Cần chìa khóa mở "mỏ vàng" du lịch nông thôn

Khánh Nguyên Thứ sáu, ngày 28/07/2023 09:02 AM (GMT+7)
Xây những ngôi "nhà tổ chim" đón khách du lịch đến trải nghiệm, một bản vùng cao của huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) từ chỗ chìm trong đói nghèo, lạc hậu đã vươn lên trở thành điểm đến hấp dẫn, được nhận Giải thưởng Du lịch ASEAN 2023.
Bình luận 0

Người dân bản Sin Suối Hồ có của ăn của để nhờ du lịch

Là một trong những nông dân làm du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn thành công ở xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, Lai Châu, ông Và A Chứ cho biết: "Nhờ làm du lịch mà người dân bản Sin Suối Hồ đã có của ăn, của để hơn, mọi người không phải đi làm nương vất vả như trước nữa mà tập trung vào tiếp khách du lịch và làm các sản phẩm du lịch để bán cho khách. 

Chính quyền cũng tạo điều kiện để bà con làm du lịch, trước dân đi làm nương mãi vẫn đói nghèo nhưng giờ mọi người ở nhà làm nhà nghỉ, trồng rau, dệt thổ cẩm... tiếp khách du lịch nên đã có cuộc sống khá giả hơn. Hiện, chúng tôi đã có nhiều sản phẩm thổ cẩm, rau, thực phẩm, hoa lan... bán cho khách du lịch giúp bà con tăng thu nhập đáng kể".

Cần chìa khóa mở "mỏ vàng" du lịch nông thôn - Ảnh 1.

Ônh Hoàng Văn Đại - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Sin Suối Hồ nói thêm: "Để bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn như ngày nay, chính quyền địa phương và người dân Sin Suối Hồ đã cố gắng, nỗ lực rất lớn và trải qua một hành trình dài".

Sin Suối Hồ nằm ở độ cao khoảng 1.500m so với mực nước biển, có khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm. Bên cạnh được thiên nhiên, khí hậu ưu đãi, thì Đảng ủy, UBND xã Sin Suối Hồ đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch cộng đồng. 

Chính quyền địa phương đã vào cuộc quyết liệt cùng bà con nông dân phát triển du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, Sin Suối Hồ đã phối hợp các cấp các ngành, các doanh nghiệp tuyên truyền, quảng bá điểm du lịch Sin Suối Hồ – được ví như "cô gái đẹp chưa ngủ dậy".

"Bản Sin Suối Hồ có 145 hộ dân thì đa số các hộ trong bản đều làm du lịch cộng đồng, những hộ không có nhà nghỉ thì hưởng lợi từ việc cung cấp các đặc sản địa phương. Trong điểm bản có đội văn nghệ; có nhà hàng; homestay sạch sẽ, tiện nghi phục vụ du khách. Đặc biệt ở Sin Suối Hồ còn có rất nhiều "Nhà tổ chim" là một trong những điểm nhấn thu hút khách du lịch… 

"Chính quyền địa phương xác định lộ trình làm du lịch với các giai đoạn 2020-2025 với 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó phấn đấu du lịch OCOP 4 sao, xây dựng điểm nâng cấp chợ phiên; giới thiệu quảng bá các sản phẩm du lịch. Giai đoạn 2026 – 2030, Đảng ủy, UBND xã Sin Suối Hồ tiếp tục xác định phát triển du lịch cộng đồng là thế mạnh của địa phương"- ông Đại cho biết.

Theo ông Đại, thời gian qua, xã Sin Suối Hồ đã được các cấp, ngành quan tâm đầu tư, triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình phát triển du lịch cộng đồng là thế mạnh của xã. 

Để triển khai các chương trình, xã đã xây dựng Nghị quyết 159 hỗ trợ làm đường, làm chợ, xây nhà vệ tinh, cải tạo, duy tu những công trình cộng đồng mang đậm đà nét bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó xã hỗ trợ các hộ làm homestay xây dựng, cải tại cơ sở vật chất.

Nhờ đó bộ mặt của xã đã thay da đổi thịt, đặc biệt là tại Diễn đàn Hội chợ Du lịch quốc tế diễn ra tại Indonesia, đã vinh danh điểm du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ là Điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn nhất của khối ASEAN.

"Tuy có phát triển nhưng chúng tôi cũng nhận thấy các điểm du lịch cộng đồng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Trong tương lai gần, xã cần rất nhiều dự án sự tham gia của doanh nghiệp đầu tư vào du lịch, hỗ trợ địa phương xây dựng ngoài nét văn hoá bản địa, địa phương vốn có, còn cập nhật thêm các dịch vụ hiện đại để không bị quá xa so với thực tế", ông Đại nhấn mạnh.

Hiện trên địa bàn đang xây dựng tuyến đường vành đai biên giới và sắp hoàn thiện, xã Sin Suối Hồ cũng đang có hướng mở rộng các điểm du lịch cộng đồng, kết nối với các điểm vệ sinh, tổ chức tour leo núi Bạch Mộc Lương Tử, kết nối với Sa Pa… để xây dựng thành tour hấp dẫn cả khách du lịch trong nước và du khách nước ngoài.

Tuy nhiên, để làm được việc này chúng tôi rất cần các doanh nghiệp đầu tư, mở các tour kết nối với các vùng khác, quảng bá sản phẩm du lịch Sin Suối Hồ đến với đông đảo bà con và du khách.

Cần đi tìm "chìa khóa" chung

Theo bà Nguyễn Thị Thành Thực - Giám đốc Công ty CP Bagico, các chuyên gia nước ngoài rất muốn tìm được các sản phẩm du lịch Việt Nam, nhất là du lịch trải nghiệm. Do vậy, chúng ta rất cần chuyên gia thực thụ trong phát triển du lịch nông nghiệp và xúc tiến du lịch nông nghiệp ở Việt Nam. Như mũi tên trúng 2 đích, chúng ta vừa phát triển nông nghiệp vừa phát triển du lịch nông nghiệp hiệu quả.

“Mỏ vàng” cho nông dân Việt - Ảnh 3.

Du khách trải nghiệm hoạt động nông nghiệp tại làng rau ở Đà Nẵng.

"Chúng ta cần nhớ, nhớ nhiều hơn nữa câu nói "Buôn có bạn, bán có phường", đừng nghĩ chỉ một mình chúng ta ở thôn, bản này có thể "thầu" hết cả khu vực, không thể một mình mà làm được du lịch cộng đồng. Bởi du lịch nông nghiệp nhiều khi không đến chỉ từ một nguồn thu là tour du lịch mà còn đến từ lợi nhuận bán hàng nông sản đặc sản, thế thì càng cần phải liên kết, đoàn kết với nhau"- bà Thực đề xuất.

TS Nguyễn Tất Thắng - Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Du lịch ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ: Nhân lực cho du lịch nông nghiệp vẫn còn đang thiếu rất nhiều, chính vì vậy du lịch nông nghiệp vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển. Do vậy, những năm qua, trong quá trình đào tạo cho sinh viên ngành du lịch, học viện tập trung gắn đào tạo tại trường với đào tạo ngoài thực tế, như cho sinh viên tham gia thực tập các hoạt động tại như các tập đoàn, khách sạn nhà hàng lớn. Hay như cho các sinh viên thực tập tham gia các hoạt động gắn với các địa phương có phát triển du lịch cộng đồng phát triển. Tại những môi trường này, các em sinh viên sẽ có cơ hội được thực hành, thậm chí, học viện đã dành tới 3 kỳ để các em sinh viên có cơ hội được thực hành tại địa phương.

Bên cạnh đó, Học viện cũng xây dựng thành công mô hình giáo dục nông nghiệp kết hợp trải nghiệm tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam như các điểm, các tour, tuyến du lịch như trải nghiệm vườn thực vật, trải nghiệm trung bảo tồn sen, trải nghiệm du lịch nông nghiệp công nghệ cao ngay tại trường...

Học viện tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu giúp sinh viên có nhiều cơ hội nâng cao chất lượng chuyên môn. Từ đó học tập các mô hình ở các nước du lịch nông thôn phát triển, sau đó áp dụng vào ở Việt Nam chúng ta.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem