Vào TP.HCM nhưng không có giấy xét nghiệm Covid-19, người đàn ông cự cãi cả mấy tiếng đồng hồ

Thiên Tường Thứ tư, ngày 14/07/2021 06:35 AM (GMT+7)
Khi di chuyển từ Bình Dương vào TP.HCM, anh V.T.B (sinh năm 1994, ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) không xuất trình được giấy xét nghiệm Covid-19 nên bị yêu cầu quay đầu. Tuy nhiên, anh B. cho rằng trong Chỉ thị 16 không yêu cầu xét nghiệm Covid-19 nên đã cự cãi với CSGT cả mấy tiếng đồng hồ.
Bình luận 0

Khoảng 18h45 ngày 13/7, tại chốt kiểm soát dịch G7 hướng từ Bình Dương vào TP.HCM (chân cầu Vĩnh Bình, QL13, phường Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức), đội CSGT Bình Triệu (thuộc PC08) kiểm tra phương tiện mang biển kiểm soát số 72A 481.66 do anh V.T.B điều khiển. 

Tuy nhiên, anh B. không có giấy xét nghiệm Covid-19 nên bị yêu cầu quay đầu xe về lại Bình Dương.

Vào TP.HCM nhưng không có giấy xét nghiệm Covid-19, người đàn ông cự cãi cả mấy tiếng đồng hồ - Ảnh 1.

Anh B. tranh luận với đội CSGT hơn 3 tiếng đồng hồ về các quy định phòng, chống dịch Covid-19. (Ảnh: Mỹ Quỳnh)

Trước khi yêu cầu anh B. quay đầu xe, đội CSGT đã tạm giữ bằng lái xe với mục đích, khi anh B. quay đầu sẽ trả lại để tránh tình trạng tài xế lái xe chạy thẳng. Tuy nhiên, anh B. lại bức xúc cho rằng không hiểu tại sao CSGT giữ bằng lái của mình.

Ngay sau đó, anh B. đã xuống xe và tranh luận với đội CSGT tại chốt kiểm dịch.

Trung tá Phạm Công Bằng, Phó đội trưởng Đội CSGT Bình Triệu đã trực tiếp trả lời anh B. về các yêu cầu phòng chống dịch, lý do giữ bằng lái, đồng thời đề nghị anh B. chấp hành quay đầu xe. 

Anh B. vẫn giữ nguyên quan điểm là Chỉ thị 16 không có điều khoản nào yêu cầu phải có giấy xét nghiệm Covid-19 nên lên xe để mở google tìm hiểu.

Clip: Tranh luận giữa CSGT với anh B. về các lỗi vi phạm. (Thực hiện: Mỹ Quỳnh)

Trong khoảng thời gian này, đội CSGT nhiều lần mời anh B. xuống làm việc, trong đó, gọi cả công an phường Hiệp Bình Phước tới đề nghị anh B. ra khỏi xe. Tuy nhiên, anh B. vẫn tiếp tục ngồi trên xe sử dụng điện thoại, phải hơn 30 phút sau mới xuống xe.

Trao đổi với Dân Việt, anh B. cho biết, khoảng 5h chiều cùng ngày, anh di chuyển từ quận Gò Vấp đi qua đường Phạm Văn Đồng rồi vào Bình Dương. Trên lộ trình di chuyển này, anh không thấy chốt kiểm soát dịch nào và cũng không nhìn thấy chốt G7. Đến lúc quay về TP.HCM thì bị yêu cầu xuất trình giấy tờ. Anh B. đã đưa giấy xác nhận đi đường do của công ty cấp, tuy nhiên, đội CSGT yêu cầu phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Vào TP.HCM nhưng không có giấy xét nghiệm Covid-19, người đàn ông cự cãi cả mấy tiếng đồng hồ - Ảnh 4.

Anh B, cho rằng, trong chỉ thị 16 không có yêu cầu phải xét nghiệm âm tính mới được vào TP. (Ảnh: Mỹ Quỳnh)

"Tôi thấy trong chỉ thị 16 không có yêu cầu nào bắt người dân phải có giấy xét nghiệm âm tính mới được vào TP, còn nếu TP có quy định riêng thì tôi không biết. Hơn 1 tháng nay tôi mới ra khỏi thành phố nên không biết có quy định này. Điều tôi bức xúc là tại sao CSGT không nói lý do giữ bằng lái của tôi, sau khi xuống xe hỏi mới thông báo cho tôi biết" - anh B. bức xúc nói.

Vào TP.HCM nhưng không có giấy xét nghiệm Covid-19, người đàn ông cự cãi cả mấy tiếng đồng hồ - Ảnh 5.

Sau khoảng 3 giờ tranh luận, anh B. đã ký vào biên bản vi phạm. (Ảnh: Mỹ Quỳnh)

Cũng theo anh B., việc anh ngồi trên xe là để gọi điện cho công an TP.HCM xác minh lại việc yêu cầu xét nghiệm Covid-19 chứ không phải cố thủ hay chống đối lực lượng chức năng. Đồng thời, anh không la hét, không làm ảnh hưởng đến người khác và đậu xe trên đoạn đường không có biển cấm.

Sau khoảng 3 giờ tranh luận, giải thích với anh B., đội CSGT đã lập biên bản vi phạm gồm 3 nội dung: Anh V.T.B không khai báo y tế ở nơi đi và nơi đến theo quy định; Tại chốt kiểm dịch G7 không xuất trình được xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và không chấp hành yêu cầu quay đầu xe của chốt kiểm dịch. Đồng thời, đội CSGT đã thu bằng lái xe và mời anh B. quay đầu về lại Bình Dương.

Đến 21h30 cùng ngày, anh B. đã ký vào biên bản vi phạm. Tuy nhiên, anh vẫn đưa ra quan điểm của mình trong biên bản là "Tôi đã tuân thủ theo chỉ thị 16, biên bản không thể hiện đúng và đủ sự việc diễn ra".

Lực lượng CSGT có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế?

Tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế nêu rõ 9 chủ thể có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính bao gồm: Ủy ban nhân dân, Cơ quan Thanh tra, Quản lý thị trường, Công an nhân dân, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Cơ quan Thuế, Cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Như vậy, lực lượng Cảnh sát giao thông có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế căn cứ theo Điều 106 (thẩm quyền xử phạt của Công an nhân dân).

Theo đó, đối với hành vi "Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế" (hành vi không đeo khẩu trang) sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng

Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm nêu trên là Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông cấp huyện với mức phạt từ trên 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng (Khoản 2 Điều 106) hoặc Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt với mức phạt từ trên 1.500.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Đối với hành vi Không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (trừ các trường hợp quy định tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế) sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem