Tử vong vì ngộ độc pate chay: Khuyến cáo người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm sạch

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 26/03/2021 19:15 PM (GMT+7)
Sau vụ ngộ độc pate chay khiến 3 người tại TP.HCM nguy kịch trong đó 1 người đã tử vong, Cục An toàn thực phẩm đã có khuyến cáo về việc lựa chọn, bảo quản thực phẩm tránh ngộ độc.
Bình luận 0

1 trong 3 bệnh nhân ngộ độc pate chay đã tử vong

Chiều 26/3, Cục An toàn thực phẩm cho biết, ngày 25/3, Cục An toàn thực phẩm nhận được thông tin về 3 trường hợp (địa chỉ tại thị trấn An Thạnh, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương) nghi ngờ ngộ độc Botulinum liên quan đến việc sử dụng sản phẩm pate chay. Đến nay, 1 bệnh nhân đã tử vong tại Bệnh viện Chợ Rẫy, 1 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện 115 và 1 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. 

Cả 3 trường hợp trên đều liên quan đến bữa ăn trưa ngày 20/3/2021 tại một ngôi miếu cách nhà khoảng 2km (chưa rõ địa chỉ cụ thể). 

Trước tình hình trên, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế – Tổ trưởng Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã có công văn gửi Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản & Thủy sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.Hồ Chí Minh, Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh, Sở Y tế tỉnh Bình Dương để điều tra, xử lý vụ nghi ngờ ngộ độc do sử dụng pate chay.

Tử vong vì ngộ độc pate chay: Khuyến cáo người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm sạch - Ảnh 1.

Một bệnh nhân ngộ độc pate chay đang đang điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi đồng 2.

Tại sao lại ngộ độc pate chay? 

Theo Cục An toàn thực phẩm, vi khuẩn có trong pate chay gây ngộ độc là trực khuẩn gram (+), sống kỵ khí, có nha bào, gây biểu hiện bằng ngoại độc tố, Clostridium perfringens. Clostridium perfringens ưa nhiệt độ trung bình. Nhiệt độ phát triển thích hợp nhất là 37C đến 450 C.

Thời gian ủ bệnh từ 8 đến 22 giờ (trung bình là 10 giờ).Các triệu chứng chủ yếu là đau bụng, ỉa chảy dữ dội, phân lỏng hoặc toàn nước, thỉnh thoảng có buồn nôn, nôn mửa, sốt.

Bệnh tương đối nhẹ, thời gian bị nhiễm bệnh ngắn. Phần lớn chỉ trong một ngày là khỏi. Trẻ em nhiễm Clostridium perfringens có thể bị viêm ruột cấp tính và có thể dẫn đến hoại tử ruột. Ngộ độc Clostridium perfringens typ F thì triệu chứng bệnh nặng hơn và có thể dẫn đến tử vong.

Nguồn gây ô nhiễm là thịt tươi sống, rau bẩn, người sản xuất chế biến thực phẩm không rửa tay sau khi đi vệ sinh, quần áo người sản xuất chế biến thực phẩm bị nhiễm bẩn.

Mọi loại thực phẩm không giữ vệ sinh đều có thể nhiễm Clostridium perfringens. Nhưng chủ yếu gây ngộ độc thực phẩm là thức ăn nấu chưa kỹ, thức ăn dở khi ăn không đun lại, thức ăn nguội thường là thịt hầm, bánh, pate, nước thịt bò, gà, hay thịt gia cầm, nước sốt đã nấu chín được phục vụ và bảo quản ở nhiệt độ không thích hợp.

Làm thế nào để tránh ngộ độc thực phẩm? 

Theo Cục An toàn thực phẩm, xu hướng ngộ độc tăng lên trên thế giới do trào lưu sử dụng túi hút khí chứa đựng thực phẩm, bảo quản thực phẩm không đảm bảo, sử dụng tủ lạnh không đúng, đun lại không đủ chín trước khi ăn. Loại thực phẩm thường gây ngộ độc do độc tố botulinum là thực phẩm đóng hộp, phổ biến là thực phẩm chế biến, đóng gói thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình hoặc điều kiện sản xuất không đảm bảo.

Để lựa chọn thực phẩm an toàn, người tiêu dùng nên: 

1.Chọn mua đồ hộp phải đủ nhãn, ghi đầy đủ thông tin: hạn sử dụng, thành phần, thông tin cảnh báo an toàn, thông tin cảnh báo vệ sinh, an toàn, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản....

Ngoài ra người tiêu dùng cần quan sát bên ngoài xem đồ hộp có bị phồng, méo hay không? Vì nếu hộp phồng, méo thì sản phẩm đã bị lỗi và có khả năng đã bị nhiễm vi khuẩn. Trong trường hợp đồ hộp bị phồng, khả năng trong sản phẩm vi khuẩn kỵ khí đã phát triển, sinh độc tố.

Vi khuẩn bị diệt ở 60oC trong 30 phút và bởi các hóa chất khử trùng thông dụng, để khử độc tố cần đun sôi 100oC ít nhất 15 phút. Để diệt nha bào cần đun ở 100oC ít nhất 1 giờ, hoặc hơi nước nóng ở áp lực cao hay sấy khô trên 160oC ít nhất 30 phút. 

Bào tử C. botulinum tồn tại ở đất, bùn, phân tươi hoặc đã ủ, đường tiêu hóa của động vật và người mang khuẩn lành, các loại đồ hộp, thức ăn bảo quản, lên men ở môi trường kỵ khí, nếu người ăn phải thức ăn này sẽ bị ngộ độc, rất nguy hiểm đến tính mạng. Do vậy, không nên mua loại đồ hộp bị phồng, méo. Nếu trong quá trình bảo quản ở nhà, đồ hộp bị phồng thì cũng không nên sử dụng.

Bảo quản, sử dụng đồ hộp: Cần tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất để đảm bảo chất lượng, như đã ghi trên nhãn sản phẩm, theo đúng vòng đời của sản phẩm.

Sau khi sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như (với triệu chứng mệt mỏi, sụp mi mắt, yếu cơtứ chi, khó nuốt, liệt cơ, khó thở ….) cần đến ngay cơ ở y tế gần nhất để được khám và xử lý kịp thời.

 2. Mua rau, quả, thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn

Trong siêu thị và các cửa hàng thực phẩm an toàn thường được nhập các thực phẩm có nguồn gốc xuất xử, từ các vùng canh tác, nuôi trồng an toàn, được chứng nhận.

Hiện nay các rau, quả, thịt, cá an toàn đã được gắn nhãn, mã vạch để xác định xuất xứ, nguồn gốc.

3. Lựa chọn thực phẩm tại các chợ truyền thống:

- Lựa chọn rau, quả:

Rau, quả cần có màu sắc tự nhiên, không có mùi lạ, mùi hóa chất, không héo úa.

Đối với khoai tây: không nên chọn củ mọc mầm vì mầm khoai tây có thể gây ngộ độc

- Lựa chọn thịt

- Nên lựa thịt có màu hơi hồng (thịt heo) hoặc đỏ tươi (thịt bò), thớ thịt săn chắc, lấy ngón tay ấn vào thịt không để lại dấu vết gì khi bỏ ngón tay ra, da mỏng.

- Bên ngoài có vẻ ướt nhưng không nhớt, bóng, không nhão.

- Không có mùi lạ: mùi ôi thiu, mùi thuốc kháng sinh...

- Nếu thịt có xương: thịt dính chắc vào xương.

- Da sạch, mỏng, trắng

Lựa chọn cá tươi:

-Thân cá co cứng, để trên bàn tay không thõng xuống.

- Mắt cá lồi, trong suốt.

- Miệng cá ngậm cứng.

- Mang cá đỏ hồng, không có nhớt và không có mùi hôi.

- Vẩy cá tươi, sáng lóng lánh, dính chặt vào thân.

- Bụng cá bình thường, không phình, không bị vỡ, hậu môn nhỏ, lõm hoặc phẳng.

- Thịt cá chắc, dính chặt vào xương sống.

- Mùi tanh đặc trưng của cá, không có mùi lạ.

Lựa chọn thực phẩm khô

- Các thực phẩm sấy khô phải đảm bảo không mốc, hỏng, mùi vị lạ

- Các loại ngũ cốc, hạt có dầu như đậu, lạc, ngô nếu bị mốc sẽ bị nhiễm độc tố vi nấm rất nguy hiểm. Một trong những độc tố vi nấm thường gặp là Aflatoxin thường có trong ngô, đậu và lạc ẩm mốc. Độc tố này đã được chứng minh gây ung thư gan.

4. Bảo quản thực phẩm:

Rau, quả: Nếu không dùng ngay trong ngày, thực phẩm mua về cần bảo quản trong ngăn mát của tủ lạnh (ngăn rau, quả). Cần để khô, bọc riêng từng loại rau, quả để bảo quản trong tủ lạnh.

Thịt, cá: Nếu không dùng ngay trong ngày, cần rửa sạch, chia nhỏ theo từng bữa, bọc kín để bảo quản trong ngăn mát (nếu sử dụng ở ngày hôm sau) hoặc bảo quản trong ngăn đá nếu để lâu hơn.

Không bảo quản quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh, gây cản trở lưu thông không khi trong tủ lạnh, và tủ sẽ không đảm bảo nhiệt độ lạnh cần thiết để bảo quản thực phẩm.

Thông thường trong ngăn mát của tủ lạnh: rau, quả bảo quản từ 3-5 ngày, thịt, cá: từ 1-2 ngày

Ngăn đá thông thường bảo quản thịt, cá từ 1-3 tháng tùy từng loại thực phẩm.

5. Chế biến, sử dụng thực phẩm:

Thực hiện ăn chín, uống chín.

Không trộn lẫn thực phẩm còn thừa vào thực phẩm nấu mới để bảo quản.

Khi sử dụng lại thực phẩm còn thừa cần đun sôi lại trước khi ăn.

Tuyệt đối không ăn thực phẩm đã ôi, thiu, mốc, hỏng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem