Thịt lợn nhập khẩu từ Nga tiếp tục tăng mạnh

08/07/2021 15:46 GMT+7
Sau 5 tháng đầu năm 2021, lượng thịt lợn nhập khẩu từ Nga tăng 6 lần so cùng kỳ năm ngoái, đạt 27.410 tấn.

Theo số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, 5 tháng đầu năm nay, nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh đạt 63.500 tấn, trị giá 146,41 triệu USD, tăng 142,2% về lượng và tăng hơn 130% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tháng 5, Việt Nam nhập khẩu thịt lợn sống ướp lạnh hoặc đông lạnh từ 9 thị trường, bao gồm: Australia, Canada, Mỹ, Đan Mạch, News Zeanland, Nga, Ấn Độ, Hà Lan, Ba Lan.

Trong các thị trường trên, Nga là thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam trong 5 tháng qua, với 27.410 tấn, trị giá 74,96 triệu USD, tăng 608,6% về lượng và tăng 544,8% về trị giá so với cùng kỳ 2020. Giá nhập khẩu trung bình đạt 2.751 USD một tấn, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thịt lợn nhập khẩu từ Nga tiếp tục tăng mạnh - Ảnh 1.

Lượng thịt lợn nhập khẩu liên tục tăng đầu năm 2021. (Ảnh: Tài chính doanh nghiệp)

Cũng theo Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt đạt 307.420 tấn, trị giá 602,45 triệu USD, tăng 17,7% về lượng và tăng 45% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Về thị trường trong nước, giá lợn tại nhiều địa phương liên tục giảm, thậm chí đạt mức thấp nhất nhiều năm trở lại đây. Cụ thể, giá lợn tại chợ đầu mối Hà Nam đang rất rẻ, dao động khoảng 56.000 - 58.000 đồng/kg.

Theo thông tin của một số thương lái tại chợ, đó là giá của loại chất lượng cao, mã đẹp, thịt ngon. Những con chất lượng không cao giá chỉ dao động 49.000 - 53.000 đồng/kg mà không có ai mua.

Tại các chợ truyền thống, dân sinh ở Hà Nội, giá bán lẻ thịt lợn dao động 100.000 - 130.000 đồng/kg. Trong đó, thịt nạc vai, mông có giá thấp nhất. Thịt ba chỉ, xương có giá 130.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thịt móc hàm cũng chỉ dao động ở mức 85.000-90.000 đồng/kg.

Theo chị Liêm, một tiểu thương bán thịt lợn nhiều năm tại chợ Mỹ Đình cho biết, nguyên nhân giá lợn đợt này giảm là vì nguồn cung trong nước dồi dào nhưng nhu cầu tiêu thụ lại thấp.

"Dịch Covid-19 tái bùng phát khiến người dân hạn chế đi lại, thắt chặt chi tiêu. Ngoài ra, các công ty, xí nghiệp dừng cơm trưa do quy định không tập trung đông người. Các nhà hàng, quán ăn nghỉ thời gian dài, hoạt động trở lại cũng ít khách hoặc giới hạn thời gian, nên họ nhập không đáng kể", chị Liêm chia sẻ.

Cũng theo thông tin từ chị Liêm, trước đây, trung bình một ngày các sạp bán thịt tại chợ có sức tiêu thụ trung bình 1 đến 2 con lợn. Tuy nhiên, hiện tại, đa phần các tiểu thương chỉ dám nhập nửa con/ngày, do lượng nhập vào ít nên giá bán lẻ cũng không giảm nhiều.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục