Thanh Hóa: "Liều" bỏ mía trồng cau, ai ngờ nông dân này lại giàu lên, đến mo cau nhặt được cũng bán ra tiền

Đình Toàn Thứ bảy, ngày 30/10/2021 06:35 AM (GMT+7)
Với sự cần mẫn, kiên trì, chịu khó và biết vận dụng cách làm mới vào mô hình trồng cau, ông Hà Văn Dũng, làng Trô xã Giao An (huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa) đã vươn lên làm giàu cho gia đình, cho xã hội, góp phần thay đổi diện mạo của vùng quê nghèo.
Bình luận 0

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Hà Văn Dũng, làng Trô xã Giao An (huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa). Theo nguyện vọng của khách, ông Dũng dẫn chúng tôi đi tham quan vườn cau của gia đình.

Ông Dũng kể:  Trước khi đến với cây cau, gia đình đã trồng rất nhiều loại cây khác trong vườn nhà, như mía, vải, chanh...Tuy nhiên theo thời gian một phần vì không hợp với khí hậu, một phần vì giá bán bấp bênh nên không mang lại thu nhập gì cho gia đình, có năm còn bị lỗ...

Thanh Hóa: "Liều" bỏ mía trồng cau, ai ngờ nông dân này lại giàu lên, đến mo cau nhặt lên cũng bán ra tiền - Ảnh 1.

Ông Hà Văn Dũng, làng Trô xã Giao An (huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa) giới thiệu về vườn ươm giống cau của gia đình.

Ngày đêm “đầu tắt mặt tối” nhưng cũng chỉ đủ ăn, ông Dũng quyết định tìm hướng đi khác cho gia đình với mục tiêu mang lại thu nhập cho gia đình vơi bớt khó khăn.

Ông đã đi nhiều nơi, tìm hiểu nhiều loại cây trồng khác nhau phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương thấy được hiểu quả kinh tế từ cây cau mang lại. Lúc này ông mới tự nhủ: “Sao mình lại không thử trồng cau thay cho các loại cây khác”. Nghĩ vậy, ông quyết định bắt đầu tìm hiểu để tính chuyện trồng cau.

Đó là lý do đã thôi thúc ông Dũng quyết tâm cải tạo vườn tạp để trồng Cau. Năm 2006 ông trồng thử 1.200 cây cau trên diện tích 10 sào vườn. 

Đến năm 2011, vườn cau nhà ông bắt đầu cho thu hoạch. Dần dần thấy cây cau phát triển và cho thu hoạch tốt, giá cau quả trên thị trường cũng ổn định nên ông đã quyết định bỏ mía, nhãn chuyển hẳn sang mở rộng trồng cau.

Tính tới thời điểm hiện tại, khu vườn nhà ông có 600 cây cau đang cho thu hoạch, hơn 1100 cây chuẩn bị cho lứa quả đầu tiên và mở rộng trồng thêm 4ha với trên 10 nghìn cây cau giống,  

Ông Dũng cho biết, cau từ khi ươm quả đến lúc thu hoạch phải mất 5 năm. Cây cau cũng như bao cây trồng khác, năng suất hay không phụ thuộc nhiều vào thời tiết, tuy nhiên vườn cau của ông Dũng mỗi cây trung bình sẽ cho 15- 20kg quả.

Hàng năm, vườn cau nhà ông thường xuyên cho thu hoạch từ 3 đến 4 tấn quả. Với sản lượng cau lớn như vậy, câu hỏi lớn nhất của tôi lúc bấy giờ là đầu ra của cau nhà ông sẽ ra sao? Ông Dũng vui vẻ chia sẻ: Sau khi thu mua cau sẽ bán cho thương lái nên không bao giờ lo bị ế, đã có công ty dược đặt mua cau của gia đình với giá ổn định theo hợp đồng. Nhưng vì số lượng lớn nên gia đình chưa dám nhận lời. Đặc biệt, ông Dũng còn "tiết lộ" khi trồng cau, mo cau cũng có thể bán với giá 3.000 đồng/chiếc.

Bên cạnh những vườn cau đang cho thu hoạch, ông Dũng còn ươm tại vườn để bán cây cau giống với tổng số trên 12.000 cây.

Để phục vụ cho bà con khi có nhu cầu; cau giống được ông bán với giá 20.000 đồng/cây. Năm vừa qua gia đình ông thu nhập khoảng trên 100 triệu đồng từ bán cau các loại.

Có được kết quả ban đầu năm 2018, ông đã thành lập công ty xây dựng dược liệu Dũng Sĩ, chuyện cung cấp giống cau, thu mua cau trên địa bàn và các cây dược liệu khác nhằm tạo ra 1 thương hiệu thực sự uy tín với phương châm “khách hàng là thượng đế - chữ tín đứng đầu tiên”. 

Công ty sẽ mua cau quả ở các huyên bạn, tỉnh bạn để cung cấp cho thị trường. Qua đó sẽ phát động các chương trình hoạt động cụ thể giúp nhau phấn đấu xóm thôn trồng cau, người người trồng cau, nhà nhà trồng cau để vừa tạo ra một môi trường sinh thái lý tưởng vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trong khu vực.

Kể về những khó khăn trong quá trình trồng cau của mình, ông Dũng cho biết trồng câu không khó, cây cau không sợ nóng, chỉ sợ rét. Những năm gần đây giá cau luôn ổn đinh, có giá thu mua cao. Với suy nghĩ “tấc đất tấc vàng” nhưng đất đó có ra vàng hay không còn phụ thuộc vào bàn tay người sở hữu nó.

Ông Dũng cho rằng làm bất kể việc gì cũng phải chuyên sâu, lao tâm khổ tứ phải có đầu tư và kiên trì thì mới cho thu hoạch theo ý muốn, đó mới là phát triển kinh tế bền vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem