Ai đến BV Bạch Mai từ 12/3 nhắn tin, gọi điện đến số điện thoại này

Hoàng Thành Chủ nhật, ngày 29/03/2020 11:00 AM (GMT+7)
Bộ TTTT cho biết, đầu số điện thoại 8889 giúp những người từng đến Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12/3 đến nay nhắn tin thông báo, hoặc ai biết người nào từng đến đây, trong khoảng thời gian này có thể phản ánh.
Bình luận 0

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cơ quan này sẽ cung cấp một số điện thoại 8889 để những ai đến Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12/3 đến nay nhắn tin thông báo, hoặc bất kể ai biết thông tin về những người đã đến Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian nêu trên có thể nhắn tin phản ánh. 

Số 8889 bắt đầu đi vào hoạt động từ 7h00 sáng 29/3.

img

Các bác sĩ được điều phối hướng dẫn trước khi vận chuyển bệnh nhân Bệnh viện Bạch Mai. (ảnh: Hùng Phạm).

Cũng liên quan đến việc cung cấp số điện thoại để người dân liên hệ, đêm 28/3, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thành lập các tổ công tác để tiến hành rà soát tất cả các trường hợp đến thăm, chăm sóc bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian từ ngày 10/3 đến 25/3, đã sử dụng dịch vụ tại căng tin Bệnh viện Bạch Mai lập tức thực hiện việc tự cách ly y tế tại nhà và liên hệ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội qua số điện thoại 0969082115 hoặc 0949396115 để được tư vấn và lấy mẫu xét nghiệm.

"Đề nghị các trường hợp trong thời gian từ ngày 10/3 đến ngày 25/3 đã sử dụng dịch vụ tại căng tin Bệnh viện Bạch Mai, khẩn trương tự cách ly liên hệ với số điện thoại 0969082115 hoặc 0949396115. Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn chỉ quyết định hết cách ly đối với các trường hợp kết quả xét nghiệm âm tính" - công điện nêu rõ và "yêu cầu các địa phương, đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện công điện này".

Trước đó, chiều 28/3, tại cuộc họp trực tuyến giữa Bộ Y tế, Bộ TTTT, UBND TP.Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai và các chuyên gia về các biện pháp dập ổ dịch ở cơ sở y tế này, các đại biểu thống nhất cho rằng bên cạnh các giải pháp điều tra dịch tễ truyền thống, cần đẩy mạnh triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu bảo hiểm y tế để khoanh vùng, xác định các trường hợp liên quan.

Đồng thời, tiến hành gửi tin nhắn cảnh báo qua các mạng di động, mạng xã hội đến tất cả những người đã qua lại Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12/3 đến nay; thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông kêu gọi người dân cung cấp thông tin cho cơ quan y tế về những người có liên quan hoặc đã đến Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12/3. Từ đó lập danh sách, tiến hành sàng lọc, phân loại nhóm cần cách ly tập trung và xét nghiệm ngay, nhóm cách ly tại gia đình và được theo dõi y tế.

Được biết, Bệnh viện Bạch Mai đã thông báo liên quan đến công tác khám chữa bệnh của Bệnh viện và khuyến cáo tất cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đã đến khám, điều trị tại bệnh viện và khách đến làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12/3 thực hiện tự cách ly và liên hệ cơ quan y tế gần nhất để quản lý sức khoẻ. 

Trường hợp cần thiết có thể hội chẩn trực tuyến. Người bệnh khám lại theo hẹn của Bệnh viện, người bệnh tham gia các chương trình quản lý bệnh nhân mãn tính tăng huyết áp, lupud... thì quay trở lại các cơ sở y tế khám chữa bệnh ban đầu để được giải quyết theo quy định của Bộ Y tế.

Theo dõi, giám sát hơn 15.000 người liên quan đến ổ dịch ở bệnh viện Bạch Mai: Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội), sau khi xuất hiện ổ dịch tại cộng đồng liên quan đến bệnh viện Bạch Mai, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP, trung tâm đã rà soát và yêu cầu xấp xỉ gần 1.500 người ra viện từ ngày 10/3 đến 25/3 thực hiện tự cách ly tại nhà để phòng dịch. Bên cạnh đó, trong 10 ngày qua có 14.000 người khám ngoại trú ở bệnh viện Bạch Mai. CDC Hà Nội đã khuyến cáo các trường hợp này cần tự thực hiện cách ly ở nhà, có dấu hiệu ho sốt phải báo ngay cho cơ quan y tế.

Trước đó, để giúp người dân nắm bắt được đầy đủ thông tin, các khuyến cáo về phòng, chống dịch bệnh từ Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế, Bộ TTTT phối hợp với Bộ Y tế và các công ty lớn về công nghệ Việt Nam đã nhanh chóng xây dựng các giải pháp công nghệ thông tin nhằm giải quyết các vấn đề nóng hiện nay, tạo công cụ đắc lực giúp nhà quản lý và người dân chủ động phòng tránh dịch hiệu quả.

Ứng dụng khai báo y tế tự nguyện toàn dân NCOVI cũng vừa bổ sung tính năng mới Quét mã QR giúp người dùng chia sẻ tình trạng sức khỏe của bản thân với người xung quanh và kiểm tra tình trạng sức khỏe của người đối diện.

Theo thống kê, tính đến ngày 27/3, ứng dụng NCOVI (được giới thiệu chính thức từ ngày 9/3) đã có tổng số 1,75 triệu lượt tải và tổng số bản ghi khai báo y tế tự nguyện là 1.248.600 bản khai.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem