Thực phẩm sạch Hà Nội: Tăng kiểm tra đột xuất và lấy mẫu định kỳ

Lê San Thứ năm, ngày 05/04/2018 10:33 AM (GMT+7)
TP.Hà Nội đặt mục tiêu đến cuối năm 2018, số cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản kiểm tra đạt yêu cầu (xếp loại A, B) về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tăng 10% so với năm 2017.
Bình luận 0

Vẫn khó xử lý cơ sở vi phạm

Thời gian qua, TP.Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Tuy nhiên, sản xuất quy mô nhỏ, tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản xếp loại C khá nhiều là những thách thức lớn về bảo đảm ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp.

img

Trong năm 2018, lực lượng chức năng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, chế biến (ảnh minh họa).   Ảnh: I.T

TP.Hà Nội phấn đấu 100% cán bộ làm công tác quản lý ATTP các cấp được tập huấn. 100% các thông tin phản ánh về mất VSATTP nông, lâm, thủy sản được xác minh, xử lý kịp thời. Số mẫu giám sát còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản trong rau quả; tồn dư hóa chất, chất bảo quản, phụ gia trong các sản phẩm thịt, thủy sản nuôi giảm 10% so với năm 2017.

Theo ông Phạm Khắc Diến - Chánh Thanh tra Sở NNPTNT Hà Nội, vi phạm trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu tập trung vào các lỗi: Không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, vệ sinh thú y; không công bố hợp quy, phù hợp an toàn thực phẩm; vi phạm nhãn mác; hàng hóa không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng... Toàn thành phố có hơn 20.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản nhưng tỷ lệ cơ sở xếp loại C khá nhiều.

Tình trạng nhập lậu các sản phẩm vật tư nông nghiệp như: Thuốc bảo vệ thực vật, thú y, thủy sản ngoài danh mục được phép sử dụng từ các tỉnh biên giới về Hà Nội tiêu thụ diễn biến phức tạp cũng ảnh hưởng tới việc quản lý sử dụng các hóa chất, vật tư trong sản xuất sản phẩm nông nghiệp, gây khó khăn cho các ngành chức năng trong quá trình xử lý vi phạm.

Bà Tạ Thị Lừng - Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn cho hay, trên địa bàn huyện có 1.746 cơ sở thực phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, việc thanh tra, xử lý vi phạm còn khó khăn do các cơ sở chủ yếu sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, vẫn còn tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thú y, phân bón, chất cấm trong chăn nuôi; vận chuyển, kinh doanh, giết mổ, bảo quản, nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản tươi sống, sản xuất, kinh doanh rau, hoa, quả chưa có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ... Cán bộ của các xã, thị trấn dường như không xử phạt được vi phạm vì còn nể nang và số lượng cơ sở sản xuất quá lớn. Trong khi đó, bộ máy quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm nông nghiệp cấp xã, thị trấn chưa có, chủ yếu phụ thuộc vào nhân viên thú y, bảo vệ thực vật nên kết quả hạn chế.

Tập trung thanh, kiểm tra đột xuất

Để tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh ATTP, ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, thời gian tới, các đơn vị trực thuộc Sở sẽ tăng cường thanh tra, kiểm nghiệm, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện những quy định của pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP. Đồng thời, phối hợp với các cấp, các ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất việc bảo đảm ATTP đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông sản, hóa chất trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chất cấm; tổ chức lấy mẫu định kỳ để phát hiện vi phạm.

Đây cũng là một trong những nội dung của Kế hoạch về bảo đảm ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2018 vừa được UBND TP.Hà Nội ban hành. Để hoàn thành chỉ tiêu trên, ngoài việc hoàn thiện xây dựng cơ chế chính sách; tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản an toàn; kiểm soát chặt chẽ ATTP; thông tin, truyền thông về ATTP; tổ chức lực lượng, nâng cao năng lực, thành phố sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm. Theo đó, tổ chức kiểm tra, phân loại, kiểm tra định kỳ 100% cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn quản lý; tái kiểm tra 100% cơ sở loại C và xử lý dứt điểm cơ sở tái kiểm tra vẫn xếp loại C; hướng dẫn, kiểm tra cấp xã, phường tổ chức ký cam kết và giám sát việc tuân thủ các nội dung cam kết đã ký, tăng cường kiểm soát ATTP tại các chợ đầu mối, các cơ sở chuyên doanh nông, lâm, thủy sản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem