87,63% số đại biểu tán thành, Quốc hội chính thức thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

An Linh Thứ năm, ngày 18/01/2024 08:50 AM (GMT+7)
Với hơn 87,63% số đại biểu tán thành, sáng 18/1 Quốc hội chính thức thông qua dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Bình luận 0

Số đại biểu tham gia biểu quyết hơn 477 đại biểu, chiếm 96,75%, số tán thành hơn 432 đại biểu, số không tán thành 20 đại biểu, chiếm 4%.

Trước đó, trình bày Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Luật Đất đai là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời, cũng là dự án Luật rất khó và phức tạp.

87,63% số đại biểu tán thành, Quốc hội chính thức thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)- Ảnh 1.

Quốc hội thông qua Luật Đất đai sửa đổi (Ảnh: An Linh)

Theo Chủ nhiệm Dự án Luật đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị rất trách nhiệm, kỹ lưỡng, công phu qua nhiều vòng, nhiều bước; được trình Quốc hội tại 04 kỳ họp, 02 Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, 08 phiên họp chính thức của UBTVQH (trong đó có 01 phiên cho ý kiến về Kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân) và được chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động và trên 12 triệu lượt ý kiến của Nhân dân.

Dự kiến, Luật Đất đai sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Dự thảo Luật đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại 3 kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến về dự án Luật tại 7 phiên họp, Chính phủ đã tổ chức nhiều phiên họp chuyên đề để hoàn thiện dự án Luật. Dự thảo Luật đã được lấy ý kiến nhân dân, quá trình hoàn thiện dự thảo Luật đã có sự tham gia của đông đảo các cơ quan, tổ chức, chuyên gia.

Tiếp đó, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trên cơ sở 29 ý kiến phát biểu và 9 ý kiến góp ý bằng văn bản của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Trước đó, sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 gồm 16 chương, 260 điều, bỏ 5 điều, sửa đổi, bổ sung tại 250 điều (cả về nội dung và kỹ thuật) so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Đối với những nội dung lớn xin ý kiến tập trung thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, trên cơ sở nghiên cứu, thảo luận, trao đổi, rà soát kỹ lưỡng, các cơ quan hữu quan đã thống nhất chỉnh lý, hoàn thiện các nội dung:

Quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài; về không mở rộng phạm vi nhận chuyển quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (Điều 28); về trường hợp tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án bất động sản theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản; về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm đối với tài sản gắn liền với đất (Điều 34);

Về điều kiện đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa (khoản 7 Điều 45); về nguyên tắc lập và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất các cấp (khoản 9 Điều 60); về chỉ tiêu sử dụng đất được xác định trong nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và cấp huyện (Điều 65 và Điều 66);

Về tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh, chỉ tiêu sử dụng đất cấp huyện (Điều 76); về thu hồi đất thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ (khoản 27 Điều 79).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem