thể đạt được chỉ tiêu lợi nhuận cho quý 1. Cổ phiếu của Apple, vốn đang trên đà tăng trưởng từ mùa hè năm ngoái, hạ xuống gần 2% sau khi Apple ra thông báo chính thức.

Mối đe dọa trước mắt với việc kinh doanh của Apple ở Trung Quốc trên thực tế thể hiện mặt trái của sự thành công lâu dài của hãng này. Apple tạo dựng tên tuổi vào nửa đầu thập kỉ trước, với doanh thu tăng từ 2,8 tỷ USD vào năm 2010 lên đến 59 tỷ USD vào năm 2015 ở Trung Quốc nói riêng. Doanh số giảm vào những năm tiếp theo, nhưng vẫn ở mức ổn định ở thị trường Trung Quốc với 18% tổng doanh thu, chỉ đứng sau thị trường Mỹ. Apple cho biết đang dần mở cửa các cửa hàng bán lẻ và nhà máy sản xuất iPhone sau khi đóng cửa do bùng nổ đại dịch, nhưng với tốc độ chậm hơn rất nhiều so với dự đoán. Thậm chí nếu dịch virus corona được kiểm soát sớm, năm 2020 có thể sẽ là năm khó khăn với ông lớn Apple.

Hoạt động sản xuất ở Trung Quốc đang bị đe dọa bởi xung đột thương mại và công nghệ với Mỹ. Chiến tranh thương mại có thể cũng sẽ tác động trực tiếp đến thương hiệu Apple. Số lượng iPhone bán ra đang sụt giảm không phanh, thêm vào đó, chiến lược mới nhất của Apple trong việc tăng doanh thu bằng cách bán gói thuê bao dịch vụ dài hạn có vẻ phức tạp hơn ở Trung Quốc so với bán iPhone. Sức tăng trưởng của Apple được Tờ The Economist dự đoán không chỉ dừng ở mức âm ỉ, mà có thể sẽ chững lại hoàn toàn.

Đầu tiên là về chuỗi cung ứng. Apple phụ thuộc rất lớn vào hệ thống nhà máy công nghệ cao ở Trung Quốc. Chỉ có Trung Quốc mới có thể cung cấp lượng lao động và cơ sở vật chất cần thiết để sản xuất hàng trăm ngàn công cụ mỗi ngày, tương xứng với mức Apple cần để cho ra đời dòng điện thoại mới. Apple hiện đã xây thêm nhà máy gần Trường Châu ở tỉnh Hồ Nam nhằm giúp tăng cường sản xuất iPhone. Không nhà máy nào của Apple ở các quốc gia khác có thể sản xuất được ở mức này. Chính quyền địa phương thậm chí đầu tư 1,5 tỷ USD để hỗ trợ xây dựng nhà máy và nhà ở cho 400.000 nhân công, cũng như 10 tỷ USD để xây dựng xây bay mới.

Sự phụ thuộc này khiến hệ thống sản xuất của Apple ở thế nhạy cảm giữa cuộc chiến kinh tế và công nghệ Mỹ- Trung. Cho đến nay, chính sách vận động hành lang khôn ngoan giúp Apple tránh mức thuế ngoài Mỹ, nhưng bù lại, hãng này phải đối mặt với những rủi ro khác. Bộ Thương mại Mỹ hiện đang chuẩn bị công bố luật mới nhằm cắt bớt sản lượng xuất khẩu linh kiện điện tử đến Trung Quốc. Rào cản này có thể tác động xấu đến quá trình sản xuất của Apple. Trong khi kế hoạch xây dựng nhà máy mới ở Brazil không khả quan, nhà máy ở Ấn Độ cho thấy dấu hiệu thuận lợi hơn, nhưng với quy mô nhỏ. Apple không có cách nào khác ngoài gắn bó và lệ thuộc vào Trung Quốc.

Doanh số bán sản phẩm chủ chốt của Apple – iPhone ngày càng giảm ở Trung Quốc. Theo công ty nghiên cứu Canalys, doanh số bán iPhone ở Trung Quốc giảm 21% vào năm 2019 xuống còn 27,5 triệu, thậm chí sau khi giảm mức giá bán – chiến lược Apple hiếm khi phải áp dụng. Bán được ít điện thoại hơn đồng nghĩa với doanh thu giảm mà đồng thời giảm lợi nhuận nói chung trong tương lai. Doanh thu từ dịch vụ như tiện ích hay nhạc, các phụ kiện như tai nghe AirPods và đồng hồ đều được thiết kế nhất quán với sản phẩm của Apple và liên quan đến mức bán iPhone. Dù Apple hiện vẫn có số lượng người dùng iPhone khổng lồ ở Trung Quốc, doanh thu từ bán điện thoại mới dự báo trước một tương lai ảm đạm.

Apple cũng đồng thời phải vật lộn với chính phủ Trung Quốc, như chấp nhận lưu dữ liệu của người dùng trên Cloud của Trung Quốc, đồng nghĩa với việc một số sản phẩm hay dịch vụ của Apple không thể được bán ở thị trường Trung Quốc.

Kết quả quý gần đây nhất của Apple được công bố vào ngày 28/1 (trước khi mức độ bùng nổ đại dịch được làm rõ), cho thấy doanh số bán iPhone toàn cầu có dấu hiệu phục hồi sau mức đáng thất vọng vào năm trước đó. Apple nói rằng công ty mình có nền tảng vững chắc và sẽ chỉ bị gián đoạn tạm thời, với doanh thu tăng 9% lên đến 91,8 tỷ USD. Doanh thu từ phụ kiện và dịch vụ cũng tăng theo đó. CEO của Apple – Tim Cook nói rằng mức tăng trưởng doanh số bán iPhone, dịch vụ và phụ kiện ngày càng tăng ở Trung Quốc. Dù một vài sản phẩm nhất định bán được nhiều hơn số còn lại, doanh số nói chung tăng chỉ khoảng 3% trong quý, chỉ cao hơn Nhật Bản.

Tín hiệu khả quan của Apple ở thị trường Trung Quốc được nhận định đi cùng với sự ra đời của iPhone 5G, với tốc độ kết nối mạnh hơn sẽ được ra mắt vào khoảng cuối năm 2020. Nhưng liệu đời iPhone mới này có làm nên chuyện? iPhone 5G có thể cung cấp những gì cho khách hàng Trung Quốc giàu có? Đó vẫn là câu hỏi để ngỏ. Khách hàng Trung Quốc ở các thành phố lớn đã quen dùng những dòng điện thoại với kết nối công nghệ cao. Người ta không còn lạ với việc hành khách trên cả một chuyến tàu điện ngầm ở Trung Quốc đều có thể xem video tốc độ cao khi đang di chuyển, điều mà chỉ một vài mạng lưới ở Mỹ và Châu Âu mới có thể làm được. Điện thoại do Huawei sản xuất hiện đang được cho rằng tốt hơn những gì Apple từng công bố.

Thậm chí nếu dòng iPhone 5G thành công, đây cũng sẽ chỉ là thành công tạm thời, nhất là khi mối quan hệ sản xuất Mỹ- Trung đang có chiều hướng giảm tốc, Apple sẽ gặp khó khăn hơn ở thị trường Trung Quốc cũng như chạy trơn tru chuỗi cung ứng của mình ở nước này. Cơ hội của Apple ở những thị trường khác có thể đóng góp phần nào vào mất mát do đại dịch bùng nổ ở Trung Quốc – nhất là ở Mỹ, nhưng để tìm lại được mức tăng trưởng “trong mơ” một thời, tờ The Economist nhận định Apple sẽ cần phải tìm ra một cỗ máy tăng trưởng mạnh mẽ tương đương Trung Quốc.

Vân Anh
Cùng chuyên mục