4 món đặc sản Tây Nguyên có gì ngon mà lọt Top Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam?

Huy Hoàng Thứ ba, ngày 09/01/2024 19:00 PM (GMT+7)
Ẩm thực Tây Nguyên vô cùng phong phú và đầy sáng tạo. Các món ăn không chỉ tên gọi là lạ, cách chế biến độc đáo, mà hương vị, độ ngon, ngọt cũng rất ấn tượng và hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Bình luận 0

Tây Nguyên là vùng đất hội tụ của đồng bào dân tộc, sự giao thoa văn hóa hòa lẫn giữa người Kinh và người dân tộc thiểu số, cũng vì thế mà vùng đất này không chỉ phong phú về bản sắc văn hóa truyền thống mà còn đa dạng về sự kết hợp ẩm thực của ba miền, với sự biến tấu sao cho phù hợp về điều kiện miền núi cao để làm nên một nền ẩm thực Tây Nguyên vừa lạ, vừa quen đầy lôi cuốn.

Vừa qua Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam vừa công bố 121 món ăn của cả nước lọt vào Top Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam giai đoạn I-2022, và Tây Nguyên đã có 4 món đặc sản được vinh danh bao gồm: Lẩu gà lá sâm (Kon Tum); Phở khô hay còn gọi phở 2 tô (Gia Lai); Cơm lam – Gà nướng (Đắk Lắk); Lẩu cá lăng măng chua (Đắk Nông).

Danh dách 121 món ăn thuộc 55 tỉnh, thành phố được vinh danh Top Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam giai đoạn I-2022, nằm trong đề án "Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia" do Hiệp Hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam tổ chức nhằm đưa thương hiệu ẩm thực Việt Nam ra với thế giới, thúc đẩy cạnh tranh quốc gia và là tiền đề của phát triển kinh tế Việt Nam.

Ẩm thực Tây Nguyên: Lẩu gà lá sâm (Kon Tum)

4 món đặc sản Tây Nguyên có gì ngon mà lọt Top Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam?- Ảnh 1.

Lẩu gà lá sâm, đặc sản bổ dưỡng, ngon của Kon Tum. Ảnh: Mia

Nhắc đến Kon Tum là nhắc đến nhiều món ăn ngon mà du khách đã từng thưởng thức sẽ nhớ mãi không quên, đó là những món như xôi măng, heo Măng Đen quay… và trong số những món ăn đó còn có một món cực kỳ bổ dưỡng và đắt đỏ, và trở thành đặc sản của Kon Tum, đó là lẩu gà lá sâm.

Cây sâm dây, vốn là một trong những loại sâm có nhiều bổ dưỡng tại vùng đất Kon Tum, củ của sâm dây thường được sử dụng cho nhu cầu ngâm rượu hoặc nấu nước uống, phần lá thì được người dân nơi đây dùng để chế biến vào món lẩu gà.

Để chế biến được món lẩu gà lá sâm ngon, bổ dưỡng, nguyên liệu đầu tiên phải có chính là một con gà mái tơ. Gà mái tơ sau khi được sơ chế sạch sẽ đem đi ướp với gia vị và hầm cùng một số loại nguyên liệu như táo đỏ.

Rau ăn kèm món lẩu này sẽ bao gồm những loại nấm như nấm hương, linh chi và mộc nhĩ. Dĩ nhiên là không thể thiếu lá sâm. Nồi lẩu gà lá sâm bốc lên nghi ngút, du khách sẽ cảm nhận được hương thơm đặc trưng của lá sâm. Khi thưởng thức món ăn này, du khách đừng nên ăn vội mà hãy múc ra chén, rồi từ từ tận hưởng hương thơm của lá sâm và nước táo đỏ từ từ lan tỏa đến khứu giác.

Nồi nước dùng của món lẩu thường có độ ngọt từ các nguyên liệu mang lại. Ngoài ra, thịt gà được nấu trong nước dùng tạo nên độ dinh dưỡng cao. Thịt gà không quá dai, dễ ăn cộng hưởng với sự thanh tao từ các vị nấm ăn kèm sẽ tạo nên một món ăn giải nhiệt cho du khách.

Và đây cũng là món lẩu thường có của người dân Kon Tum trong những ngày Tết cổ truyền.

Ẩm thực Tây Nguyên: Phở khô hay còn gọi phở 2 tô (Gia Lai)

4 món đặc sản Tây Nguyên có gì ngon mà lọt Top Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam?- Ảnh 2.

Phở 2 tô, một trong những món ăn đặc trưng của vùng Tây Nguyên. Ảnh: Nguyên Thịnh

Nhiều du khách lần đầu đến Gia Lai chắc hẳn sẽ rất ngạc nhiên khi nghe đến tên món ăn phở khô hay còn gọi là phở 2 tô. Thế nhưng với những du khách đã đến Gia Lai, đặc biệt đã một lần thưởng thức phở 2 tô thì cảm nhận đó là một món ăn khá thú vị và đặc biệt.

Phở 2 tô từng được Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận và xác lập theo bộ tiêu chí Giá trị ẩm thực châu Á vào năm 2012.

Giải thích cho tên gọi là lạ phở 2 tô, người dân Gia Lai cho biết, vì được dọn ra với 2 tô riêng. Một tô đựng sợi phở dai dai, rắc thêm thịt băm, hành phi, tóp mỡ... Tô kia đựng nước dùng ngọt thanh, ấm nóng, từa tựa vị nước lèo của món phở bò, có thịt bò tái, bò viên, xương...

Để chế biến món phở 2 tô ngon, người nấu cần chuẩn bị đủ các nguyên liệu gồm xương gà, xương lợn, thịt bò viên, thịt lợn xay nhuyễn, hành tây, hành tím, củ gừng, giá đỗ, phở khô, ớt, hạt tiêu xay, tương đen, dầu hào, đường, muối, dầu mè, sa tế…

Tiếp đến là sơ chế xương heo, xương gà, thịt bò sau khi mua về, mang đi rửa sạch những bụi bẩn. Hành tây lột phần vỏ bên ngoài, cắt đôi. Gừng cũng gọt vỏ. Hành tím rửa sạch. Hành là và ràu mùi rửa sạch, cắt nhỏ. Giá đỗ rửa sạch, để ráo. Tỏi và hành tăm lột vỏ, phần tỏi băm nhuyễn còn hành tăm cắt lát mỏng. Bò viên luộc cho chín rồi vớt ra.

Sau đó bắc nồi ninh xương lợn, xương gà cùng cho thêm hành tây, hành tím, gừng khoảng 1 tiếng cho nước dùng được ngọt từ xương. Đồng thời bắc chảo phi thơm hành tím, xào thịt băm nhuyễn để trộn với bánh phở khô.

4 món đặc sản Tây Nguyên có gì ngon mà lọt Top Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam?- Ảnh 3.

Phở 2 tô không chỉ độc đáo bởi tên gọi mà cách thưởng thức cũng rất ấn tượng với du khách. Ảnh: Nguyên Thịnh

Bên cạnh đó là tạo nước sốt bằng cách phi thơm tỏi, cho dầu hào, nước tương, đường, muối, dầu mè, một chút nước lọc và đảo đều cho đến khi hòa quyện tạo thành nước sền sệt. Tất nhiên theo người dân Gia Lai, ở mỗi cửa hàng, đầu bếp sẽ có cách nêm nếm gia vị khác nhau để tạo sự hương vị riêng, làm nên món phở 2 tô hấp dẫn thực khách.

Để thưởng thức món phở 2 tô, thực khách sẽ tách đều bánh phở khô trong tô đựng bánh, sau đó trộn đều các gia vị có sẵn gồm tóp mỡ, hành phi, thịt băm. Tuy nhiên, để món ăn thêm đậm đà, không thể thiếu tương đậu ăn kèm, dùng để rưới đều và trộn với phở. Chính tương đậu khiến hương vị phở khô Gia Lai thêm phần đặc trưng, lạ hơn so với những món phở khác.

Tô nước dùng với thịt được để riêng. Nước dùng nấu từ xương, cho vị ngọt thanh. Thịt bò tái tươi ngon, được xắt mỏng, chín vừa tới khi chan vào nước dùng nóng hổi. Trong tô còn có gầu bò, bò viên xắt miếng vừa ăn. Ăn kèm còn có chanh, ớt, giá trụng, xà lách, rau thơm các loại.

Ẩm thực Tây Nguyên: Cơm lam – Gà nướng (Đắk Lắk)

4 món đặc sản Tây Nguyên có gì ngon mà lọt Top Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam?- Ảnh 4.

Gà nướng là món ngon dân dã, nổi tiếng với dân tộc thiểu số tại khu vực Tây Nguyên, đặc biệt tại Bản Đôn, Đắk Lắk. Ảnh: Mia

Gà nướng là món ngon dân dã, nổi tiếng với dân tộc thiểu số tại khu vực Tây Nguyên, đặc biệt tại Bản Đôn, Đắk Lắk. Món ngon đặc sản này cũng mang đậm hương vị tuyệt vời của thiên nhiên núi rừng, thể hiện được tâm hồn và cuộc sống của người dân cao nguyên.

Theo người dân nơi đây, để món gà nướng được ngon, nguyên liệu quan trọng, chính đó là cách chọn gà. Gà mà lớn thì thịt bị dai, còn nhỏ quá thì lại có mùi hôi. Đây cũng là lý do mọi người phải chọn những con gà mới lớn, nặng khoảng hơn 1kg để chế biến đảm bảo thịt gà được mềm và thơm ngon.

Gà nuôi thả vườn sau khi mổ và rửa sạch để nguyên con, mổ dọc theo ức và bẻ dẹp ra ướp với muối ớt, mật ong rừng và thêm các nguyên liệu bí truyền của từng gia đình. Đặc biệt sả ướp với gà chỉ được giã nhỏ và lọc lấy nước ướp chứ người ta không ướp cả xác. Phần nước sả càng nhiều thì thịt gà sẽ càng thêm thơm ngon hơn.

Sau đó, đến công đoạn nướng gà cũng cần người nướng kỳ công và chú tâm đến việc giữ gà ở đúng tầm với lửa để hương vị thấm đều, ám khói thơm nhiều hơn.

Và cuối cùng để thưởng thức món gà nướng ngon trọn vẹn thì người nấu sẽ chuẩn bị thêm muối ớt chấm được làm từ nguyên liệu ớt rừng xanh giã nhỏ, loại ớt này ăn vừa thơm vừa giòn, rất hấp dẫn thực khách.

Bên cạnh đó là những thanh cơm lam dẻo mềm, chín tới, thơm mùi gạo nếp, chắc hẳn du khách khi thưởng thức món cam lam – gà nướng sẽ nhớ mãi không quên.

Ẩm thực Tây Nguyên: Lẩu cá lăng măng chua (Đắk Nông)

4 món đặc sản Tây Nguyên có gì ngon mà lọt Top Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam?- Ảnh 5.

Thịt cá lăng sông Sêrêpốk, Đắk Nông nổi tiếng chắc và ngọt. Ảnh: Trang Trại Việt

Đắk Nông có rất nhiều đặc sản để du khách có thể khám phá và trải nghiệm, trong số những món đặc sản ngon trứ danh đó thì phải kể đến những món chế biến từ cá lăng sông Sêrêpốk. Thịt cá lăng sông Sêrêpốk nổi tiếng chắc và ngọt được mang chế biến thành các món om; hấp; nướng; lẩu; nấu cháo... tuy nhiên món đặc sản được người dân và du khách nơi đây đánh giá là ngon tuyệt đỉnh, chính là lẩu cá lăng măng chua. Một trong những món ăn đặc sản mà nhiều người dân Đắk Nông tự hào.

Cá lăng sông Sêrêpốk, là một loại cá có da trơn, đầu bẹp khá giống với cá trê và cũng có ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, nhưng cá lăng ở đây được đánh giá cao hơn hẳn vì có thịt chắc và kích cỡ cũng to hơn nhiều nơi khác.

Để làm cá lăng đúng cách, người nấu cần dùng dao sắc khía dọc hai bên thân sẽ lọc những miếng thịt cá béo, dày và tươi rói. Sau khi làm sạch, cắt lát vừa ăn rồi trụng qua nước sôi cho thịt săn chắc, sau đó thịt cá sẽ được tẩm ướp gia vị theo một công thức riêng, gồm nước cốt riềng, mẻ quyện cùng nghệ, nước mắm và mắm tôm.

Nguyên liệu để nấu lẩu gồm: cá lăng, măng chua, nghệ tươi giã nhỏ, cà chua, rau rừng... sau khi chuẩn bị và tẩm ướp cá lăng, người nấu sẽ xào cà chua cùng các gia vị, nêm nếm vừa tới, sau đó đổ nước và chờ nước sôi thì cho thêm măng chua vào cho nước dùng thơm mùi măng rừng cùng vị chua thanh thanh. 

Sau đó là thả từng lát cá lăng đã được tẩm ướp, thêm chút rau rừng, gắp miếng cá lăng, thực khách sẽ cảm nhận những miếng thịt cá béo, ngọt, bùi hòa quyện trong nước lẩu đậm đà, có vị ngọt của xương hầm và đầu cá, hương thơm thoang thoảng của hành lá, thì là giúp nước dùng càng thêm thơm, ngọt đúng vị. Chắc chắn khi thưởng thức món lẩu cá lăng măng chua du khách sẽ thích thú và bị nghiện bởi hương vị đặc trưng của sông Sêrêpốk nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem